| Hotline: 0983.970.780

Nâng cao đời sống hộ nhận khoán để giữ rừng

Chủ Nhật 12/11/2017 , 08:15 (GMT+7)

Trong những năm qua, công tác bảo vệ rừng phòng hộ Cần Giờ (TP.HCM) được thực hiện khá tốt. Trong đó, có sự đóng góp không nhỏ về công sức của những hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng.

15-34-31_giu_rung_cn_gio_-_nh_1
Hộ nhận khoán chăm sóc rừng (Ảnh: Hồng Thủy)

Với diện tích hơn 35.000ha, rừng phòng hộ Cần Giờ có vai trò rất lớn về phòng hộ môi trường cho TP.HCM và các vùng phụ cận. Đồng thời, với sự đa dạng sinh học cao, là hình mẫu chuẩn về rừng ngập mặn và được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên tại Việt Nam.

Chính vì vậy, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ Cần Giờ luôn là mối quan tâm hàng đầu của TP.HCM. Trong đó, việc ổn định và nâng cao đời sống của các hộ nhận khoán bảo vệ rừng được coi là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu.

Từ năm 1990, Ban Quản lý rừng phòng hộ môi trường TP.HCM (nay là Ban Quản lý Rừng phòng hộ Cần Giờ) đã tiến hành thí điểm giao khoán bảo vệ rừng cho 10 hộ. Mô hình thí điểm đã mang lại hiệu quả tốt khi những hộ dân đó đã yên tâm gắn bó và tích cực tham gia vào công tác bảo vệ rừng. Đến nay, 10 hộ nhận khoán đầu tiên vẫn đang tiếp tục gắn bó với rừng Cần Giờ và được coi như những hạt nhân trong quản lý, bảo vệ rừng.

Từ hiệu quả bảo vệ rừng của 10 hộ nhận khoán đầu tiên, Ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ đã mở rộng thêm số hộ nhận khoán qua từng năm. Đến tháng 10/2017, đã có 178 hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng Cần Giờ. Trong đó, có những hộ nhận giao khoán tới hàng trăm ha như gia đình bà Nguyễn Thị Kim Hoàng gần 250ha, bà Đinh Thị Hồng 191ha... Tiền công giao khoán, sau nhiều lần điều chỉnh, hiện đang ở mức 1.156.000 đ/ha/năm. Do hộ nào cũng nhận khoán với diện tích lớn nên số tiền giao khoán mà các hộ nhận được hàng năm nhìn chung cũng đủ để trang trải cuộc sống.

15-34-31_giu_rung_cn_gio_-_nh_2

Họp giao ban bảo vệ rừng với các hộ dân nhận khoán (Ảnh: Hồng Thủy)

Ngoài ra, các hộ còn có thể tăng thu nhập như bắt cua, cá, ba khía... Ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ còn chủ động liên hệ với ngân hàng cho các hộ vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất; giải quyết việc làm cho nhân lực lao động nhận khoán.

Một số mô hình sản xuất phụ cũng đã được giới thiệu, tập huấn cho bà con và được nhiều hộ thực hiện để cải thiện đời sống như trồng rau xanh ở các chốt canh rừng (mỗi hộ dân là 1 chốt)... Bên cạnh đó, các hộ nhận khoán còn được cấp thẻ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, được cung cấp nước sạch, có điện sử dụng từ những tấm pin năng lượng mặt trời... Nhờ vậy, hầu hết các hộ đều ổn định được cuộc sống, con cái được ăn học đàng hoàng.

Có thể khẳng định các hộ dân nhận khoán đã có những đóng góp không nhỏ vào công tác quản lý, bảo vệ rừng Cần Giờ suốt gần 30 năm qua. Các hộ nhận khoán được tổ chức thành những tổ tự quản (mỗi tổ 5 - 6 chốt), cùng tuần tra bảo vệ trên toàn bộ khu vực rừng của các thành viên. Khi phát hiện hành vi xâm phạm tài nguyên rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, các chốt lại liên lạc, cảnh báo ngay cho nhau bằng điện thoại, đồng thời báo ngay cho kiểm lâm địa bàn, kiểm lâm cơ động, phân khu... Nhờ vậy, ở nhiều phân khu, trong suốt nhiều năm, không để mất một cây rừng nào.

Các hộ còn tích cực tham gia theo dõi những diễn biến của tài nguyên rừng để thông báo kịp thời cho cơ quan quản lý như tình trạng sâu hại ăn lá cây mắm, tình trạng cây chết chưa rõ nguyên nhân, sạt lở trong rừng, theo dõi và ghi nhận sự xuất hiện của động vật hoang dã...

Theo ông Lê Văn Sinh, Trưởng ban Ban Quản lý rừng ngập mặn Cần Giờ, việc giữ được rừng Cần Giờ như ngày nay có vai trò và công sức rất lớn của những hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng.

Dù vậy, đời sống của nhiều hộ nhận khoán vẫn còn những khó khăn nhất định. Vì vậy, trong tháng 10 vừa qua, Ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ cùng các phòng, ban có liên quan của huyện Cần Giờ và chính quyền địa phương, tổ chức khảo sát trực tiếp 178 hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng. Qua đó đã lập hồ sơ hệ thống dữ liệu về con người, điều kiện bảo vệ rừng, thu nhập, tiếp cận đa chiều, các kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của hộ giữ rừng.

Dựa trên dữ liệu tổng hợp nói trên, trong thời gian tới, sẽ có các giải pháp chăm lo đời sống hộ dân giữ rừng ngày càng tốt hơn từ các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.

Ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ cũng đã chủ động lập hồ sơ trình UBND huyện Cần Giờ kiến nghị UBND TP.HCM cho phép điều chỉnh tiền công khoán bảo vệ rừng từ mức bình quân 1.156.000 đ/ha/năm lên mức bình quân 1.256.000 đ/ha/năm.

Mục đích của đề nghị này là nhằm cải thiện và nâng cao đời sống các hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng, qua đó góp phần phát triển kinh tế địa phương, phát triển bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ.

 

Xem thêm
Rau quả Việt Nam có cơ hội ở Thụy Điển nhờ khác biệt mùa vụ

Thụy Điển là thị trường có tiềm năng lớn với rau quả Việt Nam, do thị trường này nhập khẩu rau quả với khối lượng lớn và sự khác biệt về mùa vụ.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Syngenta hỗ trợ xây trường học và nhà ở cho hộ nghèo

ĐẮK LẮK Syngenta Việt Nam hỗ trợ xây nhà ở cho 2 gia đình có hoàn cảnh khó khăn và 1 điểm trường tại xã Tân Tiến và Vụ Bổn (huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk).