Dự án “Nâng cao năng lực phụ nữ trong sản xuất và kinh doanh nông nghiệp” do Bộ Hợp tác và Phát triển Vương quốc Hà Lan tài trợ, được thực hiện bởi Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV), Bình Định là 1 trong 4 tỉnh được dự án triển khai giai đoạn 2016-2020.
Mục tiêu của dự án là nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, góp phần giảm nghèo, tăng cường bình đẳng giới và ứng phó hiệu quả với biển đổi khí hậu tại các địa phương dự án triển khai.
Sau 5 năm thực hiện, Dự án “Nâng cao năng lực phụ nữ trong sản xuất và kinh doanh nông nghiệp” đã góp phẩn nâng cao năng lực cho nữ nông dân Bình Định trong sản xuất và kinh doanh nông nghiệp; hỗ trợ các Hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN), doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực nông nghiệp có lãnh đạo là nữ nâng cao năng lực quản lý, kinh doanh làm gia tăng lợi nhuận, góp phần cải thiện sinh kế cho nông dân, đóng góp vào phát triển kinh tế nông nghiệp và góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới.
Điểm nhấn của Dự án “Nâng cao năng lực phụ nữ trong sản xuất và kinh doanh nông nghiệp” tại Bình Định là đã xây dựng, phát triển, duy trì được mô hình thâm canh lúa cải tiến SRI ở 11 HTXNN tại 3 huyện, thị xã trong tỉnh, gồm: TX Hoài Nhơn, 2 huyện Tây Sơn và Tuy Phước với diện tích 530ha, có 3.211 hộ nông dân tham gia.
Từ kết quả của các mô hình SRI do SNV tài trợ, Trung tâm Khuyến nông Bình Định đã hỗ trợ các HTXNN trong tỉnh xây dựng 7 cánh đồng lớn liên kết sản xuất lúa giống, lúa thương phẩm áp dụng kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến SRI. Riêng trong năm 2020, tổng diện tích sản xuất lúa theo quy trình SRI tại Bình Định đạt trên 1.140ha, hơn 5.988 hộ nông dân được chuyển giao và áp dụng quy trình thâm canh lúa cải tiến SRI, trong đó có 86% là nữ nông dân.
Diện tích sản xuất lúa trong mô hình SRI đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực: Lượng giống gieo sạ giảm còn 81,8kg/ha, giảm bình quân 35,7kg/ha so ruộng ngoài mô hình; ruộng trong mô hình có số lần tưới bình quân 9 lần/vụ, giảm 1 nửa số lần tưới/vụ.
Đặc biệt, nông dân tham gia mô hình được nâng cao trình độ thâm canh cây lúa, nhất là đối với nữ nông dân. Nông dân không còn lạm dụng thuốc BVTV, phân bón hóa học để làm giảm tích tụ hóa chất độc hại trong nông sản, bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng; biết tưới nước hợp lý để làm giảm khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính.
“Chi phí thuốc BVTV trong mô hình SRI được giảm gần 728.000đ/ha so ruộng ngoài mô hình; phân bón hóa học giàm hơn 1.050.000đ/ha; năng suất lúa đạt bình quân 70,9 tạ/ha, cao hơn 2,1 tạ/ha so với ruộng ngoài mô hình”, ông Lê Quang Tình, Phó Trưởng phòng Khuyến Nông thuộc Trung tâm Khuyến nông Bình Định, khẳng định.
Ngoài ra, dự án còn chuyển giao quy trình kỹ thuật thâm canh dừa theo hướng hữu với quy mô 4.000 cây đang cho quả với 200 hộ tham gia; trong đó, có 75% nông dân được chuyển giao kỹ thuật là nữ. Diện tích dừa trong mô hình sinh trưởng, phát triển rất tốt, khả năng ra rễ non cao; tỷ lệ cây bị bọ dừa và bệnh đốm lá rất thấp, nhất là vào mùa nắng, giảm 15% so dừa đối chứng. Năng suất đạt 65 quả/cây, tăng 44% so dừa ngoài mô hình, lợi nhuận của mô hình tăng 36,2% so ngoài mô hình.
Mô hình thâm canh đậu phộng trên đất lúa chuyển đổi và lần đầu tiên áp dụng công cụ gieo giống theo hàng được thực hiện tại huyện Tây Sơn cũng đã mang lại hiệu quả cao, năng suất đạt từ 33-36 tạ/ha, tăng hơn 10% so ruộng đậu phộng ngoài mô hình; lợi nhuận đạt hơn 40,5 triệu đồng/ha, cao hơn ngoài mô hình hơn 14,7 triệu đồng/ha, tăng hiệu quả sản xuất 20%. Nếu so với sản xuất lúa cùng điều kiện thì lợi nhuận của đậu phộng trong mô hình tăng gần 32 triệu đồng/ha.
Ngoài ra, dự án còn thành công trong các hoạt động khác, như: Hỗ trợ nhân rộng kết quả mô hình trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ mô hình sản xuất nấm rơm; hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ có lãnh đạo là nữ, hỗ trợ các HTXNN trong sản xuất và kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.
“Trong khuôn khổ dự án, các mô hình sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao, tăng thu nhập so với sản xuất truyền thống từ 22-26%; diện tích thực hiện được nhân rộng, kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến được áp dụng đại trà vào sản xuất. Trung tâm Khuyến nông tỉnh cũng đã xây dựng hoàn thiện và ban hành 4 quy trình hướng dẫn kỹ thuật sản xuất lúa SRI, đậu phộng, dừa và nấm rơm. Đặc biệt là thông qua dự án, hầu hết phụ nữ Bình Định đã chủ động trong sản xuất và kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp”, bà Nguyễn Thị Tố Trân, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, chia sẻ.