| Hotline: 0983.970.780

Nâng cao năng lực tuân thủ các quy định đối với xoài xuất khẩu

Thứ Hai 12/04/2021 , 17:09 (GMT+7)

Cả nước có diện tích xoài 87.000 ha, trong đó ĐBSCL chiếm 48%, đây là yếu tố rất tốt để nâng chất lượng, các tiêu chuẩn, quy chuẩn để xuất khẩu xoài.

Tổng quan chuỗi giá trị xoài

Tại hội thảo nâng cao năng lực tuân thủ các quy định đối với xoài xuất khẩu của Việt Nam do Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức ngày 12/4, ông Jonas Grunder - Phó Giám đốc Văn phòng Hợp tác Thụy Sỹ, Đại sứ quán Thụy Sỹ cho biết, năm 2021 là một năm đặc biệt đối với cả hai nước khi chúng ta kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Bên cạnh việc xây dựng quan hệ ngoại giao tuyệt vời trong suốt 5 thập kỷ qua, Thụy Sỹ và Việt Nam đã có những quan hệ đối tác rất thành công trên nhiều lĩnh vực như thương mại và đầu tư, nghiên cứu và khoa học cũng như văn hóa và du lịch.

Trước những thách thức khác nhau đối với xuất khẩu xoài của Việt Nam, Cục Kinh tế liên bang Thuỵ Sĩ đã quyết định bắt tay cùng Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) để bắt đầu một Chương trình Hỗ trợ Kỹ thuật mới, tập trung vào chuỗi giá trị xoài ở vùng ĐBSCL.

Diện tích trồng xoài vùng ĐBSCL hơn 48.000ha với sản lượng 567.000 tấn, năng suất trung bình từ 11 đến 13 tấn/ha. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Diện tích trồng xoài vùng ĐBSCL hơn 48.000ha với sản lượng 567.000 tấn, năng suất trung bình từ 11 đến 13 tấn/ha. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), năm 2020 kim ngạch xuất khẩu xoài của Việt Nam hơn 180 triệu USD. Diện tích trồng xoài vùng ĐBSCL hơn 48.000ha với sản lượng 567.000 tấn năng suất trung bình từ 11 đến 13 tấn/ha. Trong đó, Đồng Tháp là địa phương có diện tích trồng xoài lớn vùng ĐBSCL.

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho rằng, diện tích xoài đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP của ĐBSCL hơn 1.700 ha.

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết: Xoài là một trong những cây ăn trái chủ lực của khu vực ĐBSCL, chiếm khoảng 48% tổng diện tích xoài cả nước. Trong đó, tỉnh Đồng Tháp hiện nay có diện tích trồng xoài khoảng 12.171 ha, lớn nhất khu vực, với sản lượng hàng năm gần 124.000 tấn.

Từ năm 2006 đến nay, Đồng Tháp đã tập trung đầu tư nhiều nguồn lực cho ngành hàng xoài. Từ việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hệ thống đê bao chống lũ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất như cải tạo giống, xử lý ra hoa rải vụ, áp dụng kỹ thuật bao trái đến việc sản xuất xoài theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP). Công nghệ sau thu hoạch đã từng bước được áp dụng, ứng dụng công nghệ Blockchain trong truy xuất nguồn gốc, mô hình "Cây xoài nhà tôi” bán hàng qua mạng.

Từ đó, đã hình thành nên vùng nguyên liệu xoài tập trung chủ yếu ở huyện Cao Lãnh và thành phố Cao Lãnh. Tỉnh Đồng Tháp đã lựa chọn cây xoài là 1 trong 5 ngành hàng thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, nhằm cải tiến chuỗi giá trị ngành hàng trên cơ sở tổ chức lại sản xuất, sắp xếp các nhân tố tham gia bên trong ngành hàng xoài để nâng cao giá trị gia tăng, thu nhập cho người trồng xoài.

Ngoài ra, Đồng Tháp còn tập trung xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, xác nhận cấp mã vùng trồng xoài để xuất khẩu, liên kết sản xuất với tiêu thụ. Năm 2013, Đồng Tháp được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu “Xoài Cát Chu Cao Lãnh và Xoài Cao Lãnh”, năm 2019 được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Cao Lãnh” cho sản phẩm xoài.

