Theo ông Vũ Phạm Dũng Hà, Trưởng Phòng Chính sách Việc làm – Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB&XH, sau hơn 8 năm triển khai thực hiện Luật Việc làm đã bộc lộ nhiều tồn tại và hạn chế, vướng mắc cần sớm được tháo gỡ.
Do đó, nhằm khắc phục những bất cập của Luật Việc làm, Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB&XH đã xây dựng Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) tập trung vào 4 nhóm chính sách: Quản trị thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập; Hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp là công cụ quản trị thị trường lao động; Phát triển kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững.
Còn nhiều hạn chế, vướng mắc
Theo đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH, Luật Việc làm chưa có quy định về việc công bố chỉ số phát triển thị trường lao động, chỉ số phát triển kỹ năng nghề để đánh giá sự phát triển thị trường lao động, chất lượng nguồn nhân lực của địa phương, vùng, toàn quốc. Chưa có quy định về công bố báo cáo định kỳ về tình hình, triển vọng việc làm, nghề nghiệp, phát triển kỹ năng nghề.
Quá trình triển khai Luật việc làm cho thấy bộ luật vẫn còn các hạn chế vướng mắc khi chưa có quy định liên quan về đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ đối với nhân viên tư vấn, giới thiệu việc làm trong tổ chức dịch vụ việc làm. Nhiệm vụ của trung tâm dịch vụ việc làm chưa bao phủ hết các hoạt động theo Công ước số 88, một số nhiệm vụ chưa được quy định trong luật, nên cơ sở pháp lý triển khai chưa rõ ràng.
Quy định về hoạt động giao dịch việc làm trên môi trường mạng, quy định về điều kiện hoạt động của các bộ phận, đơn vị tư vấn, giới thiệu việc làm, kết nối việc làm cho học sinh, sinh viên trong cơ sở đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng chưa có.
Hiện nay điều kiện hoạt động cấp giấy phép của doanh nghiệp hoạt động cho thuê lại lao động cao hơn so với doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm (ký quỹ hoạt động dịch vụ việc làm là 300 triệu đồng, doanh nghiệp hoạt động cho thuê lại lao động là 2 tỷ đồng). Điều này gây ra khó khăn cho doanh nghiệp.
Chưa có quy định pháp luật cụ thể đối với hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm của các bộ phận/đơn vị trong các cơ sở đào tạo trong khi hoạt động dịch vụ việc làm là hoạt động kinh doanh có điều kiện được quy định tại số thứ tự 67, phụ lục 4, Luật Đầu tư năm 2020.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, giai đoạn từ 2015 đến nay, một số địa phương của Việt Nam đã ký kết các thỏa thuận hợp tác lao động với các địa phương ở nước ngoài, hầu hết các địa phương giao nhiệm vụ cho Trung tâm Dịch vụ việc làm (TTDVVL) thuộc Sở LĐ-TB&XH. Dự kiến giai đoạn tới, số lượng ngày càng tăng và thị trường sẽ càng ngày càng được mở rộng trong khi việc triển khai ở các địa phương còn lúng túng do chưa có quy định về mặt pháp luật để triển khai, phân công cụ thể, thống nhất thực hiện các thỏa thuận đã được ký kết.
Theo Điều tra lao động – việc làm quý III/2022 của Tổng cục Thống kê, hiện nay, lực lượng lao động cả nước có 51,6 triệu người, lao động làm công hưởng lương khoảng 25 triệu lao động.
Tuy nhiên, theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 9/2022 cả nước có trên 17,08 triệu người tham gia BHXH, như vậy, có trên 8 triệu lao động làm công hưởng lương không/chưa tham gia BHXH và trên 34 triệu lao động chưa được thu thập, nắm thông tin về tình trạng việc làm.
Việc này gây khó khăn trong quản lý lao động, xây dựng và hoạch định chính sách hỗ trợ cũng như yêu cầu về công khai, minh bạch trong quản lý nhà nước, quản trị xã hội, phục vụ người lao động tốt hơn.
Thực tế trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát, việc nắm thông tin, thống kê tình hình lao động, việc làm của người lao động, nhất là lao động không có giao kết hợp đồng lao động gặp rất nhiều khó khăn, không kịp thời xác định đối tượng để hỗ trợ.
