| Hotline: 0983.970.780

Thứ Bảy 03/10/2020 , 08:05 (GMT+7)
Dạ Ngân

Dạ Ngân

Nhà văn 08:05 - 03/10/2020

Nàng Bạch Tuyết phải đẹp

Nhớ chuyện nhưng đã qua trung thu. Không sao, đây không phải bài báo phục vụ mùa lễ hội.

Khoảng mươi năm trước, chúng tôi về làm cư dân Sài Gòn. Đời sống đô thị cởi mở, làng báo nhiệt tình săn đón và, hoạt động sân khấu ở thủ phủ Nam bộ này khỏi phải nói. Biết bao nghệ sĩ đất Bắc phải vào đây để khẳng định mình và tìm thấy cuộc sống đầy đủ xứng đáng với tài năng và công sức của họ.

Rồi từ mảnh đất này, sự sôi động phả ra miền Bắc, Hà Nội và các tỉnh lớn khác. Hòa nhập vào nhau, lĩnh vực sân khấu thì vẫn cứ Sài Gòn là đầu tàu xét về góc độ gặp nhau giữa công chúng và giới biểu diễn.

Vợ chồng tôi cùng gia đình con gái mua vé đi xem một chương trình hoạt cảnh của một cơ sở từ thiện có tiếng (xin được phép không nêu tên).

Sân khấu ngoài trời, một sân khấu bề thế hẳn hoi (cũng xin được phép không nêu tên). Đêm mát mẻ, người Sài Gòn vốn có truyền thống từ tâm kéo nhau đi xem rất đông, gần đầy sân. Gia đình nào cũng đưa con hoặc cháu nhỏ đi, vì chương trình gây Quỹ cho chính cơ sở từ thiện ấy.

Tiết mục lớp lang Bạch Tuyết và bảy chú lùn. Ai cũng có thể kể cho con hoặc cháu mình nghe câu chuyện ấy. Và trên ti-vi hay phim điện ảnh, khán giả thế giới muốn xem người thật hay hoạt hình đều được thỏa thuê. Khi Walt Disney đã đóng dấu mỹ mãn cho khán giả con trẻ khắp thế giới bằng những thước phim lộng lẫy thì những bản khác của các quốc gia khác sẽ không là gì cả nữa.

Ở Sài Gòn, bằng tâm và tài, nghệ sĩ Thành Lộc và các bạn của ông đã công phu và thành công khi kịch hóa các câu chuyện cổ điển. Cậu Bé Rừng Xanh, Nàng Tiên Cá, Cô Bé Lọ Lem, và cả vở nàng Bạch Tuyết mà tôi đang nhắc tới.

Trở lại với buổi diễn và gánh diễn chắc chắn là rất nghiệp dư này. Bảy chú lùn, dễ tìm, các bạn nhỏ của cơ sở ấy rất nhỏ và có ngoại hình khiếm khuyết nên khi họ xuất hiện là thấy buồn cười dù họ không cố ý chọc cười.

Hoàng hậu và hoàng tử cũng chọn trong dàn các em ấy, có nhỉnh chiều cao hơn. Nhưng lấy đâu ra một nàng Bạch Tuyết nhan sắc khả dĩ? Không biết khi làm vở diễn này các bạn ở cơ sở ấy có băn khoăn không? Hay chỉ là một mục đích từ thiện thì không cần mỹ cảm từ diễn viên cho người xem nữa?

Ở đây là sân khấu lớn, đối tượng người xem chủ yếu là trẻ nhỏ. Vậy thì chúng không thể vì yếu tố từ thiện của cha mẹ ông bà mà quên đi nội dung câu chuyện đã nằm lòng ấy?

Nàng Bạch Tuyết không ngoại hình, không tài năng không gì cả, dĩ nhiên là như vậy. Tôi không muốn tả kỹ vì dù sao đây cũng là gánh hát bất đắc dĩ cho một việc kêu gọi tình thương, lòng trắc ẩn.

Cháu ngoại gái của tôi khi ấy mới sáu tuổi đã thực sự đau khổ. Nó ta thán, bứt rứt, thậm chí muốn khóc và đòi về chỉ vì quá thất vọng với Bạch Tuyết trên sân khấu.

Như đã nói, vì là từ thiện nên chúng tôi nhắc cháu dằn lòng, ngồi hết suất diễn để đứng dậy vỗ tay và ai muốn đóng góp thêm ngoài tiền vé thì lần lượt xếp hàng đi về phía sâu khấu, có thùng cho việc thả tiền vào đó.

Ấm ức và ấm ức. Chúng tôi không cất giữ gì chuyện đó. Nhưng cháu tôi, sự hồn nhiên và háo hức của nó như bị một gáo nước lạnh. Từ rày nó sẽ không để thời gian cho những lần xem như thế nữa, tôi đoan chắc. Nó vẫn là trẻ con để nghĩ rằng sao Bạch Tuyết của Việt Nam lại tệ hại như thế chứ. Nó sẽ nghĩ vậy, có lẽ, cho đến khi nó trưởng thành và nghĩ lại.

Có nhiều cách để xin từ thiện. Tôi nghĩ, cách đưa những em khuyết tật lên sân khấu với một vở diễn cổ điển như thế là việc làm rất thiếu cẩn trọng.

Tôi thực sự không biết có những lần khác, của những nơi khác tương tự như vậy không? Nhưng tôi thi thoảng thấy các nghệ sĩ khiếm thị đàn và hát, các nghệ sĩ khiếm thính nhảy như một ban nhạc nhảy. Họ thực sự tài, họ không cho ta sự thương hại, ngược lại, họ lan truyền cảm hứng sống, không chỉ có người lành lặn mới tài.

Ở đây, một vở diễn cần rất nhiều diễn viên trẻ nhỏ để khán giả trẻ nhỏ thán phục và ngưỡng mộ. Nhưng, như tôi đã nói, tiền đã xin được, vé đã bán hết nhưng các khán giả nhỏ đã thu nhận điều ngược lại. Khổ thân người Việt chúng ta, làm gì cũng hay bộp chộp, đơn giản và không hình dung hậu quả.

Đừng ngụy biện với bất kỳ lý do gì dù đó là lý do từ thiện. Chúng ta vẫn dùng tăm tre hay hoa giả vì biết đó là của một cơ sở xã hội. Chúng ta vẫn chọn những người khiếm thính khi cần tẩm quất chỉ vì muốn giúp họ thay vì cho họ đồng tiền. Chúng ta vẫn mua vé số của một người tật nguyền dù không mong mình trúng số.

Nhưng nàng Bạch Tuyết thì phải đẹp. Nhất định là như thế. Không thể khác được đâu.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm