Vựa lúa ĐBSCL có nhiều giống lúa cho gạo ngon cơm nổi tiếng. Trải qua quá trình thâm canh tăng năng suất, một số doanh nghiệp (DN) đã bắt tay liên kết với nông dân SX lúa gạo theo quy trình khép kín để tăng sức cạnh tranh trên thị trường...
Nhất giống
Giống là yếu tố cơ bản đầu tiên. Ở ĐBSCL bắt đầu xây dựng cơ cấu giống lúa cho từng tiểu vùng sinh thái, mỗi vùng cơ cấu 4 - 5 giống chủ lực, 4 - 5 giống bổ sung, vài giống triển vọng mới và cơ cấu 1 giống chủ lực không vượt quá 20% diện tích.
Qua thực tế cho thấy ngành hàng lúa gạo XK đang cạnh tranh gay gắt, nông dân chuyển hướng SX theo nhu cầu thị trường XK và tiêu dùng nội địa. Đầu năm 2014, lần đầu tiên Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đề xuất cơ cấu giống lúa gắn với thị trường XK.
Trong đó, ở Nam bộ, bộ giống lúa chủ lực chiếm diện tích SX trên 50.000 ha/vụ khá ổn định như OM 5451, Jasmine 85, OM 6976, OM 4900, OM 2517, OM 7347, OM 4218, VD20, ML48, IR 50404. Bên cạnh đó một số giống được chấp nhận cao và có tốc độ mở rộng diện tích khá nhanh là OM 7347, OM 6976, OM 5451, AGPPS 103, Nàng Hoa 9…
3 năm qua, thị trường gạo thơm nội địa và XK phát tín hiệu tích cực, một số DN chuyển mạnh theo hướng SX gạo chất lượng cao, gạo ngon cơm, xây dựng quy trình SX có kiểm soát chất lượng chặt chẽ từ ngoài đồng tới bàn ăn, đảm bảo gạo đạt tiêu chuẩn sản phẩm sạch. Từ đó xây dựng vùng nguyên liệu SX thuần một giống, tạo dựng thương hiệu gạo.
Đi theo hướng này, các DN hợp tác liên kết với nông dân SX cánh đồng lớn như Cty CP BVTV An Giang hay "cánh đồng mơ ước" của Cty ADC. Các Cty GENTRACO (Cần Thơ), Cty Hồ Quang (Sóc Trăng)… cũng xắn tay làm gạo sạch. Sản phẩm gạo đóng gói rất đa dạng, có thương hiệu như Hạt Ngọc Trời, Tứ Quý, gạo thơm Miss Cần Thơ, gạo thơm ST Sóc Trăng…
Gạo giá cao, số lượng ít
Hiện nay, tại Sóc Trăng, nhà hàng Hương Quê bán gạo thơm đặc sản Sóc Trăng được trồng từ giống lúa hạt dài ST 20 giá 26.000 đ/kg. Cũng loại gạo này bán tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng (TP.HCM) có giá 30.000 đ/kg. Trên thị trường XK, một số DN cho biết gạo thơm đặc sản ST 20 bán được giá 800 -900 USD/tấn.
Bên cạnh đó, một vài địa phương khác có một số giống lúa cho gạo tím, gạo nếp than XK có giá trên 1 USD/kg hoặc từ một giống lúa thơm được SX theo quy trình SX gạo sạch, an toàn có chứng nhận của cơ quan kiểm định chất lượng quốc tế có giá trị rất cao.
Một nguồn tin cho biết, gạo hữu cơ Hoa Sữa trồng ở U Minh Thượng (Cà Mau) tại thị trường nội địa có giá tương đương 2 - 3 USD/kg và đang nhắm tới thị trường XK sang EU, Mỹ với giá khoảng 3.000 USD/tấn.
Ông Trần Thanh Vân, PGĐ Cty CP Gentraco cho biết, nhu cầu XK gạo thơm đang tăng mạnh, trong đó chiếm 80% là gạo từ giống Jasmine 85. Khách hàng mua gạo thơm ưa chuộng giống lúa thuần, cơm mềm, dẻo và mùi thơm. Thị trường Trung Quốc dễ tính, chủ yếu ăn gạo hạt dài (giống OM 6976, OM 5451 hay gạo thơm nhẹ có OM 4900, OM 7367). Gạo Nàng Hoa 9 được khách hàng đánh giá có triển vọng có thế sánh với gạo thơm Lài của Campuchia.
