| Hotline: 0983.970.780

Nâng tầm sản phẩm OCOP Quảng Ngãi

Thứ Sáu 24/11/2023 , 06:05 (GMT+7)

Tỉnh Quảng Ngãi sẽ tăng cường tuyên truyền, chuyển đổi tư duy, tạo cảm hứng cho các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP mạnh dạn, chủ động trong việc nâng sao.

Tính đến nay, tỉnh Quảng Ngãi đã có 157 sản phẩm đạt OCOP 3 - 4 sao. Ảnh: L.K.

Tính đến nay, tỉnh Quảng Ngãi đã có 157 sản phẩm đạt OCOP 3 - 4 sao. Ảnh: L.K.

Sau gần 4 năm triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, kịp thời của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở. Chương trình đã đạt những kết quả ban đầu rất quan trọng, tạo nên động lực mới trong phát triển kinh tế nông thôn góp phần xây dựng thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Tính đến tháng 10/2023, toàn tỉnh có 157 sản phẩm đạt OCOP 3-4 sao (gồm 9 sản phẩm đạt 4 sao và 148 sản phẩm đạt 3 sao). Các sản phẩm OCOP đều được cấp giấy chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc, nhãn hiệu tập thể và tạo được dấu ấn riêng trên thị trường.

Sản phẩm OCOP Quảng Ngãi được trưng bày và bán tại các cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh, các siêu thị, các sàn thương mại điện tử như Voso.vn, Posmart.vn, lazada, shopee, tiki. Ngoài ra, tỉnh này cũng đã đưa sản phẩm OCOP để làm quà tặng phục vụ cho khách du lịch tham quan, các hội nghị, hội thảo. Từ đó, góp phần quảng bá những sản phẩm đặc trưng của địa phương đến với bạn bè trong cũng như ngoài nước.

Tại Công ty TNHH MTV KITA ở xã Tịnh Khê (TP Quảng Ngãi) đang có 2 sản phẩm là chả mực OCOP 4 sao và chả cá đỏ OCOP 3 sao. Đây là những sản phẩm được khai thác từ biển, có sẵn ở địa phương trước đây chủ yếu được người dân bán nguyên liệu thô, giá cả thấp.

Thế nhưng, khi các sản phẩm này đã được đóng gói, bao bì và tẩm gia vị nâng tầm thành sản phẩm OCOP thì rất được người tiêu dùng ưa chuộng, giá thành tăng lên gấp nhiều lần. Trung bình mỗi tháng, đơn vị này cung cấp cho thị trường Quảng Ngãi, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh khoảng 1 tấn.

Chị Trương Thị Ly, Giám đốc Công ty TNHH MTV KITA cho biết: “Từ nghề làm chả cá truyền thống của gia đình, chúng tôi đã thành lập công ty để phát triển sản phẩm địa phương theo hướng chuyên nghiệp, đảm bảo an toàn thực phẩm. Hoạt động sản xuất các sản phẩm này mỗi năm mang lại thu nhập cho gia đình gần 500 triệu đồng. Ngoài ra còn tạo việc làm ổn định cho 5 lao động là những phụ nữ nghèo, khó khăn với mức thu nhập bình quân 4 triệu đồng/tháng”.

Tỏi Lý Sơn là 1 trong 3 sản phẩm sắp tới sẽ được tỉnh Quảng Ngãi hỗ trợ để nâng từ sản phẩm OCOP 4 sao lên 5 sao. Ảnh: L.K.

Tỏi Lý Sơn là 1 trong 3 sản phẩm sắp tới sẽ được tỉnh Quảng Ngãi hỗ trợ để nâng từ sản phẩm OCOP 4 sao lên 5 sao. Ảnh: L.K.

Những sản phẩm OCOP không chỉ tạo được tính cạnh tranh trên thị trường mà còn góp phần cho sự phát triển kinh tế của địa phương. Mặc dù vậy, hiện nay trăn trở của ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ngãi là toàn tỉnh vẫn chưa có sản phẩm OCOP đạt 5 sao.

Theo ông Lê Giang Phong, Giám đốc HTX sản xuất và kinh doanh nấm Đức Nhuận (huyện Mộ Đức), hiện nay, đơn vị này có 8 sản phẩm OCOP, trong đó có sản phẩm nấm linh chi đạt chuẩn 4 sao từ năm 2020 nhưng sau 3 năm vẫn chưa thể nâng hạng lên 5 sao vì đây là mức sản phẩm cấp quốc gia, có nhiều tiêu chí cao và khắt khe, HTX chưa thể đủ điều kiện để đáp ứng.

Ông Hồ Trọng Phương, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ngãi cho biết, sao OCOP thể hiện chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm OCOP trên thị trường, cũng như tiềm năng phát triển sản phẩm theo hướng hàng hóa xuất khẩu. Đáng chú ý, để nâng hạng sản phẩm từ 4 sao lên 5 sao thì việc đạt các tiêu chí không hề đơn giản. Phải có nguồn lực đầu tư lớn nâng cấp dây chuyền, quy mô sản xuất, đặc biệt đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn.

“Sắp tới, chúng tôi dự kiến tư vấn, hỗ trợ 3 sản phẩm OCOP từ 4 sao lên 5 sao gồm tỏi Lý Sơn, các sản phẩm quế Trà Bồng và muối Sohu ở Sa Huỳnh. Đối với tỏi Lý Sơn và quế Trà Bồng có thuận lợi lớn là đã có chỉ dẫn địa lý”, ông Phương nói.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.