| Hotline: 0983.970.780

Nâng cao hiệu quả truyền thông về lĩnh vực lao động, việc làm

Thứ Sáu 14/04/2023 , 13:38 (GMT+7)

Ngày 14/4 tại Đà Nẵng, Cục Việc làm tổ chức Hội nghị tập huấn công tác truyền thông nhằm giúp các cơ quan báo chí hiểu hơn về lĩnh vực lao động, việc làm.

Phát biểu khai mạc, ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) khái quát tới Hội nghị về chức năng, nhiệm vụ của Cục nhằm giúp các cơ quan báo chí hiểu hơn về lĩnh vực lao động, việc làm.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Nam Khánh.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Nam Khánh.

Tại Hội nghị, ông Vũ Phạm Dũng Hà, Trưởng phòng Chính sách Việc làm khái quát mục tiêu, nội dung của chính sách, giải pháp thực hiện chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi).

Quá trình xây dựng Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi) Bộ LĐTBXH đã nhận được ý kiến của 17/21 Bộ, ngành và 16/23 UBND các tỉnh, thành phố, 9/11 đơn vị thuộc tổ chức đảng, hội đoàn thể xin ý kiến, 01 doanh nghiệp và 05/07 đơn vị trong Bộ. Trong đó, có 08/16 địa phương, 11/17 Bộ, ngành và 8/9 đơn vị thuộc tổ chức đảng, hội đoàn thể nhất trí hoàn toàn với Dự thảo hồ sơ; các cơ quan, đơn vị còn lại cơ bản nhất trí với nội dung, bố cục Dự thảo hồ sơ, sự cần thiết ban hành văn bản và có một số ý kiến góp ý khác. Ông Hà thông tin.

Về cơ bản các ý kiến đánh giá cao việc chuẩn bị hồ sơ đề nghị xây dựng Dự án Luật, phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thống nhất với 4 nhóm chính sách: Quản trị thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập; Hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp là công cụ quản trị thị trường lao động;  Phát triển kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực;  Thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững.

Ngày 28/02/2023, Chính phủ có Tờ trình số 47/TTr-CP về đề nghị  Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, trong đó có đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi) năm 2024.

Mục tiêu sửa đổi Luật Việc làm nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng; đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, phù hợp của hệ thống pháp luật có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước; đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường lao động, hướng tới bảo đảm việc làm bền vững cho tất cả lao động. Ông Hà chia sẻ.

Ông Vũ Phạm Dũng Hà, Trưởng phòng Chính sách Việc làm - Cục Việc làm. Ảnh: Nam Khánh.

Ông Vũ Phạm Dũng Hà, Trưởng phòng Chính sách Việc làm - Cục Việc làm. Ảnh: Nam Khánh.

Về thực hiện các giải pháp hỗ trợ phát triển thị trường lao động, bà Nguyễn Hải Yến, Trưởng phòng Thị trường lao động cho biết, cùng với thị trường hàng hoá - dịch vụ, tài chính, tiền tệ, khoa học - công nghệ và thị trường bất động sản, thị trường lao động được xác định là một thị trường trọng yếu của nền kinh tế và chắc chắn cần được đổi mới và đẩy mạnh phát triển trong giai đoạn hiện nay.

Khi đại dịch COVID-19 xảy ra, thị trường lao động đã bị tác động nặng nề, có thời điểm nguồn cung lao động suy giảm nghiêm trọng, có hơn 30 triệu lao động (tương đương 58,36% lực lượng lao động) bị ảnh hưởng tiêu cực (bị mất việc làm; phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên; giảm giờ làm, giảm thu nhập,…). Tuy nhiên, ngay từ đầu năm 2022 với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng các chính sách, giải pháp đồng bộ của nhà nước, thị trường lao động Việt Nam đã dần phục hồi trong năm 2022, quý I năm 2023 thị trường lao động Việt Nam lực lượng lao động tăng nhanh so với cùng kỳ năm 2021.

Trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động dần được cải thiện, số lao động có việc làm tiếp tục tăng, chuyển dịch cơ cấu lao động theo chiều hướng tích cực. Thu nhập của người lao động được cải thiện: Thu nhập bình quân của người lao động quý I năm 2023 là 7,0 triệu đồng (tăng 640 nghìn so với cùng kỳ năm trước), số lượng và tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm đều giảm. Trưởng phòng Thị trường lao động - Cục Việc làm thông tin.

Bà Nguyễn Hải Yến, Trưởng phòng Thị trường lao động - Cục Việc làm. Ảnh: Nam Khánh.

Bà Nguyễn Hải Yến, Trưởng phòng Thị trường lao động - Cục Việc làm. Ảnh: Nam Khánh.

Cũng theo bà Yến, quý I năm 2023, do ảnh hưởng của kinh tế thế giới một số doanh nghiệp đã phải thu hẹp sản xuất kinh doanh, cắt giảm lao động, có gần 294 nghìn lao động của các doanh nghiệp nghỉ giãn việc, có gần 149 nghìn lao động bị mất việc làm; đa số ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tập trung ở các ngành da giày, dệt may, sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử và chủ yếu tập trung ở một số tỉnh có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất như Đồng Nai, Bình Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang,...Tuy nhiên, nhìn tổng thể, thị trường lao động Việt Nam vẫn đang tiếp tục duy trì đã phục hồi.

