Hội thi Tìm hiểu “Quyền tiếp cận đất đai của phụ nữ có tên trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” tại Đại Từ, Thái Nguyên
Bằng nhiều hình thức tuyên truyền, trong đó có Hội thi Tìm hiểu “Quyền tiếp cận đất đai của phụ nữ có tên trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” với nhiều nội dung phong phú như: hỏi đáp kiến thức, thuyết trình, giao lưu khán giả…
Chương trình đã có tác dụng tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai, về quyền của phụ nữ có tên trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Chính nhờ các hoạt động văn nghệ quần chúng mà chương trình cũng phát huy sáng kiến của nhân dân trong việc kết hợp với chính quyền thực hiện giải pháp nâng cao ý thức cộng đồng, chủ động để phụ nữ được đứng tên trong bìa đỏ của gia đình.
Để nâng cao nhận thức cho cả phụ nữ và nam giới và nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương nhằm tạo điều kiện cho người dân được cấp đổi sổ đỏ mới, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cộng đồng nông thôn (CCRD) đã thực hiện dự án tại 3 xã: La Bằng, Mỹ Yên, Hoàng Nông (Thái Nguyên).
Xã La Bằng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên có 8 dân tộc gồm: Tày, Nùng, Dao, Sán Chỉ, Kinh, Ngái, Mường, Cao Lan. Đa số nhận thức của bà con về “sổ đỏ” có cả tên vợ và chồng vẫn còn hạn chế. Một số hộ khi chồng mất đi thì khó khăn trong chuyển đổi sổ đỏ cho vợ vì giấy tờ phức tạp hơn. Đồng thời, chị em nông thôn ít biết đến thủ tục hành chính nên khi nói đến giấy tờ rất ngại làm.
Ông Nguyễn Đức Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cộng đồng nông thôn (CCRD) chia sẻ: Hiện nay, không riêng xã La Bằng, ở những địa phương khác vẫn còn một số người dân chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa về quyền bình đẳng của phụ nữ trong tiếp cận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Qua nghiên cứu của Liên minh Đất đai và nhiều nghiên cứu khác cho thấy, tỷ lệ sổ đỏ có cả tên vợ và chồng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện còn rất thấp, có địa phương ở mức dưới 10%.
Được sự tài trợ của Quỹ Canada dành cho các sáng kiến địa phương và sự hỗ trợ của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cộng đồng nông thôn (CCRD), Hội Làm vườn Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thái Nguyên, Chương trình Nâng cao nhận thức cộng đồng để bảo vệ quyền bình đẳng của phụ nữ trong tiếp cận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được đẩy mạnh tuyên truyền. Nhờ đó, nhận thức người dân đã được cải thiện đáng kể
Bà Hứa Thị Châu Giang - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên cho biết: Khi sổ đỏ chỉ mang tên người chồng, phụ nữ là đối tượng chịu thiệt thòi và dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt khi Nhà nước thu hồi đất. Thống kê sơ bộ hiện nay tỷ lệ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có tên của phụ nữ ở một số địa bàn rất thấp, mặc dù đã có Nghị định hướng dẫn chi tiết Luật Đất đai về quyền có tên của phụ nữ trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
“Sau khi có Chương trình Nâng cao nhận thức cộng đồng để bảo vệ quyền bình đẳng của phụ nữ trong tiếp cận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì nhận thức của người dân đã nâng cao hơn, tại xã La Bằng, hiện đã có trên 600 hộ gia đình đứng tên cả hai vợ chồng trong sổ đỏ (chiếm tỷ lệ hơn 60%)”, bà Trần Thị Nhung - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã La Bằng chia sẻ.