Ngày 1/4, hãng tin Reuters cho biết Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho biết sẽ ngừng "toàn bộ hợp tác dân sự và quân sự trên thực tế" với Nga do việc Moskva chiếm đóng và sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine.
Trong một tuyên bố, ngoại trưởng các nước NATO còn hối thúc Nga "ngay lập tức có những bước đi... để trở lại tuân thủ luật pháp quốc tế."
NATO và Ukraine cũng thông báo trong tuyên bố chung sau cuộc gặp của các bộ trưởng tại Brussels (Bỉ) rằng họ sẽ tăng cường hợp tác và thúc đẩy cải cách quốc phòng tại Ukraine thông qua huấn luyện và các chương trình khác.
Trong một diễn biến liên quan, nguồn quân sự thạo tin bên lề cuộc họp các ngoại trưởng NATO diễn ra ở Brussels ngày 1/4 cho biết Mỹ đã đề nghị Romania cho phép tăng quân Mỹ đóng tại căn cứ không quân “Mihail Kogalniceanu” ở Constanta bên Biển Đen lên 1.500 binh sĩ.
Nguồn tin trên được dẫn lời nói: “Số lượng binh sĩ dự kiến sẽ tăng lên 1,5 lần, từ 1.000 lên 1.500 người” và động thái này là một phần trong các nỗ lực của NATO nhằm tăng cường sự hiện diện ở Đông Âu.
Căn cứ không quân Mihail Kogalniceanu đang được sử dụng như bàn đạp tiếp vận cho quân đội Mỹ ở Afghanistan. Mỹ sử dụng cơ sở này từ khi bắt đầu quá trình mở rộng NATO năm 1999.
Cùng ngày, theo Reuters, Nga đã cảnh cáo Ukraine không được gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cho rằng những nỗ lực trước đây của Kiev nhằm tiến gần hơn tới liên minh quân sự này đã nhận phải những hậu quả không mong đợi.
Sau khi Balan, Cộng hòa Séc và Hungary gia nhập NATO năm 1999, tiếp sau đó Bulgari, Rumani, Slovakia, Slovenia và ba nước Baltic gia nhập liên minh quân sự này vào năm 2004, Nga lo ngại chiến lược mở rộng NATO sẽ đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia của Nga. Đây cũng chính là lý do khiến Nga kiên quyết phản đối nước láng giềng Ukraine gia nhập NATO.