Bệnh nhân N.V.V.L (27 tuổi, Bình Dương) mồ côi cha mẹ, chậm phát triển trí tuệ được một nhà tình thương tại Bình Dương nhận nuôi. Đầu năm 2022, sau một buổi làm việc dọn dẹp, anh L. khát nên lấy chai nước giải khát để sẵn trên bàn, vội vã cầm uống vô tình nuốt luôn nắp chai. Ngại mọi người xung quanh lo lắng, anh không thông báo về tai nạn này.
Khoảng hơn 1 tháng sau, anh L. bị đau tức nhiều ở vùng ngực, ăn uống khó khăn. Anh đã đến khám tại một bệnh viện địa phương và được hướng dẫn đến Bệnh viện Bình Dân tìm nguyên nhân.
Tại đây, qua nội soi tiêu hóa, các bác sĩ phát hiện một dị vật nghi là 1 nắp chai nước giải khát, đường kính khoảng 3cm cắm vào thành thực quản, niêm mạc xung quanh phù nề, giữ chặt dị vật. Trên phim Xquang và CT-scan ngực cho thấy, hình ảnh dị vật cản quang ở thành sau thực quản đoạn 1/3 trên cách cung răng khoảng 20cm. May mắn là dị vật chưa làm thủng thực quản gây tràn dịch màng phổi hoặc viêm trung thất.
Theo BS.CK2 Nguyễn Phú Hữu, Phó trưởng Khoa Ngoại Tiêu Hóa, Bệnh viện Bình Dân, đối với các dị vật thực quản kích thước nhỏ, các bác sĩ có thể thực hiện thủ thuật nội soi gắp dị vật an toàn qua đường miệng – thực quản. Tuy nhiên, đây là trường hợp dị vật kích thước lớn, đã găm lún vào thành thực quản, khối viêm phù nề lan rộng, các bác sĩ quyết định phẫu thuật xẻ thực quản, dùng dụng cụ chuyên dụng gắp gỡ dị vật dưới hướng dẫn nội soi.
Ekip phẫu thuật đã thực hiện gắp và gỡ cẩn trọng từng răng kim loại của dị vật ra khỏi niêm mạc thực quản an toàn.
“Quá trình này được hỗ trợ bởi thiết bị nội soi trong mổ để đảm bảo thao tác tỉ mỉ, chính xác. Sau hơn 30 phút phẫu thuật, chiếc nắp chai đã có dấu hiệu hoen rỉ được đưa ra khỏi thực quản thành công. Người bệnh được nội soi kiểm tra để đảm bảo không có xì dò thực quản sau khi lấy được dị vật và khâu kín vết mổ thực quản 2 lớp. Để đảm bảo cho việc lành thương thuận lợi, tránh nguy cơ nhiễm trùng vùng thực quản và cung cấp dinh dưỡng đầy đủ cho người bệnh các bác sĩ đã mở ống thông hỗng tràng để nuôi ăn”, bác sĩ Hữu chia sẻ.
Sau phẫu thuật, anh L. đã không còn đau nhức vùng ngực, nuốt nghẹn, không ói sau 2 tháng nuốt phải dị vật. Đồng thời, tránh được nguy cơ nắp chai răng cưa sắc nhọn tiếp tục xuyên thủng thực quản hoặc tạo thành nhiễm trùng vỡ vào trung thất, biến chứng nguy hiểm dễ dẫn tới tử vong.
Cũng theo Phó trưởng Khoa Ngoại Tiêu Hóa, Bệnh viện Bình Dân, dị vật kẹt thực quản là tình trạng cấp cứu cần được xử trí kịp thời, đúng cách bởi các bác sĩ có trình độ chuyên môn cao. Dị vật kích thước lớn, nhiều cạnh sắc, cắm sâu vào thành thực quản như trường hợp của anh L., cùng với sự co bóp của nhu động thực quản có thể diễn tiến xuyên thủng thành ống tiêu hóa hoặc tạo những ổ nhiễm trùng vỡ vào trung thất với nguy cơ tử vong rất cao vì đây là khoang chứa phổi, tim, các cơ quan đảm bảo sự sinh tồn.
Phẫu thuật lấy dị vật là một kỹ thuật khó vì vùng thực quản hẹp, vết thương dễ viêm dính, nhiễm trùng, khó lành. “Trường hợp anh L. rất may mắn vì mặc dù đã hơn 2 tháng kể từ khi nuốt dị vật kim loại có nhiều răng nhọn nhưng thành thực quản chưa bị thủng, chưa hình thành các ổ tụ mủ và đã được phẫu thuật lấy ra an toàn”, bác sĩ Hữu cho hay.
Các bác sĩ khuyến cáo, mọi người luôn phải thận trọng trong khi ăn uống, đặc biệt trong các dịp lễ Tết, tránh uống rượu say tăng nguy cơ nuốt phải dị vật mà không biết. Khi đã phát hiện nuốt dị vật hoặc nuốt khó, nuốt vướng, đau tức ngực không rõ nguyên nhân, người bệnh tuyệt đối không nên chần chừ mà nên đi thăm khám ngay để phát hiện và xử trí sớm.