Người dân chưa chú trọng đến thu hoạch cà phê chất lượng
Toàn tỉnh Gia Lai có trên 98.000ha cà phê. Trong đó, diện tích đang kinh doanh hơn 87.000ha, tập trung chủ yếu tại các huyện: Đăk Đoa, Ia Grai, Chư Prông, Chư Păh, Mang Yang, Đức Cơ, Kbang.
Thời điểm này, tại tỉnh Gia Lai đang vào vụ thu hoạch cà phê. Theo nhiều hộ dân, mặc dù năm nay giá cà phê tăng cao khoảng 12.000 đồng/kg tươi nhưng năng suất lại sụt giảm nghiêm trọng, chỉ khoảng hơn 10 tấn tươi/ha. Chính điều này đã khiến lợi nhuận thu về của phần lớn hộ dân không được như kỳ vọng.
Cũng bởi cà phê bị mất mùa đã phần nào ảnh hưởng đất chất lượng trong quá trình thu hoạch. Để có sản phẩm chất lượng, chính quyền và ngành nông nghiệp Gia Lai đang tăng cường khuyến cáo, tổ chức giám sát ngay từ khâu thu hoạch đảm bảo quả chín đạt trên 80%.
Tuy nhiên, ghi nhận thực tế cho thấy, hiện nay nhiều hộ dân vẫn thu hái nhiều cà phê với quả xanh nhiều hơn chín, dẫn đến làm giảm chất lượng cà phê xuất khẩu. Thực tế, các doanh nghiệp, thương lái thu mua cà phê quả tươi trên các địa bàn trọng điểm cà phê của tỉnh như Chư Păh, Ia Grai, Đăk Đoa… cũng mua cà phê chín với giá không có nhiều chênh lệch so với cà phê xanh. Điều này, không đủ sức khuyến khích nông dân trồng cà phê thu hái quả chín để đảm bảo chất lượng.
Có 1ha cà phê đang thu hoạch, gia đình ông Phạm Văn Duy (thôn Ia Lôk, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh) đang rất đau đầu khi vườn cà phê xanh tốt nhưng năng suất mang lại không được như kỳ vọng, chỉ đạt khoảng 11 tấn tươi/ha. Trong khi, cũng với cà phê này, năm ngoái năng suất cao gần gấp đôi.
Ông Duy cho biết, trước đó ít hôm gia đình đã thu hoạch đợt 1, theo đó lựa chọn những quả chín để hái. Còn đợt 2 này, gia đình sẽ hái hết dù quả chín chỉ đạt khoảng 70%.
“Nếu cà phê chín được thu mua với giá cao, gia đình sẵn sàng làm theo quy trình đưa ra. Tuy nhiên, hiện doanh nghiệp và các thương lái thu mua cà phê không đưa ra tiêu chuẩn về giá giữa cà phê chín và cà phê xanh nên cũng không khuyến khích được các hộ dân giữ cà phê chín mới thu hoạch”, ông Duy nói và cho biết, nếu để cà phê chín mới thu hái sẽ khiến quả bị rụng nhiều, chưa kể cây sẽ bị suy kiệt dinh dưỡng.
Có 0,9ha cà phê cho thu hoạch vụ này, anh Nguyễn Văn Trường (xã Ia Bă, huyện Ia Grai) cho biết, gia đình cũng nhận được khuyến cáo từ chính quyền địa phương về việc không được thu hái cà phê quả xanh để nâng cao chất lượng cà phê xuất khẩu. Tuy nhiên, việc lựa chọn quả chín phải hái thành nhiều đợt, trong khi tiền thuê mướn nhân công cao. Mặt khác, giá thu mua cà phê được các thương lái “cào bằng” không quan trọng chín hay xanh nên gia đình chọn thu hoạch 1 đợt để giảm chi phí.
Ông Lê Văn Thanh, Giám đốc HTX Sản xuất, thương mại, dịch vụ, du lịch nông nghiệp Ia Mơ Nông (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh) cho biết, hiện phần lớn người dân trên địa bàn thu hoạch cà phê có tỷ lệ quả xanh rất nhiều. Nguyên nhân, do các doanh nghiệp đưa ra mức giá thu mua chung, quả xanh cũng như quả chín, điều này vô tình hưởng ứng cho người dân làm sai quy trình thu hoạch.
“Cà phê chín đều, đẹp cũng chỉ được thu mua với giá như quả xanh thì làm sao khuyến khích người dân thực hiện đúng quy trình về thu hoạch được. Mặt khác, với việc mạnh ái nấy mua, mạnh ai nấy bán, không có cơ chế quản lý thì rất nhiều năm về sau ngành hàng cà phê cũng khó đạt tiêu chuẩn để hướng tới xuất khẩu”, ông Thanh thông tin.
