| Hotline: 0983.970.780

Nâng cao chất lượng chè, chủ động hội nhập quốc tế

Thứ Năm 03/09/2015 , 09:58 (GMT+7)

Trước thực trạng sản phẩm trà Lâm Đồng bị nước ngoài thải loại trong thời gian gần đây, chính quyền và ngành chuyên môn tỉnh Lâm Đồng đã tìm nhiều giải pháp nhằm cải thiện tình hình.

Đáng chú ý là mới đây nhất, UBND tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức một hội nghị chuyên đề với tên gọi “Giải pháp nâng cao chất lượng chè, chủ động hội nhập quốc tế”.

Phát biểu tại hội nghị, TS Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng thẳng thắn chỉ rõ: Với Lâm Đồng, cây chè là một trong những thế mạnh, là cây trồng chủ lực đang phát triển theo hướng nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC).

Song, so với một số cây trồng khác của địa phương, cây chè vẫn chưa được phát huy lợi thế so sánh. Trong tương lai, ngành chè Lâm Đồng nếu không có sự cải tổ, thì sản phẩm nông nghiệp thế mạnh này của tỉnh sẽ không chủ động hội nhập quốc tế được.

Nói không với Fipronil

So với cả nước, Lâm Đồng là tỉnh có diện tích và sản lượng chè đứng vào hàng thứ nhất: 23.000ha và 223.000 tấn - chiếm 21% diện tích và 30% sản lượng chè của cả nước (riêng về năng suất, bình quân chung của cả nước là 7,7 tấn búp tươi/ha, trong khi chè Lâm Đồng đạt bình quân hơn 10 tấn/ha).

Ông Đoàn Trọng Phương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, cho biết thời gian gần đây, sản phẩm chè xuất khẩu của Việt Nam có một số lô hàng bị thải loại không phải vì chất lượng sản phẩm của chúng ta kém hơn trước mà chủ yếu là do yêu cầu về chất lượng của các quốc gia này đã được nâng lên ở mức cao hơn.

Trong khi đó, vấn đề nâng cao chất lượng sản phẩm của chúng ta đã không được chú trọng đúng mức, có phần chủ quan nên không theo kịp (chúng ta có thừa khả năng để làm việc này).

Do vậy, ngay từ bây giờ, việc cần làm ngay là giảm đến mức tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên cây chè; đặc biệt, cần dừng ngay việc sử dụng các loại thuốc BVTV có chứa hoạt chất fipronil - nhóm độc tố 2, loại thuốc BVTV bị nhiều quốc gia nghiêm cấm sử dụng.

Cụ thể, hồi đầu năm nay, phía Đài Loan đã kiên quyết thải loại 22 lô hàng chè của Lâm Đồng vì dư lượng hoạt chất fipronil cao hơn mức 0,002ppm (ppm: một phần triệu) - mức giới hạn của Đài Loan.

Theo Trung tâm Phân tích của Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, mức 0,002ppm mà Đài Loan đưa ra là mức mà gần như hoạt chất fipronil không được phép xuất hiện trong sản phẩm chè của Việt Nam.

Ông Lê Văn Minh - GĐ Sở NN-PTNT Lâm Đồng, chia sẻ: “Việc thay thế bằng các loại thuốc BVTV không chứa hoạt chất fipronil trong sản xuất chè nguyên liệu ở Lâm Đồng là việc trong tầm tay.

Bởi vậy, sự cố một số lô trà xuất khẩu của Lâm Đồng bị thải loại hồi đầu năm có phần do sự chủ quan của các cơ sở sản xuất. Vấn đề đặt ra trong lúc này là Lâm Đồng cần nói không với fipronil.

Hiện Sở chúng tôi đã xây dựng kế hoạch hành động quản lý dư lượng thuốc BVTV trên cây chè giai đoạn 2015 - 2020. Theo đó, mục tiêu đặt ra là giảm thiểu dư lượng thuốc BVTV trên sản phẩm trà theo quy định của Việt Nam và theo quy định của thị trường thế giới.

Trước mắt, từ nay đến 2016, hoạt chất fipronil sẽ được loại bỏ hoàn toàn ra khỏi sản phẩm chè, nhất là đối với sản phẩm chè xuất khẩu”.

