Chính vì vậy, nhiều người cho rằng DN đóng vai trò chủ chốt trong việc nâng cao giá trị ngành hàng lúa gạo.
Trong thời buổi cơ chế thị trường, muốn SX có lãi thì sản phẩm làm ra phải đáp ứng tốt nhu cầu thị trường. Nói cách khác là bán cái thị trường cần chứ không phải bán cái mình có.
Ngành hàng lúa gạo cũng không nằm ngoài quy luật đó. Vì vậy, đòi hỏi người nông dân cũng phải nhạy bén, nắm bắt nhu cầu thị trường, chuyển đổi phương thức SX, chọn giống sao cho phù hợp với từng mùa vụ. Cách tốt nhất là liên kết SX, làm theo đơn đặt hàng của DN để yên tâm về đầu ra.
Ông Lê Văn Đời, PGĐ Sở NN-PTNT Hậu Giang cho rằng, trong bối cảnh hiện nay thì vai trò của DN trong chuỗi SX lúa gạo là rất quan trọng. DN có vốn lớn, có khoa học - kỹ thuật, họ sẽ đầu tư và chuyển giao cho nông dân.
Đặc biệt là DN nắm bắt tốt nhu cầu thị trường, từ đó họ sẽ đặt hàng nông dân SX giống gì, diện tích, sản lượng bao nhiêu là vừa.
Điều này thể hiện rất rõ qua mô hình cánh đồng lớn (CĐL) mà tỉnh đã triển khai thực hiện những năm qua. Những DN đang tham gia thực hiện khá tốt vấn đề này trên địa bàn tỉnh là Cty CP BVTV An Giang và Cty Mekong (Cần Thơ)…
Hiện nay, tỉnh đang chủ trương mở rộng diện tích CĐL từ 5.000 - 7.000 ha/vụ. Thực tế cho thấy, mô hình này đã giúp nông dân hạ giá thành SX, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng lợi nhuận so với cách làm truyền thống.
Phân tích lý do tại sao giá gạo XK của Thái Lan, Ấn Độ thường cao hơn Việt Nam từ 50 - 100 USD/tấn, ông Nguyễn Trung Tín, Phó TGĐ Cty TNHH Sản xuất Thương mại Phan Minh (TP.HCM) cho rằng: “Quy trình SX của họ đồng nhất, diện tích lớn, nên chất lượng đảm bảo. Quy trình chế biến, bảo quản của họ cũng hiện đại hơn Việt Nam rất nhiều. Hơn nữa, gạo của họ XK có thương hiệu riêng chứ không chỉ chung chung là gạo trắng, thơm như Việt Nam”.
Về giống lúa, theo ông Tín, Thái Lan họ chủ yếu SX và XK gạo thơm Jasmine 85, Ấn Độ có Khao Dawk Mali, Basmati. Gạo thơm của Việt Nam XK cũng chủ yếu là lúa thơm Jasmine 85 nhưng chất lượng kém xa nên giá thấp.
Ngoài chuyện chúng ta XK không có thương hiệu thì chính cách thu mua, bảo quản, chế biến của DN đang có vấn đề.
Thái Lan họ thu mua lúa của nông dân rồi tạm trữ, khi đến gần thời điểm xuất mới chế biến. Còn ở Việt Nam phần lớn DN lại thu mua gạo nguyên liệu để tạm trữ nên không thể bảo quản được lâu.
Hơn nữa, DN của ta đều lệ thuộc vào hệ thống thương lái đi thu mua, họ gom lúa của nhiều nông dân nên chất lượng không đồng đều. Thậm chí một số thương lái còn cố tình đấu nhiều loại lúa lại với nhau dẫn đến mất phẩm chất.
