| Hotline: 0983.970.780

Nền giáo dục thành tích làm vấn đề đạo đức xã hội trầm trọng hơn

Thứ Hai 07/06/2010 , 10:31 (GMT+7)

Việc thành lập trường ĐH, CĐ quá dễ dàng, vào ĐH, CĐ quá nhẹ nhàng đã làm cho chất lượng giáo dục giảm sút, từ đó nảy sinh nhiều vấn đề.

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, việc thành lập trường ĐH, CĐ quá dễ dàng, vào ĐH, CĐ quá nhẹ nhàng đã làm cho chất lượng giáo dục giảm sút và quá nhiều SV ra trường không kiếm được việc làm càng làm cho những vấn đề xã hội, đạo đức xã hội vốn đã đáng lo ngại càng đáng lo ngại hơn.

Phó Chủ nhiệm UB Văn hoá, giáo dục, thanh thiếu niên & nhi đồng QH Ngô Thị Minh (Quảng Ninh): Số giảng viên tăng 3 lần mà số sinh viên tăng 13 lần 

ĐB Ngô Thị Minh chỉ ra rằng, theo báo cáo của Chính phủ báo cáo QH kỳ này thì năm 2009 chúng ta đã phấn đấu đạt được 17/25 chỉ tiêu theo kế hoạch đặt ra, còn lại 8 chỉ tiêu chúng ta không đạt. Nhưng trong số 8 chỉ tiêu không đạt đó, có 2 chỉ tiêu liên quan tới lĩnh vực GD- ĐT. Đó là tốc độ tăng tuyển mới ĐH, CĐ và tốc độ tăng tuyển mới trung cấp chuyên nghiệp (TCCN). Đông đảo cử tri không hiểu lý do tại sao Chính phủ lại đưa vào kế hoạch 2 chỉ tiêu này. Phải chăng từ nguyên nhân này nên trong thời gian vừa qua nhiều trường ĐH, CĐ và các TCCN đã được thành lập khá dễ dàng, kể cả việc tăng tỷ lệ tuyển sinh ở các trường CĐ, ĐH trong khi điều kiện ngân sách còn rất hạn hẹp, cơ sở vật chất không thể đáp ứng, số giảng viên không tăng kịp…

“Nhiều cử tri đặt câu hỏi phải chăng là Chính phủ mong muốn ngành giáo dục phấn đấu để chạy theo thành tích, phấn đấu để đạt 200 sinh viên/1 vạn dân vào năm 2010? Việc chạy theo thành tích ấy đã gây ra hậu quả là chất lượng đào tạo giảm sút và đa số thanh niên đang phải gánh chịu. Đó là phần đông số họ khi ra trường không được các cơ quan tuyển dụng lao động chấp nhận, họ không xin được việc làm theo lĩnh vực mà họ được đào tạo, gây lãng phí tiền và của cải cho gia đình, xã hội và thời gian của giới trẻ”- ĐB Minh nói.

Theo ĐB Minh thì đào tạo ra trường không có việc làm, không những lãng phí thời gian của tuổi trẻ, tiền bạc của gia đình, xã hội mà nó còn “đẩy” các đối tượng thanh niên “học mà chả nên người” phải đối mặt ngày càng nhiều với các tiêu cực của xã hội, tệ nạn xã hội...“Nhiều cử tri đặt câu hỏi: Tại sao Chính phủ cấp ngân sách cho các trường theo chỉ tiêu tuyển sinh đầu vào mà Chính phủ không đòi hỏi các trường phải quyết toán ngân sách theo sản phẩm đầu ra gắn với nhu cầu xã hội, sản phẩm tạo ra phải có việc làm? Nếu các DN cũng không phải chịu trách nhiệm về công đoạn tiêu thụ sản phẩm của mình làm ra thì khi đó xã hội sẽ mất cân đối và nguy hiểm đến mức nào?”- ĐB Minh tranh luận.

“Từ năm 1987 đến năm 2009 số giảng viên chỉ tăng được 3 lần mà số sinh viên tăng tới 13 lần. Sự phát triển quy mô trường lớp không tương xứng với chất lượng giáo dục trong thời gian qua cũng là một trong những nguyên nhân làm cho một bộ phận thanh niên và đông đảo thanh niên được đào tạo không tìm được việc làm đang dần mất niềm tin vào sự điều hành của Chính phủ. Do vậy đã xuất hiện nhiều các biểu hiện tiêu cực diễn ra đối với thanh niên gây bức xúc trong xã hội”- ĐB Minh nói. 

ĐB Huỳnh Văn Tí  (Bình Thuận):  Điều gì đang xảy ra trong đạo đức xã hội hiện nay?

Theo ĐB Huỳnh Văn Tí, đông đảo cử tri rất quan tâm và lo lắng trước thực trạng đạo đức xã hội đã và đang xuất hiện những điều rất đáng lo ngại từ trong trường học ra ngoài đường, từ những học sinh, trí thức đến những người vô học.

Đó là các hoạt động quấy rối của các băng nhóm lưu manh côn đồ. Vì sao bây giờ thanh thiếu niên chém giết lẫn nhau, hãm hại lẫn nhau một cách dễ dàng như vậy? Con cháu bạc đãi ông bà, cha mẹ, anh em ruột thịt hoặc những người cùng huyết thống dắt nhau ra tòa...Bên cạnh bạo lực gia đình chưa bị đẩy lùi thì tình trạng truy bức, hành hạ trẻ em và thêm vào đó bạo lực học đường rộ lên ở một số nơi đã gây bức xúc lớn trong nhân dân.

ĐB Tí cho rằng, việc học sinh xích mích, gây gổ, ẩu đả nhau không phải là chuyện mới, song ngày càng gia tăng với những biểu hiện đáng sợ. Đến ngay cả nữ sinh cũng đánh nhau giữa sân trường, giữa ban ngày ban mặt. Đặc biệt ngoài mức độ tàn nhẫn trong hành vi bạo lực, điều vô cùng bức xúc khác chính là thái độ thờ ơ, vô cảm của xã hội.

ĐB Tí còn chỉ ra rằng, không chỉ có vậy, ở mức độ nhẹ hơn đó đây vẫn còn xảy ra tình trạng thầy giáo, cô giáo không dám nặng lời với học sinh, cha mẹ không dám nặng lời với con cái, người ngay không dám tố giác kẻ gian...“Tất cả những điều đó hoàn toàn đi ngược lại truyền thống dân tộc, gây bức xúc lớn trong nhân dân và đáng báo động. Nếu để tình trạng này tiếp tục xảy ra, lan rộng thì rất nguy hiểm và chúng ta chưa thể lường hết được mọi hậu họa”- ĐB Tí nói.

Xem thêm
Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chiều 2/5, Quốc hội thống nhất miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021 - 2026, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV với ông Vương Đình Huệ.

Chủ động với các kiểu thiên tai nguy hiểm giai đoạn chuyển mùa

Bến Tre Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bến Tre có công văn yêu cầu chủ động phòng tránh, ứng phó các kiểu thiên tai giai đoạn chuyển mùa.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Đề xuất xây cầu 3.500 tỷ đồng nối Bến Tre và Trà Vinh

Trà Vinh Dự án cầu Cổ Chiên 2 với vốn đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng, dự kiến đưa vào sử dụng năm 2030.