| Hotline: 0983.970.780

Nâng tầm chè Bắc Kạn

Thứ Tư 25/08/2021 , 09:00 (GMT+7)

Bắc Kạn có diện tích chè khá lớn. Tuy nhiên cây chè nơi đây chưa được đầu tư sâu về khoa học công nghệ. Thương hiệu, giá trị chưa xứng với tiềm năng.

Tỉnh có trên 2.000 ha chè

Nhắc tới cây chè, nhiều người nghĩ tới Thái Nguyên, nhưng Bắc Kạn hiện cũng là tỉnh có diện tích chè khá lớn với 2.047 ha chè. Trong đó, diện tích đã cho thu hoạch 1.882 ha, diện tích được chứng nhận VietGAP là 20 ha, chứng nhận hữu cơ 20 ha, diện tích được chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) là 42 ha.

Cây chè trung du được trồng nhiều ở huyện Chợ Mới. Ảnh: Toán Nguyễn.

Cây chè trung du được trồng nhiều ở huyện Chợ Mới. Ảnh: Toán Nguyễn.

Chè ở Bắc Kạn với 2 giống cây khác nhau được trồng là chè trung du và chè shan tuyết. Chè trung du được trồng rải rác nhiều xã thuộc các huyện Chợ Mới, Ba Bể, Chợ Đồn; chè shan tuyết được trồng tập trung chủ yếu ở xã Bằng Phúc (huyện Chợ Đồn) và một phần ở xã Yên Cư (huyện Chợ Mới), những nơi có độ cao sấp xỉ 1.000m so với mực nước biển.

Giống chè trung du gồm các giống chè lá nhỏ và một số ít trồng các giống mới như LDP1, LDP2. Giống chè shan tuyết được trồng áp dụng theo các chương trình trồng rừng phòng hộ nên mật độ cây không đảm bảo, năng suất thấp. Cả 2 loại chè hình thức sản xuất phân tán, nhỏ lẻ, thủ công, dựa vào kinh nghiệm là chính, nên chưa thành vùng sản xuất hàng hóa lớn.

Những năm gần đây, nhiều diện tích chè trồng mới đã được thiết kế theo băng chống xói mòn, trồng cây che bóng, bón phân cân đối, áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), sản xuất theo các quy trình an toàn; đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa khâu đốn, hái, phun thuốc BVTV...

Tuy nhiên, nhiều hộ dân chưa chú trọng đầu tư thâm canh tăng năng suất, do vậy năng suất, chất lượng thấp. Khâu chế biến chè theo kiểu truyền thống, bán cơ giới là chủ yếu, tỷ lệ chế biến công nghiệp, cơ giới hóa thấp; sản phẩm chủ yếu là chè xanh tiêu thụ nội địa.

Chè shantuyết được trồng chủ yếu ở xã Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn và xã Yên Cư, huyện Chợ Mới. Ảnh: Đồng Thưởng.

Chè shantuyết được trồng chủ yếu ở xã Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn và xã Yên Cư, huyện Chợ Mới. Ảnh: Đồng Thưởng.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1 nhà máy chế biến chè tại huyện Chợ Đồn do Công ty TNHH Chè Peloyen Đài Loan đầu tư từ trồng đến chế biến, sản phẩm chế biến là chè Ô Long xuất khẩu. Ngoài ra, sản phẩm chè còn được chế biến thông qua một số hợp tác xã (HTX) sản xuất và chế biến chè tại các huyện Ba Bể, Chợ Mới, Chợ Đồn. Các HTX đã đầu tư nhà xưởng, thiết bị, sản xuất những sản phẩm chè đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm (ATTP), tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh giá trị cao.

Tuy nhiên, phần lớn nguyên liệu chè búp tươi trên địa bàn tỉnh được chế biến quy mô hộ nhỏ lẻ, sản phẩm chè búp khô tiêu thụ trong và ngoài tỉnh, giá thấp hơn các sản phẩm của các tỉnh bạn, chưa có tính cạnh tranh cao.

Cải thiện chuỗi giá trị

Theo mục tiêu của Bắc Kạn đến năm 2025, tổng diện tích trồng chè đạt 2.500 ha. Trong đó, diện tích chè trung du 1.500 ha, sản lượng đạt 9.500 tấn búp tươi; diện tích chè shan tuyết 1.000 ha, sản lượng đạt 2.500 tấn búp tươi. Trồng mới 453 ha chè Shan tuyết; toàn bộ diện tích đạt tiêu chuẩn về ATTP và có nhãn mác bao bì sản phẩm; diện tích được chứng nhận VietGAP là 750 ha và truy xuất được nguồn gốc.

Cơ bản người trồng chè ở Bắc Kạn vẫn chưa áp dụng sâu khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ảnh: Toán Nguyễn.

Cơ bản người trồng chè ở Bắc Kạn vẫn chưa áp dụng sâu khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ảnh: Toán Nguyễn.

Để đạt được mục tiêu trên, Bắc Kạn đã đề ra các giải pháp chủ yếu như quy hoạch vùng nguyên liệu hàng hóa với diện tích 1.500 ha chè trung du tại các xã, thị trấn thuộc huyện Chợ Mới, Ba Bể, Bạch Thông. Quy hoạch vùng chè shan tuyết với diện tích 1.000 ha tại các xã thuộc huyện Chợ Đồn, Ba Bể, Chợ Mới.

Bắc Kạn cũng sẽ có chính sách chế biến chè tập trung, nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ cao, sản xuất bền vững; sản xuất, chế biến theo quy trình ATTP, VietGAP..., tăng hiệu suất sử dụng phân bón, giảm thuốc BVTV, vật tư nông nghiệp nhằm giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng, ATTP, giảm phát thải, bảo vệ môi trường...

Hỗ trợ cho các hộ nhỏ lẻ có diện tích chè các thiết bị chế biến (máy vò, lò sao) để 100% sản lượng chè búp tươi được chế biến ngay sau thu hái. Duy trì năng suất, sản lượng và chất lượng chè Peloyen Đài Loan tại huyện Chợ Đồn. Chú trọng củng cố các HTX, tổ hợp tác sản xuất chè an toàn gắn với liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chè theo mô hình chuỗi giá trị.

Xem thêm
Chăn nuôi Bắc Kạn vượt khó: [Bài 1] Cứu cánh từ đàn đại gia súc

Trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi hoành hành gây thiệt hại lớn, chăn nuôi đại gia súc trở thành cứu cánh của nhiều người dân, hợp tác xã ở tỉnh Bắc Kạn.

Biên Hòa phát hiện, xử lý các lò mổ lậu

Đồng Nai Lực lượng liên ngành thành phố Biên Hòa đang tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm giết mổ không phép trên địa bàn, nhất là trong giai đoạn cuối năm.

Cay đắng vì mua nhầm giống cúc mâm xôi lạ, chậm trổ bông

Bến Tre Hiện tượng cúc mâm xôi chậm phân cành, chậm phân hóa mầm hoa xảy ra với 70 hộ, số lượng khoảng 149.000 chậu, chiếm khoảng 10% tổng lượng cúc mâm xôi của huyện Chợ Lách.