| Hotline: 0983.970.780

Sàn giao dịch việc làm trực tuyến: Ngồi ở đâu cũng tìm được việc

Thứ Năm 23/03/2023 , 20:33 (GMT+7)

Thông qua sàn giao dịch việc làm trực tuyến, người lao động được hỗ trợ kết nối, tìm kiếm việc làm phù hợp với nhu cầu, mong muốn.

Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) phối hợp cùng Trung tâm Dịch vụ việc làm khai mạc phiên giao dịch việc làm kết nối 10 tỉnh, thành phố. Ảnh: Lâm Hùng.

Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) phối hợp cùng Trung tâm Dịch vụ việc làm khai mạc phiên giao dịch việc làm kết nối 10 tỉnh, thành phố. Ảnh: Lâm Hùng.

Chiều 23/3, Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) phối hợp cùng Trung tâm Dịch vụ việc làm khai mạc phiên giao dịch việc làm kết nối 10 tỉnh, thành phố.

Ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm cho biết: Sự kiện nhằm triển khai Nghị quyết 06/NQ-CP ngày 10/1/2023 về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội.

Sau phiên giao dịch đầu tiên, Sàn giao dịch việc làm trực tuyến sẽ được triển khai kết nối đến 63 địa phương trên toàn quốc, đảm bảo sự thống nhất của thị trường lao động Việt Nam. Người lao động và doanh nghiệp có thể dễ dàng kết nối với nhau thông qua các phiên giao dịch việc làm trực tuyến.

Dễ dàng kết nối

Báo cáo kết quả tại phiên giao dịch kết nối việc làm, ông Nguyễn Văn An - Phó Giám đốc Trung tâm Quốc gia về dịch vụ việc làm đã giới thiệu các tính năng của bộ công cụ quản lý, điều hành sàn giao dịch đến với đại diện các Trung tâm Dịch vụ việc làm 10 tỉnh thành, đồng thời tổ chức kết nối đến với 79 doanh nghiệp trên khắp cả nước tham gia vào phiên lần này. Trong đó đầu cầu Hà Nội thu hút được 27 doanh nghiệp tham gia kết nối.

"Qua quá trình kiểm tra chạy thử có thể thấy bộ công cụ đã đáp ứng cơ bản nhu cầu của các Trung tâm Dịch vụ việc làm trong việc kết nối giữa doanh nghiệp và người lao động", ông An khẳng định.

Theo đó, để tham gia điều hành trực tuyến giữa doanh nghiệp và người lao động, mỗi Trung tâm Dịch vụ việc cần tạo tài khoản Google Meet miễn phí để tạo các phòng họp trực tuyến. Số lượng tài khoản phụ thuộc vào số lượng các doanh nghiệp tham gia mỗi phiên, mỗi doanh nghiệp sẽ được cấp 1 phòng họp riêng để phỏng vấn trực tuyến với người lao động.

Với hệ thống này các doanh nghiệp chỉ cần có tài khoản, ngồi tại cơ quan cũng có thể tham gia tuyển dụng lao động trực tuyến. Người lao động ngồi bất cứ đâu, khi biết thông tin có phiên giao dịch việc làm thì cũng có thể kết nối vào hệ thống để ứng tuyển phỏng vấn.

Đặc biệt thông qua hệ thống sàn giao dịch việc làm trực tuyến (địa chỉ: http://santructuyen.kncvietnam.vn), người lao động có thể theo dõi được quá trình diễn ra tuyển dụng, các thông tin về tuyển dụng công việc như độ tuổi, trình độ học vấn, yêu cầu công việc được doanh nghiệp cập nhật thường xuyên.

Trong khuôn khổ phiên giao dịch, đại diện cán bộ từ Trung tâm dịch vụ việc làm trên địa bàn Hà Nội cho biết: Bước đầu hệ thống đi vào vận hành trơn tru, kết nối ổn định, tính thông tin giữa doanh nghiệp địa phương và người lao động được bảo đảm. 

Ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm: Sàn giao dịch việc là bước cụ thể hoá Nghị quyết của Chính phủ trong việc đảm bảo thị trường lao động kết nối một cách linh hoạt, đồng bộ.

Ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm: Sàn giao dịch việc là bước cụ thể hoá Nghị quyết của Chính phủ trong việc đảm bảo thị trường lao động kết nối một cách linh hoạt, đồng bộ.

Ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm đánh giá: Thông qua sàn giao dịch có thể đảm bảo thông suốt kết nối cung - cầu lao động toàn quốc. Lần đầu tiên có một sàn giao dịch việc làm trực tuyến kết nối 63 địa phương, đảm bảo sự thống nhất của thị trường lao động Việt Nam.

Trước kia khi doanh nghiệp và người lao động gặp nhau phải đến Trung tâm Dịch vụ việc làm. Giờ đây, người lao động có nhu cầu tìm việc ở Hà Nội không nhất thiết phải ra Thủ đô mà có thể ở tận Cần Thơ, Cà Mau vẫn có thể kết nối với doanh nghiệp, 2 phía có thể kết nối với nhau mọi lúc mọi nơi.

Với con số 50,3 triệu lao động (theo báo cáo Cục Việc làm) bao gồm 13,9 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 27,5%; khu vực công nghiệp và xây dựng 17,0 triệu người, chiếm 33,6%; khu vực dịch vụ 19,7 triệu người, chiếm 38,9%. Tuy nhiên, trong đó có gần 34 triệu lao động có việc làm phi chính thức, chiếm 65,6% tổng số lao động có việc làm.