Bổ sung chính sách
Từ thực tế trên, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất các giải pháp bổ sung chính sách đối với hệ thống thông tin thị trường lao động, bổ sung quy định về ban hành, công bố chỉ số phát triển thị trường lao động, chỉ số phát triển kỹ năng nghề. Bổ sung quy định về trách nhiệm của Bộ LĐ-TB&XH trong việc công bố báo cáo định kỳ về tình hình, triển vọng việc làm, nghề nghiệp, phát triển kỹ năng nghề.
Về dịch vụ việc làm, cần bổ sung quy định về hoạt động dịch vụ việc làm trên các phương tiện điện tử/môi trường mạng về nội dung, phương thức và trách nhiệm đối với các đối tượng tham gia hoạt động dịch vụ việc làm điện tử.
Bổ sung quy định nhân viên tư vấn, giới thiệu việc làm (công và tư) phải tham gia khóa đào tạo/bồi dưỡng/huấn luyện/cập nhật về dịch vụ việc làm và được tổ chức có thẩm quyền cấp chứng chỉ sau khi kiểm tra, sát hạch đạt yêu cầu.
Cần có thêm nhiệm vụ đối với TTDVVL, gồm: Hướng nghiệp; Thực hiện thỏa thuận giữa 02 địa phương trong lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Bổ sung quy định theo hướng đơn giản hóa điều kiện để doanh nghiệp hoạt động cho thuê lại lao động được phép hoạt động dịch vụ việc làm. Quy định điều kiện hoạt động của các bộ phận/đơn vị thuộc các cơ sở đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho học sinh, sinh viên.
Đồng thời, bổ sung các quy định về đăng ký lao động bao gồm các nội dung: Nguyên tắc đăng ký và quản lý lao động; Đăng ký lao động; Quyền và nghĩa vụ của người lao động; Công cụ quản lý; Điều chỉnh thông tin trong cơ sở dữ liệu về người lao động; Kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác; Quản lý, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu về người lao động; Bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin về người lao động.
Tác động của chính sách được bổ sung
Khi bổ sung các chính sách nêu trên, Bộ LĐ-TB&XH đánh giá sẽ có các tác động về kinh tế, nhà nước sẽ phát sinh tăng chi phí khi thu thập thông tin người lao động. Hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH đang phối hợp với Bộ Công an xây dựng phương án xây dựng cơ sở dữ liệu về người lao động gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với 13 trường thông tin và đã được phân bổ ngân sách, do đó, cần thu thập thêm 6 trường thông tin, gồm: Đối tượng ưu tiên; Trình độ giáo dục phổ thông cao nhất đã tốt nghiệp; Trình độ chuyên môn kỹ thuật cao nhất đạt được; Tình trạng tham gia hoạt động kinh tế; Người có việc làm (trong đó có vị thế việc làm; Công việc cụ thể đang làm; Nơi làm việc); Người thất nghiệp.
Đối với người sử dụng lao động sẽ không phát sinh chi phí đối, người lao động sẽ giảm chi phí cho việc kê khai và xác nhận thông tin về lao động, BHXH, thuế, cư trú, y tế … (do sẽ được kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu quốc gia). Giảm chi phí khi kê khai, xác định đối tượng thụ hưởng các chính sách hỗ trợ về lao động, việc làm.
Thông tin thị trường lao động được thu thập, cập nhật, phản ánh đầy đủ, toàn diện, là cơ sở hoạch định chiến lược, kế hoạch đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, góp phần ổn định, phát triển thị trường lao động, thúc đẩy sự phát triển kinh tế của đất nước, đảm bảo an sinh xã hội. Nâng cao vai trò quản lý, điều tiết của nhà nước trong thị trường lao động, việc làm, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.
Tạo được môi trường công khai, minh bạch trong quản lý nhà nước, quản trị xã hội, phục vụ người lao động, người sử dụng lao động tốt hơn. Thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.
Người sử dụng lao động sẽ được thụ hưởng lợi ích khi các cơ sở dữ liệu có sự gắn kết, chia sẻ; hỗ trợ việc quản lý, tuyển và sử dụng lao động hiệu quả, tiết kiệm thời gian, chi phí cho công tác quản lý.
Đối với hệ thống pháp luật, thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển thị trường lao động; phù hợp các quy định liên quan tại Luật An toàn thông tin mạng, Luật Công nghệ thông tin, Luật Giao dịch điện tử, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Thống kê. Giải pháp này đảm bảo khả năng thi hành và tuân thủ pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Đồng thời, giải pháp này đảm bảo khả năng thi hành và tuân thủ của Việt Nam đối với các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, với Công ước số 88, Công ước số 122 mà Việt Nam đã tham gia.