Vì thế, để phòng ngừa bệnh dại hiệu quả, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, như tuyên truyền nâng cao ý thức người dân nuôi chó mèo không thả rông, thực hiện việc tiêm ngừa dại đầy đủ cho thú nuôi. Và cần có chế tài đủ mạnh để người nuôi chịu trách nhiệm khi xảy ra sự cố vật nuôi của mình cắn người.
Theo ông Nguyễn Minh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bình Phước, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 7 trường hợp chó bị bệnh dại tại 7 xã, phường thuộc 6 huyện, thị xã, thành phố gồm: Đồng Xoài, Chơn Thành, Bình Long, Lộc Ninh, Bù Gia Mập và Bù Đăng. Hiện nay, chó, mèo chưa được quản lý tốt, đa số người dân nuôi thả rông, tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại tại một số địa phương rất thấp... Do đó, nguy cơ bệnh dại phát sinh trên đàn chó, mèo có khả năng lây truyền cho người là rất cao. Vì vậy, các địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác phòng, chống bệnh dại cho vật nuôi.
“Hiện nay, trên cả nước vẫn xảy ra nhiều trưởng hợp tử vong khi bị chó mèo dại cắn nhưng chủ quan, không đi tiêm ngừa, điều trị. Theo tôi, ngoài đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai tiêm phòng đồng bộ, thì cần có chế tài đủ mạnh để răn đe người nuôi chó mèo thả rông. Nếu vật nuôi không tiêm phòng, lại thả rông, nhiễm bệnh dại mà cắn người dẫn đến tử vong, thì chủ vật nuôi phải chịu trách nhiệm”, ông Hải nói.
Tại thị xã Bình Long, 1 trong 7 địa phương trên toàn tỉnh phát sinh ổ dịch dại, ông Nguyễn Văn Tưởng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã Bình Long cho biết, để đảm bảo an toàn dịch bệnh trong cộng đồng, lãnh đạo UBND thị xã đã chỉ đạo quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Trên cơ sở đó, các cơ quan chức năng, địa phương đã phối hợp chặt chẽ triển khai đồng bộ các giải pháp từ tuyên truyền, tiêm phòng đến xử lý hành chính đối với chủ vật nuôi vi phạm về phòng, chống dịch bệnh.
“Theo thống kê, trên địa bàn thị xã có 8.192 hộ nuôi chó, mèo, tổng đàn chó gần 16.000 con. Dịp cuối tháng 3, trên địa bàn xuất hiện một ổ dịch dại. Sau khi được người dân báo, ngành chức năng và chính quyền địa phương đã tổ chức khống chế, không để lây lan; đồng thời tổ chức tiêm phòng vacxin bệnh dại đồng loạt cho đàn chó các xã, phường trên toàn thị xã. Từ đầu năm đến nay, rất nhiều trường hợp chó thả rông bị bắt nhốt, gia đình muốn nhận lại, phải làm cam kết không thả rông, tiêm phòng cho vật nuôi đầy đủ, và đóng phạt. Những trường hợp tái phạm sẽ bị chế tài nặng hơn”, ông Tưởng nói.
Vừa qua, UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành công văn yêu cầu các đơn vị, địa phương tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại trên địa bàn. Trong đó, yêu cầu các địa phương, đơn vị tổ chức thực hiện tiêm phòng vacxin dại cho đàn chó, mèo, bảo đảm đạt tỷ lệ tiêm phòng trên 70% tổng đàn trong giai đoạn 2023-2025 và trên 80% trong giai đoạn 2026-2030.
Khi phát hiện hoặc nhận được thông tin về các trường hợp người bị chó, mèo mắc bệnh dại hoặc nghi mắc bệnh dại cắn người, cần phối hợp với Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh, các cơ quan liên quan và địa phương tổ chức điều tra, xác định nguyên nhân ổ dịch và thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.