Ông Nguyễn Văn Long, Giám đốc HTXNN Thọ Lâm (huyện Thọ Xuân) có 30 ha đất trồng mía. Những năm gần đây, cây mía giảm giá trị, gia đình ông chuyển một số diện tích sang trồng bưởi và 1 ha trồng dưa lưới công nghệ cao. Theo ông Long, nếu không có HTX xây dựng mối liên kết với Công ty CP Mía đường Lam Sơn thì ông không dám chuyển đổi mạnh mẽ như thế.
“Mỗi ha nhà lưới, đầu tư bài bản, chất lượng như gia đình tôi sẽ ngốn 3,2 tỷ đồng và phải mất 4-5 năm mới hoàn vốn. Nếu không có các hợp đồng cam kết tiêu thụ sản phẩm thì chúng tôi không thể mạo hiểm như vậy được. Hai năm nay, toàn bộ sản phẩm của gia đình tôi SX trong nhà lưới đều được bên liên kết là Công ty CP Mía đường Lam Sơn thu mua hết. Đó là cơ sở để xã viên HTX dám đầu tư và vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao” – ông Long chia sẻ.
Tại Thanh Hóa, ngày xuất hiện càng nhiều việc các doanh nghiệp tìm đến HTX để hợp tác SX. Các doanh nghiệp này xuất hiện đã giúp nông dân ngày càng ý thức cao hơn việc phải SX ra các mặt hàng nông sản chất lượng cao phục vụ nhu cầu của thị trường. Một trong những yếu tố then chốt để doanh nghiệp hợp tác với người dân đó là vấn đề chất lượng nông sản. Bản thân doanh nghiệp, khi hợp tác với HTX và nông dân đều đưa ra những tiêu chuẩn và hướng nông dân tiệm cận tới việc SX nông sản an toàn.
Bà Tống Thị Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Hiền Nhuần cho biết, ngoài việc tự đầu tư SX các mặt hàng nông sản đạt tiêu chuẩn VietGAP, thông qua các HTX công ty còn xây dựng các trang trại vệ tinh để thường xuyên có các sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường.
“Đây là mối quan hệ hai chiều vừa giúp doanh nghiệp đảm bảo các mặt hàng thị trường cần vừa giúp nông dân có đầu ra ổn định. HTX sẽ giúp doanh nghiệp tổ chức SX, thu mua sản phẩm chất lượng để cung ứng ra thị trường. Đó cũng là cách để giúp nông dân tập làm quen với việc SX nông sản an toàn và bước vào làm ăn lớn trong lĩnh vực nông nghiệp” – bà Hiền chia sẻ.
Ông Nguyễn Bá Chung, Giám đốc HTXNN Trung Chính (huyện Nông Cống) cho rằng, nếu không có HTX làm vai trò cầu nối thì nông dân sẽ rất khó khăn trong tiêu thụ nông sản. Thông qua HTX, các doanh nghiệp cũng tìm thấy một đầu mối để triển khai kế hoạch SX và thu mua sản phẩm. Từ những mối quan hệ đó, có thể thấy, vai trò của HTX trong các mối liên kết ngày càng được thể hiện rõ.
“Những năm qua, các mối liên kết SX tại Thanh Hóa có vai trò rất lớn của HTX. Nhiều HTX đã trở thành bà đỡ cho nông dân. HTXNN Trung Chính năm nào cũng tổ chức để nông dân hợp tác cùng doanh nghiệp SX lúa giống F1 với diện tích trên 140 ha. Thông quan mối liên kết này, lợi nhuận của người trồng lúa tăng từ 15-20%” – ông Chung cho hay.
Thực tế cho thấy, tại Thanh Hóa, những năm qua, các HTX đã làm rất tốt vai trò cầu nối giữa nông dân và doanh nghiệp. Có thể kể đến việc 10 HTX làm đầu mối thu mua mía cho Công ty CP Mía đường Lam Sơn; 9 hợp tác xã liên kết với Công ty CP Giống cây trồng Thanh Hóa với tổng giá trị hợp đồng trên 2,3 tỷ đồng... Ngoài ra, nhiều HTX trên địa bàn tỉnh liên kết SX lúa giống với Công ty CP Tập đoàn Giống cây trồng Trung ương, liên kết cung cấp giống cho Công ty An Việt, cung cấp nguyên liệu cho Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao...
Theo thống kê của Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa, tính đến nay, toàn tỉnh có 1.054 HTX, trong đó có 668 HTX dịch vụ nông nghiệp, 11 HTX nuôi trồng thủy sản... Các HTX này ra đời, phát triển hoạt động theo Luật HTX năm 2012 đã góp phần thúc đẩy SX phát triển. Thông qua HTX, thu nhập của xã viên đã ngày càng được nâng cao.