Bên cạnh đó, Công ty Sếu Rice có trên 50ha trồng xoài hữu cơ theo tiêu chuẩn của Nhật, thành lập 8 HXT, 37 tổ hợp tác và 23 Hội quán nông dân trồng xoài, liên kết sản xuất và tiêu thụ xoài dài hạn 1.073 ha với hơn 10 doanh nghiệp. Có 5 sản phẩm của 3 cơ sở, đơn vị sản xuất đạt chuẩn OCOP 3 - 4 sao và tiêu thụ trong siêu thị.

Xoài cát Hòa Lộc trồng theo tiêu chuẩn VietGAP để xuất khẩu. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Xoài cát Hòa Lộc trồng theo tiêu chuẩn VietGAP để xuất khẩu. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Nghĩa cho biết thêm, mới đây với sự hỗ trợ của Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO) và Phân Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch lần đầu tiên đã chuyển giao Dự án xây dựng “Trung tâm tiên tiến” về thu hoạch, sơ chế, đóng gói, bảo quản và vận chuyển xoài cho Công ty TNHH Kim Nhung - một doanh nghiệp thu mua và xuất khẩu xoài ở Đồng Tháp.

Khuyến nghị về thị trường xuất khẩu xoài

Theo Bộ NN-PTNT, đến năm 2030 diện tích trái cây cả nước đạt 1,3 triệu ha, sản lượng trái cây cả nước đạt trên 16 triệu tấn. Riêng khu vực ĐBSCL đến năm 2030 sẽ tăng thêm 300.000 ha, đạt 680.000 ha.

Trong đó, đến năm 2025 diện tích xoài đạt 130 ngàn ha, sản lượng 1,1 triệu tấn. Năm 2030 diện tích xoài đạt 140 ngàn ha, sản lượng 1,5 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu trái cây năm 2030 đạt trên 6,5 tỷ USD (tăng 2,2 lần so với năm 2019). Trong đó, kim ngạch xuất khẩu xoài năm 2025 là 400 triệu USD và năm 2030 là 650 triệu USD.

Trong năm 2020, Hàn Quốc tăng mạnh nhập khẩu xoài Việt Nam. Cụ thể, trong 10 tháng năm 2020, xoài Việt Nam xuất khẩu vào Hàn Quốc đạt 952 tấn, trị giá 3,3 triệu USD. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Trong năm 2020, Hàn Quốc tăng mạnh nhập khẩu xoài Việt Nam. Cụ thể, trong 10 tháng năm 2020, xoài Việt Nam xuất khẩu vào Hàn Quốc đạt 952 tấn, trị giá 3,3 triệu USD. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Nói về các quy định thị trường đối với xoài xuất khẩu, kinh nghiệm đối với xoài xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ và cơ hội xuất khẩu sang thị trường EU, kinh nghiệm xuất khẩu xoài vào thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN- PTNT) cho biết: Trong năm 2020, Hàn Quốc tăng mạnh nhập khẩu xoài Việt Nam. Cụ thể, trong 10 tháng năm 2020, xoài Việt Nam xuất khẩu vào Hàn Quốc đạt 952 tấn, trị giá 3,3 triệu USD, tăng 64,3% về lượng và tăng 68% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Với lượng và giá trị nhập khẩu như trên, Việt Nam là thị trường cung cấp trái xoài lớn thứ 4 và chiếm 6,2% tổng lượng nhập khẩu xoài của Hàn Quốc.

Tuy nhiên xuất khẩu nông sản, hiện nay xoài trong nước để xuất sang Hàn Quốc và Nhật Bản còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó nguyên nhân như thời tiết, thời vụ gây tình trạng số lượng sản phẩm đạt chuẩn không đủ đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Chất lượng xoài xuất khẩu thường bị thiếu do nhiều nguyên nhân (như về giống, chủng loại, kích thước, cảm quan, sâu bệnh, dư lượng thuốc BVTV...).

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp chưa tuân thủ chất lượng khi thu mua, cung ứng so với yêu cầu của nhà nhập khẩu (như số vùng trồng, mã số nhà đóng gói, yêu cầu chứng nhận VietGAP hoặc GlobalGAP...).

Cái khó tiếp theo là vấn đề giá cả hay biến động (có thể do thời tiết, mất mùa, hoặc thị trường lớn là Trung Quốc). Việc cấp giấy chứng thư kiểm tra chất lượng và xuất xứ hàng hóa nên cải tiến thêm bằng cách áp dụng hệ thống điện tử, giảm bớt thời gian cho doanh nghiệp.