Cũng theo ông Thanh, nhà nước cần phải ban hành về quy trình đảm bảo chất lượng cà phê. Theo đó, người trồng cà phê phải có nhật ký canh tác, quy trình chăm sóc, yêu cầu độ chín quả cà phê đạt bao nhiêu thì được. Cùng với đó, phải truy xuất nguồn gốc cho mặt hàng cà phê, sẵn sàng kiểm tra, xử lý khi thấy cà phê không đảm bảo. Có như vậy, cà phê mới nâng cao được chất lượng phục vụ xuất khẩu và hướng đến phát triển bền vững.
Doanh nghiệp quy định chất lượng trong thu hoạch cà phê
Tham quan tại vườn cà phê giao khoán 0,93ha của gia đình chị Nguyễn Thị Hương ( Đội 19, Công ty TNHH MTV Cà phê Ia Châm, huyện Ia Grai) chúng tôi không khỏi bất ngờ khi vườn cà phê cho năng suất rất cao đạt khoảng 19 tấn tươi. Chị Hương cho biết, năng suất năm nay tuy giảm hơn so với năm ngoái nhưng bù lại chất lượng cà phê trong thu hoạch luôn được đảm bảo.
Để có được điều này, trước khi bước vào thu hoạch, công ty đã đưa ra quy định hái đợt đầu quả chín phải đạt trên 90%, các đợt sau tùy vào tình hình mà qủa chín có thể trên 80%, còn nếu quả xanh nhiều sẽ bị xử phạt. Ngoài ra, để cà phê đạt chất lượng, vườn cà phê của gia đình chị Hương chăm sóc chủ yếu sử dụng phân chuồng, vi sinh và nói không với thuốc diệt cỏ.
Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Cà phê Ia Châm cho biết, theo quy định của Tổng Công ty Cà phê Việt Nam đưa ra, để hướng đến xuất khẩu, các công ty thành viên phải áp dụng quá trình thu hoạch với tỷ lệ quả chín đạt trên 90%.
“Việc thu hái quả chín sẽ mất nhiều đợt thu hoạch và tốn kém hơn về nhân công. Tuy nhiên, phía công ty bắt buộc phải để quả chín mới hái bởi chúng tôi có những đối tác xuất khẩu thu mua quả chín với giá chênh lệch cao hơn”, ông Tuấn chia sẻ.
Ông Nguyễn Ngô Hùng, Quyền Giám đốc Công ty Cà phê Ia Sao 2 (huyện Ia Grai) cho biết, hiện công ty có hơn 460ha trong thời kỳ thu hoạch. Năm nay, dự kiến sản lượng khoảng trên 7.000 tấn, hiện đã thu hoạch được 2.000 tấn. Để cà phê đạt chất lượng trong thu hoạch, công ty đưa ra quy định chung về việc cà phê phải đạt quả chín trên 85%.
“Với việc thu hái cà phê đạt chất lượng sẽ là tiền đề để công ty thực hiện chế biến thô, sau đó đưa về Tổng công ty Cà phê Việt Nam chế biến sâu, phục vụ cho thị trường xuất khẩu được tốt hơn”, ông Hùng chia sẻ.
Ông Pham Đình Thắm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Ia Grai cho biết, ngay khi bước vào đầu vụ thu hoạch cà phê, đơn vị cũng đã khuyến cáo bà con phải nên hái quả chín đạt ít nhất phải trên 80% nhằm nâng cao chất lượng của cà phê trên địa bàn.
Muốn đạt được điều này, quan trọng nhất vẫn là ý thức của các hộ dân, buộc phải thu quả chín mới giữ được chất lượng sản phẩm của mình nếu muốn hướn đến xuất khẩu. Bên cạnh đó, người dân phải tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất cà phê theo các tiêu chuẩn về chất lượng thì giá thu mua sẽ tăng đáng kể. Hiện trên địa bàn, nhiều hộ dân đang liên kết với doanh nghiệp trồng cà phê theo tiêu chuẩn 4C và đang được thu mua với gia cao hơn khoảng 2 triệu đồng/tấn.
Ông Pham Đình Thắm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Ia Grai cho biết, các doanh nghiệp liên kết cũng cần phải có chính sách hỗ trợ giúp người dân để thực hiện đúng về quy trình thu hoạch cà phê đảm bảo chất lượng. Trong khi đó, chính quyền địa phương cũng cần vào cuộc để vận động những doanh nghiệp, thương lái không được thu mua quả xanh, hoặc mua với giá rất thấp, có như vậy mới nâng cao chất lượng thu hoạch cà phê của người dân.