Mặc dù thị trường lao động đang phục hồi và phát triển nhưng vẫn bộc lộ những vấn đề bất cập và hạn chế. Chất lượng cung lao động chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập. Điều này thể hiện ở con số có khoảng 38,1 triệu người lao động chưa qua đào tạo từ sơ cấp trở lên; cả nước chỉ có 26,4% người lao động đã qua đào tạo, có bằng, chứng chỉ...

Xác định những điểm còn hạn chế của thị trường lao động hiện nay và những yếu tố cần ưu tiên thúc đẩy thị trường lao động trong thời gian tới, ngày 10/01/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 06/NQ-CP về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội.

Nghị quyết số 06/NQ-CP đã thể hiện rõ quan điểm, mục tiêu của Chính phủ trong việc phát triển thị trường lao động. Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại và bền vững, tạo việc làm có năng suất cao; thực hiện đột phá phát triển nguồn nhân lực, đầu tư mạnh mẽ vào vốn con người, trọng tâm là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài; đẩy mạnh giáo dục nghề nghiệp, nâng tầm kỹ năng lao động, phổ cập nghề cho lực lượng lao động, đặc biệt là lao động trong khu vực phi chính thức; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng và chủ động thích ứng với xu hướng già hóa dân số.

Theo đó, các giải pháp hỗ trợ phát triển thị trường lao động sẽ tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng lao động đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Tăng cường đầu tư, phát triển các ngành kinh tế tạo nhiều việc làm bền vững. Đầu tư phát triển hệ thống kết nối cung – cầu lao động. Hỗ trợ phát triển lưới an sinh và bảo hiểm cho người lao động.

Ông Trần Tuấn Tú - Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp, Cục Việc làm. Ảnh: Nam Khánh.

Ông Trần Tuấn Tú - Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp, Cục Việc làm. Ảnh: Nam Khánh.

Về lĩnh vực Bảo hiểm thất nghiệp, Ông Trần Tuấn Tú - Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp, Cục Việc làm cho biết, năm 2022 các Trung tâm Dịch vụ Việc làm (TTDVVL) tiếp nhận 983.810 người đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN), tăng 22,7% so với năm 2021, trong đó có 975.333 người có quyết định hưởng TCTN, tăng 27,6% so với năm 2021 (764.643 người) và chiếm 99,1% số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN. Trong 3 tháng đầu năm 2023 có 146.000 người nộp hồ sơ hưởng TCTN, giảm 12,7% so với cùng kỳ năm 2022 (167.267 người), trong đó có 128.460 người có quyết định hưởng TCTN.

Trong lĩnh vực tư vấn, giới thiệu việc làm, năm 2022 trên cả nước có 2.225.758 lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm (TVGTVL), bằng 226,2% số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm 2021 (1.789.586 lượt người). 3 tháng đầu năm 2023 có 347.089 lượt người được TVGTVL, giảm 7,6% so với cùng kỳ năm 2022 (375.788 lượt người). Hiện nay các TTDVVL sử dụng các phương pháp tư vấn trực tiếp với NLĐ đến giao dịch. 

Năm 2022, hỗ trợ học nghề cho 21.825 người được hỗ trợ học nghề, tăng 18,8% so với năm 2021 (18.368 người), bằng 2,2% so với số người có quyết định hưởng TCTN; 3 tháng đầu năm 2023 hỗ trợ học nghề cho 4.237 người, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2022 (3.598 người). Ông Tú thông tin. 

Ông Vũ Minh Việt, Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam góp ý tại Hội nghị. Ảnh: Nam Khánh.

Ông Vũ Minh Việt, Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam góp ý tại Hội nghị. Ảnh: Nam Khánh.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Vũ Minh Việt, Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam đánh giá cao các nội dung của Cục Việc làm trao đổi tại Hội nghị. Các nội dung rất có ý nghĩa đối với các cơ quan báo chí, lãnh đạo, biên tập viên, phóng viên của cơ quan báo chí trong việc tổ chức truyền thông về lĩnh vực lao động, việc làm hiệu quả.

Theo ông Việt, đối với chính sách, chúng ta không chỉ truyền thông mà cần phải làm tiếp thị chính sách nữa, có như vậy chính sách mới vào cuộc sống nhanh hơn. Bằng các sản phẩm báo chí của mình, cơ quan báo chí cần tạo thêm niềm tin với độc giả bằng thông tin trung thực, đa chiều và là người chuyển tải thông tin từ thực tiễn, góp ý, phản biện đến cơ quan làm chính sách để chính sách sát cuộc sống, sớm đi vào cuộc sống.

"Ngoài ra, truyền thông về lao động việc làm - lĩnh vực liên quan trực tiếp đến thu nhập, đời sống của người lao động, do đó, truyền thông cần nhiều cảm xúc, sự thấu hiểu, chia sẻ. Đồng thời, với mỗi sản phẩm báo chí, nội dung truyền thông cần có thông điệp để lan tỏa mạnh mẽ, tạo sự sẻ chia, đồng thuận của xã hội, nhất là đối với sản phẩm báo chí truyền thông chính sách. Và, muốn làm được việc này, cần sự phối hợp nhịp nhàng hơn nữa giữa cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan báo chí", ông Việt nói.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.

Thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 97% dự toán

Sau 10 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.654,2 nghìn tỷ đồng, bằng 97,2% dự toán năm và tăng 17,3% so với cùng kỳ 2023.