Giá cả phân tích chất lượng mẫu còn cao và thời gian phân tích chưa nhanh, giá vận chuyển tăng, tàu đi ghép công, thời gian kéo dài, không có container chuyên dùng cho máy bay hoặc tàu biển để bảo quản xoài tốt nhất làm tăng chi phí gây tình trạng sức tiêu thụ kém.

Theo ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, năm 2018 Đồng Tháp công bố xuất khẩu lô xoài Việt Nam đầu tiên sang thị trường Hoa Kỳ đầy thắng lợi. Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định trong sản xuất nhưng bên cạnh đó còn bộc lộ không ít những hạn chế như tỷ lệ hao hụt sau thu hoạch còn khá lớn, có khi lên đến 70%.

Khâu phân loại chất lượng xoài tươi để tạo độ đồng đều về mặt chất lượng hạn chế, khâu bảo quản xoài tươi hao hụt nhiều, công nghệ chế biến tạo giá trị gia tăng sản phẩm còn nhiều bất cập. Các rào cản khắt khe về kỹ thuật, về tiêu chuẩn dư lượng thuốc BVTV để đáp ứng với thị trường tiêu thụ khác nhau đang là những thách thức lớn hiện nay.

Cái khó hiện nay là số lượng diện tích sản xuất xoài đạt tiêu VietGAP còn hạn chế. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Cái khó hiện nay là số lượng diện tích sản xuất xoài đạt tiêu VietGAP còn hạn chế. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Số lượng diện tích sản xuất đạt tiêu GAP còn hạn chế. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật trong vùng nguyên liệu xoài, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, HTX hoạt động trên lĩnh vực logistics, sau thu hoạch ngành hàng xoài còn hạn chế. Bên cạnh đó, việc quản lý và sử dụng mã số vùng trồng và mã số nhà đóng gói xuất khẩu sang các thị trường chưa chặt chẽ, dễ gây mất uy tín cho địa phương và thiệt hại cho nông dân.

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, cho rằng, cần giúp người tiêu dùng nhận thức rõ hơn về chất lượng sản phẩm trong nước và quốc tế. Cả nước có diện tích xoài 87.000 ha, trong đó ĐBSCL chiếm 48%, đây là yếu tố rất tốt để nâng chất lượng, đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn để xuất khẩu và lưu hành trong thị trường nội địa.

Đối với ĐBSCL tiêu chuẩn VietGAP chiếm 3,8% diện tích, như vậy vấn đề triển khai các mô hình theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGAP vẫn phải cần đẩy mạnh. 42% diện tích được cấp mã số vùng trồng, đây điều kiện thuận lợi để triển khai hợp tác nâng cao chất lượng tiêu chuẩn xoài Việt Nam.

Ông Trần Thanh Nam nhấn mạnh, ngoài việc chú trọng vấn đề xuất khẩu thì cũng cần chú ý đến chất lượng, các tiêu chuẩn để vào được những hệ thống siêu thị để đẩy mạnh thị trường tiêu thụ trong nước, đây là một xu hướng cần hướng đến trong thời gian tới.

Ngoài ra, các địa phương, doanh nghiệp, HTX cần đẩy mạnh sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP trong thời gian tới. Bên cạnh đó, cần chú trọng, quan tâm đến chất lượng bảo quản sau thu hoạch, đây là vấn đề cốt lõi để nâng cao giá trị trái xoài.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng cho rằng, thời gian qua Bộ NN-PTNT rất quan tâm về việc nâng cao năng lực tuân thủ các quy định đối với xoài xuất khẩu của Việt Nam. Cần gắn kết lại gần hơn giữa các doanh nghiệp và HTX trồng xoài ở khu vực ĐBSCL và hiểu rõ hơn làm thế nào về tổ chức chất lượng sản phẩm để phục vụ cho người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Vai trò chính của HTX chính là đầu mối để phối hợp liên kết theo chuỗi, chú ý khôi phục hệ thống HTX kiểu mới hiện nay là mô hình thích hợp nhất để tổ chức lại sản xuất gắn với doanh nghiệp trong xuất khẩu và sản xuất là nơi quy tụ hình thành vùng nguyên liệu lớn đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của các doanh nghiệp xuất khẩu.