Hệ thống sàn giao dịch việc làm được dự đoán sẽ là bước chuyển mình lớn trong công tác đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý nguồn nhân lực và tổ chức vận hành các yếu tố của thị trường lao động để có sự đột phá trong công tác quản lý nhà nước và hoạt động của thị trường lao động.

Hệ thống phần mềm sàn giao dịch việc làm trực tuyến.

Hệ thống phần mềm sàn giao dịch việc làm trực tuyến.

Hà Nội là một trong những đơn vị đi đầu trong triển khai ứng dụng sàn việc làm trực tuyến kết nối các điểm sàn trên toàn hệ thống trên địa bàn. Ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, với việc ứng dụng sản phẩm này sẽ góp phần tiến tới hình thành hoạt động sàn giao dịch việc làm trên mạng hiệu quả hơn, phù hợp với bối cảnh chuyển đổi số trong giai đoạn hiện nay.

"Bộ công cụ tỏ ra thiết thực trong quá trình hỗ trợ cho công tác nghiệp vụ của các Trung tâm Dịch vụ việc làm, nhưng sắp tới buộc phải cần có những điều chỉnh, làm sao càng gần gũi với người dùng càng tốt. Yêu cầu về trình độ công nghệ thông tin ở mức vừa phải, dễ sử dụng, thao tác, cách thức tiếp cận đối với doanh nghiệp và người lao động thuận lợi nhất song vẫn dễ cho công tác thống kê, kiểm đếm", ông Thành kiến nghị.

Xây dựng kế hoạch bài bản nhằm triển khai sâu rộng hệ thống

Qua vận hành, bộ công cụ được thiết kế để thống nhất các mẫu biểu báo cáo nên rất thuận tiện trong việc thống kê báo cáo khi kết thúc một phiên giao dịch việc làm, đồng thời cho phép cán bộ quản trị tại các Trung tâm Dịch vụ việc làm quản lý hiệu quả quá trình kết nối giữa người lao động và doanh nghiệp.

Từ kết quả tích cực trên, để cho hệ thống sàn giao dịch việc làm có thể kết nối rộng rãi đến mọi địa phương, ông Vũ Trọng Bình đề nghị các Trung tâm Dịch vụ Việc làm cần có sự đầu tư vào hệ thống, các trang thiết bị kết nối một cách bài bản.

Về vấn đề trên Cục Việc làm giao Trung tâm quốc gia về dịch vụ việc làm là cơ quan có trách nhiệm trong việc quản lý, quản trị kĩ thuật tổng thể cũng như điều phối, cung cấp thông tin, cập nhật thường xuyên trên hệ thống cơ sở dữ liệu để phía doanh nghiệp và người lao động nắm được tình hình. 

Lãnh đạo Cục Việc làm yêu cầu các Trung tâm Dịch vụ Việc làm cần xây dựng kế hoạch, mở các lớp tập huấn bài bản các bước: tổ chức, kết nối, quản trị để đảm bảo sự trao đổi thông tin liền mạch giữa Trung tâm Việc làm quốc gia và các tâm dịch vụ việc làm địa phương, cần thiết là giữa các bộ phận với nhau để hoàn thiện hơn nữa. 

"Sự kết nối, thống nhất trên hệ thống phần mềm không chỉ được xây dựng trong ngày một ngày hai mà cần thời gian vận hành, va vấp để dần hoàn thiện hơn, đặc biệt khi chuyển từ trực tiếp sang trực tuyến nhiều vấn đề mới sẽ phát sinh khi đó đội ngũ quản lý, các cán bộ tư vấn Trung tâm Dịch vụ Việc làm sẽ phải trang bị kiến thức để xử lý", ông Bình lưu ý.

Có gần 34 triệu lao động có việc làm phi chính thức, chiếm 65,6% tổng số lao động có việc làm. Ảnh có tính chất minh họa.

Có gần 34 triệu lao động có việc làm phi chính thức, chiếm 65,6% tổng số lao động có việc làm. Ảnh có tính chất minh họa.

Trong thời gian tới Cục Việc làm sẽ tiếp tục chủ động, bám sát thực tiễn trong công tác tham mưu cho Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đảm bảo tính kịp thời và đầy đủ để Bộ có những quyết sách đi vào cuộc sống nhanh nhất, hỗ trợ phát triển thị trường lao động hiệu quả nhất.

Đặc biệt, Cục sẽ tập trung hơn nữa trong việc hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi), đảm bảo đúng tiến độ được giao.

Cùng với đó, Cục Việc làm sẽ đẩy nhanh việc xây dựng hệ thống thông tin phân tích dự báo thị trường lao động. Đây là một điểm yếu lớn cần được củng cố để đảm bảo nắm bắt được tình hình thị trường tốt hơn, có những tham mưu kịp thời hơn. Đồng thời, Cục đẩy mạnh quan tâm việc phát triển, gắn kết hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh, thành để hình thành mạng lưới thông tin, hỗ trợ kết nối cung - cầu lao động và điều phối hoạt động của thị trường một cách thiết thực, hiệu quả.

Theo báo cáo của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, tính đến hết năm 2022, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp hơn 14,33 triệu người, tăng 0,935 triệu người, tương đương tăng 6,98%, so với năm 2021. Tổng số tiền thu bảo hiểm thất nghiệp là 14.426 tỷ đồng. Tổng chi cho các chế độ bảo hiểm thất nghiệp là khoảng 17.719 tỷ đồng trong đó chi trợ cấp thất nghiệp chiếm hơn 90% tổng chi.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.

Thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 97% dự toán

Sau 10 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.654,2 nghìn tỷ đồng, bằng 97,2% dự toán năm và tăng 17,3% so với cùng kỳ 2023.