Gạo thơm đặc sản ST có giá cao nhưng sản lượng không nhiều, chủ yếu SX theo đặt hàng của DN, vì sao? Có ý kiến cho rằng vì một số DN đi theo lối mòn, phối trộn gạo theo tỷ lệ phần trăm tấm (5 - 25%) và cạnh tranh giá nên không chú trọng xây dựng hình ảnh thương hiệu chuẩn mực cho sản phẩm gạo giá trị cao. Một số DN kinh doanh ngành hàng gạo thừa nhận, đó là nguyên nhân chính khiến gạo Việt chưa có nhiều sản phẩm gạo giá trị cao cạnh tranh với Thái Lan, Ấn Độ.
Một chuyên gia Cục Trồng trọt nhận xét: Thực tế do không có sự chênh lệch đáng kể về giá thu mua giữa lúa chất lượng cao và lúa chất lượng trung bình - thấp, nên diện tích giống lúa IR 50404 vẫn còn cao ở một số địa phương trong cả 3 vụ ĐX, HT và TĐ. Bộ giống lúa - nhóm giống lúa thơm đặc sản còn nghèo và các giống lúa chịu phèn mặn cao có đặc tính nông học tốt còn hạn chế.
Tham khảo cách làm từ Thái Lan, nước SX và XK gạo thơm lớn trên thế giới cho thấy, ngoài gạo Thái Hom Mali phù hợp với các tiêu chuẩn TAS 4000, còn có rất nhiều gạo thơm khác đã SX và XK. Tiêu chuẩn cho gạo thơm Thái được công nhận cả trong nước và quốc tế, có lợi ích cho việc cải tiến chất lượng, thúc đẩy thương mại và bảo vệ người tiêu dùng. Các DN Thái muốn bán hàng vào thị trường các nước EU phải tự kiểm tra, có chứng thư phân tích xác nhận về chất lượng đạt chuẩn, đúng giống và độ thuần di truyền giống… |
Mặt khác, hạt lúa sau thu hoạch thương lái thu mua thường xếp loại nhóm lúa hạt dài hoặc lúa phẩm chất trung bình - thấp IR 50404, OM 576… chứ không phân loại theo từng giống lúa. Còn DN kinh doanh XK chế biến gạo theo yêu cầu khách hàng với giá cạnh tranh tối đa. Một số DN chỉ vì cạnh tranh làm ăn kiểu này vô hình tạo ra trở ngại chính trên con đường hướng tới SX gạo thuần giống tốt, xây dựng thương hiệu gạo giá trị cao.
SX theo tiêu chuẩn
Ông Nguyễn Văn Long, PGĐ Cty Lương thực Sóc Trăng cho rằng, ở Sóc Trăng có nhiều giống lúa OM và các giống lúa thơm đặc sản, trong đó có 3 giống lúa thơm (ST 5, ST 20, RVT) được khách hàng nước ngoài ưa chuộng và có khả năng cạnh tranh trên một số thị trường XK.
"Tuy nhiên, muốn giữ uy tín thương hiệu gạo ST giá trị cao cần xây dựng vùng nguyên liệu ổn định. Trước đây nông dân SX còn manh mún, từ khi có DN đầu tư liên kết SX cánh đồng lớn, nông dân đã SX theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, sử dụng giống lúa xác nhận, tuân thủ quy trình SX từ lúc gieo hạt đến thu hoạch.
Từ năm 2013, chúng tôi đầu tư SX 400 ha, đến ĐX 2013-2014 tăng lên 2.000 ha và trong năm 2014 XK gạo thơm ST chiếm 15% sản lượng gạo XK của Cty. Dự kiến từ năm 2015 và những năm tiếp theo, DN sẽ mở rộng diện tích tăng lên 3.000 - 4.000 ha, tăng tỷ trọng gạo thơm ST XK trên 20 - 22%", ông Long nói.
Hiện nay, nông dân muốn làm ra hạt lúa bán có tiền nhiều chứ không muốn làm ra lúa nhiều mà bán giá thấp. Một chuyên viên của Sở NN-PTNT Sóc Trăng cho rằng, nếu xây dựng thương hiệu gạo quốc gia mà không xây dựng, công bố bộ tiêu chuẩn chất lượng để các DN tự kiểm soát SX theo quy trình thì chẳng có ý nghĩa gì.