Phải xác định được thị trường mục tiêu để phối hợp với doanh nghiệp, HTX xây dựng tiêu chuẩn phù hợp nhằm định hướng cho nông dân, đảm bảo hài hòa với các tiêu chuẩn, quy định của quốc tế và Việt Nam, giảm chi phí cho nông dân. Xác định rõ vai trò của các đơn vị trong chuỗi như doanh nghiệp, HTX để mở rộng vùng vùng nguyên liệu đảm bảo theo các tiêu chuẩn quy định. Chú ý phát triển công nghiệp chế biến quy mô vừa và nhỏ ở nông thôn, đây chính là yếu tố góp phần giải quyết tình trạng được mùa rớt giá.

Thời gian qua do ảnh hưởng dịch Covid-19 có 50-60% HTX sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi vì nguồn cung của HTX giảm từ 30-50%, giá bán giảm từ 20-25%. Thông qua chuỗi này chúng ta cần khôi phục HTX nhằm nâng cao giá bán và xem HTX là đầu mối tạo vùng nguyên liệu lớn.

Diện tích trồng xoài ở ĐBSCL chiếm 48% diện tích cả nước. Có thể nói trọng điểm trồng xoài nằm ở ĐBSCL, trong đó 2 tỉnh trồng xoài nhiều nhất là Đồng Tháp và An Giang cần phải đẩy mạnh liên kết, tiêu thụ và tổ chức nâng cao chất lượng cho xoài từ khâu trồng cho đến thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch.

Đại diện Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) bà Lê Thị Thanh Thảo, Giám đốc Đại diện quốc gia, cho rằng, Bộ NN-PTNT đề ra kim ngạch xuất khẩu xoài đạt 400 triệu USD vào năm 2025 và 650 triệu USD vào năm 2030. Như vậy, cần nhiều hơn nữa sự đóng góp của các bên liên quan để giúp xác định các cơ hội phát triển và nhu cầu chuyển đổi cần thiết cho ngành xoài và trái cây nhiệt đới ở Việt Nam nhằm đáp ứng các điều kiện của thị trường nhập khẩu.

Bà Lê Thị Thanh Thảo, Giám đốc Đại diện quốc gia - Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO)

Bà Lê Thị Thanh Thảo, Giám đốc Đại diện quốc gia - Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO)

Để hỗ trợ các quốc gia hưởng lợi từ thị trường toàn cầu, UNIDO đang hợp tác chiến lược với Chính phủ Thụy Sĩ để triển khai chương trình tiêu chuẩn và chất lượng toàn cầu (GQSP) tại 11 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Mục tiêu tổng thể của chương trình là thúc đẩy thương mại và khả năng cạnh tranh thông qua tăng cường năng lực tuân thủ chất lượng và tiêu chuẩn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ để tạo điều kiện tiếp cận thị trường.

Hiện nay, xoài tỉnh Đồng Tháp đã có 977,6 ha được cấp mã vùng xuất khẩu sang thị trường khó tính và 4.228,6 ha được cấp mã vùng xuất sang thị trường Trung Quốc, được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP 342ha và mô hình sản xuất hữu cơ 5,75 ha tại xã Tân Thuận Tây, TP Cao Lãnh.

  • Tags:
Xem thêm
Guinea muốn học hỏi kinh nghiệm của nông nghiệp Việt Nam

Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy hợp tác Nam - Nam và Việt Nam - Nam Phi - Guinea, thể hiện là thành viên có trách nhiệm về an ninh lương thực, nhất là với châu Phi.

Chuyện chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở vựa rau Minh Tân

Ông Đinh Văn Thủy, Chủ tịch UBND xã Minh Tân, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội thông tin, địa phương có 587 ha đất nông nghiệp trong đó có 160 ha rau.

Vì sao đây là thời điểm tốt nhất để mua VinFast VF 7?

Loạt chính sách mới được công bố dành cho khách hàng mua VinFast VF 7 đang khiến nhiều người có ý định chốt cọc VF 7 hồ hởi.

Sóc Trăng có hơn 600 kênh thủy lợi là 'hồ thuận thiên' trữ nước ngọt

Huyện Trần Đề (Sóc Trăng) có 613 kênh cấp I, II, III, khối lượng trữ nước trên 6,5 triệu m3. Hệ thống này là thế mạnh trữ nước ngọt trong điều kiện xâm nhập mặn.