Nâng cao chất lượng sản phẩm

Mới đây nhất, Chi cục BVTV Lâm Đồng tiếp tục đưa ra khuyến cáo: “Không được sử dụng fipronil trong sản xuất rau an toàn, sản xuất chè, đặc biệt đối với sản phẩm chè xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, Nhật Bản vì mức dư lượng tối đa cho phép (MRL) của fipronil trên chè tại các thị trường này rất thấp (MRL = 0,002ppm).

Đối với các diện tích chè trồng xen với cà phê, không sử dụng fipronil để phòng trừ kiến, mối trên cà phê, tránh để lại dư lượng fipronil trong sản phẩm chè”.

Việc nâng cao chất lượng sản phẩm chè để chủ động hội nhập quốc tế chính là sự sống còn của ngành chè Lâm Đồng trong giai đoạn phát triển mới hiện nay và trong tương lai.

Tại hội nghị “Bàn giải pháp nâng cao chất lượng chè, chủ động hội nhập quốc tế” nói trên, theo kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S thì trong thời gian tới, Lâm Đồng cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất chè để ngày càng nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm chè Lâm Đồng trên thị trường quốc tế.

Cùng đó, việc xúc tiến thương mại nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu chè cần thực hiện song song với việc tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân để kiểm soát chặt hơn nữa nguồn nguyên liệu chè trước khi đưa vào chế biến và XK.

Thực tế cho thấy, mặc dầu vẫn còn những hạn chế nhất định song không thể phủ nhận rằng sản phẩm chè của Lâm Đồng vẫn thuộc hàng nhất nhì của cả nước, đặc biệt là sản phẩm chè XK.

Nhiều doanh nghiệp trong thời gian gần đây, sau “sự cố” chè XK của Lâm Đồng bị thải loại, đã “giật mình” bởi sự chủ quan trong việc quản lý nguồn nguyên liệu đầu vào trước khi chế biến. Nhiều Cty XK chè nổi tiếng của Lâm Đồng như Công ty TNHH Tâm Châu, Công ty TNHH Phong Giang, Công ty TNHH Sản xuất và thương mại TCB... (đều có trụ sở và nhà máy đóng ngay trên vùng nguyên liệu chè Bảo Lộc và Bảo Lâm) đã tăng cường hơn nữa việc kiểm soát vùng nguyên liệu của doanh nghiệp mình, kiểm soát một cách nghiêm ngặt đầu vào của nguyên liệu (nếu phải thu mua trong dân)...

Đồng thời tăng cường đổi mới thiết bị để có thể làm ra sản phẩm chè đạt chất lượng cao nhất, đáp ứng yêu cầu ngày một khắt khe của thị trường, nhất là thị trường nước ngoài.

Theo quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội Lâm Đồng đến năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt, Lâm Đồng ổn định diện tích chè khoảng 29.000 - 30.000ha (trong đó có 5.000ha chè chất lượng cao) trong tổng số 280.000ha đất sản xuất nông nghiệp của toàn tỉnh vào năm 2020.

Cùng với đó, năng lực chế biến chè thành phẩm từ 42.000 tấn hiện nay sẽ được nâng lên 70.000 tấn vào năm 2020 (tương đương 95% sản lượng chè búp tươi), trong đó gồm 20% - 25% trà ô long, 40% - 45% chè xanh và 30% - 35% chè đen; và sản lượng chè XK hằng năm đạt trên 80%.

Xem thêm
Tôm hùm sống và cua sống nhiều ‘cửa sáng’ tại thị trường Trung Quốc

Nhập khẩu cua sống của Trung Quốc tăng 26% lên mức ấn tượng 1,63 tỷ USD trong năm 2023; trong khi đó nhập khẩu tôm hùm sống cũng tăng vọt 29%, đạt 790 triệu USD.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

‘Con tôm ôm Thụy Hương 308’ cùng phát triển bền vững

Giống lúa lai ba dòng Thụy Hương 308 đem đến năng suất vượt trội, khả năng chống chịu phù hợp với mô hình luân canh lúa - tôm trên những cánh đồng mặn xâm nhập.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.