Để nâng cao giá trị lúa gạo có rất nhiều việc phải làm, trong đó có việc phải đổi mới phương thức thu mua, tạm trữ và chế biến
Theo các chuyên gia kinh tế nông nghiệp thì việc nông dân SX theo hợp đồng của DN như mô hình CĐL là hình thức tổ chức SX tiến bộ hiện nay. Trong đó, DN có vai trò rất lớn. Với sự tham gia của DN, các vấn đề lớn như vốn đầu tư, công nghệ mới, thị trường và thương hiệu sẽ được giải quyết. Còn nếu cứ canh tác nhỏ lẻ thì từng hộ nông dân không thể làm được. Khi nông dân đã được hỗ trợ, đầu tư vốn, kỹ thuật thì chắc chắn chất lượng nông sản họ là ra sẽ tốt hơn, giá thành rẻ hơn. Việc tiếp theo là DN cần phải đầu tư đổi mới cách thu mua, chế biến, bảo quản, tiêu thụ và làm thương hiệu cho nông sản của mình. |
“Để khắc phục tình trạng này, thời gian qua Cty Phan Minh đã ký hợp đồng bao tiêu lúa cho nông dân và trực tiếp đi thu mua. Chính vì vậy mà chất lượng được đảm bảo, khách hàng rất ưng ý, giá xuất thường cao hơn khoảng 50 - 60 USD/tấn so với gạo cùng loại của các DN khác.
Điều đó cho thấy, để nâng cao giá trị lúa gạo có rất nhiều việc phải làm và cần làm tốt ở tất cả các khâu thì mới mang lại hiệu quả”, ông Tín cho biết.
Đi theo hướng SX lúa gạo hữu cơ cũng là cách để nâng cao giá trị lúa gạo. Các địa phương ven biển vùng ĐBSCL có lợi thế rất lớn để phát triển mô hình lúa - tôm, tiềm năng có thể phát triển lên đến 200.000 ha, mỗi năm SX ra khoảng 800.000 tấn lúa.
Hiện nay, các địa phương đã chọn, tạo được nhiều giống lúa thơm phù hợp cho vùng đất này, để xây dựng thành vùng nguyên liệu gạo hữu cơ đặc sản. Do tận dụng nguồn hưu cơ từ quá trình nuôi tôm, nên nông dân không phải bón nhiều phân bón hóa học, việc sử dụng thuốc BVTV cũng rất hạn chế.
Nếu toàn bộ diện tích lúa - tôm ở ĐBSCL được SX bằng phương pháp hữu cơ thì mỗi năm toàn vùng sẽ có khoảng 400.000 tấn gạo hữu cơ để XK.
Giá gạo hữu cơ trên thị trường hiện nay tối thiểu là 1.000 USD/tấn, sẽ thu về nguồn ngoại tệ không nhỏ. Thực tế, những năm qua một số giống lúa thơm đặc sản được SX trên nền đất nuôi tôm đã được các DN kinh doanh lúa gạo XK rất tốt, tiêu biểu như giống lúa thơm ST 5 (Sóc Trăng), BN1 (Cty CP BVTV An Giang).
Vấn đề còn lại là các địa phương phải tập trung cùng nhau xây dựng thương hiệu để tạo thị trường đầu ra ổn định cho vùng nguyên liệu gạo hữu cơ đặc sản đầy tiềm năng này.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, Mai Anh Nhịn cho biết, trong tái cơ cấu nông nghiệp, Kiên Giang chủ trương không giảm diện tích đất lúa (trên 300.000 ha) mà tập trung nâng cao chất lượng để nâng giá trị, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Theo đó, sẽ tập trung vào khâu nghiên cứu SX giống chất lượng, áp dụng các biện pháp tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa, đẩy mạnh liên kết SX, kinh tế hợp tác, bơm điện… để hạ giá thành. Chỉ khi hạ được giá thành thì mới có đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
Lợi thế cạnh tranh được tạo ra nhờ năng suất vượt trội, chất lượng tốt, mẫu mã sản phẩm và thương hiệu hàng hóa. Tức là sản phẩm làm ra phải đồng đều có tiêu chuẩn, sản lượng lớn, có thương hiệu thì mới có thể cạnh tranh và tăng chuỗi giá trị.
Theo ông Nhịn, không chỉ người nông dân mà DN cũng phải thay đổi cách kinh doanh của mình để góp phần nâng cao giá trị lúa gạo. DN phải xây dựng vùng nguyên liệu của riêng mình, đặt hàng nông dân SX theo yêu cầu kỹ thuật riêng để đảm bảo chất lượng. Sau khi đã có hàng hóa chất lượng với số lượng lớn thì cần tập trung đầu tư xây dựng thương hiệu.