| Hotline: 0983.970.780

Nếu bị EU giơ thẻ đỏ, khó xuất đi thị trường khác

Thứ Sáu 10/11/2017 , 14:35 (GMT+7)

Ngày 9/11, tại TP.HCM, VASEP đã họp với các DN chế biến hải sản bàn về chương trình hành động tránh thẻ đỏ của EU về IUU.

Một nỗi băn khoăn lớn của các DN chế biến XK hải sản sang EU là kể từ sau khi bị EU giơ thẻ vàng (ngày 23/10), hải sản Việt Nam đã gặp phải những khó khăn gì khi XK sang thị trường này.

Tàu đánh bắt cá xa bờ

Bà Myriam Garcia Ferrer, Tham tán Thương mại Phái đoàn EU tại Việt Nam, cho biết, thẻ vàng không ngăn chặn thương mại. Nhưng do đã bị thẻ vàng, tần suất kiểm tra các lô hàng hải sản có nguồn gốc từ Việt Nam chắc chắn sẽ tăng lên. Mà khi đã bị kiểm tra chặt chẽ hơn, khả năng sẽ có nhiều lô hàng bị phát hiện sử dụng nguồn nguyên liệu bất hợp pháp, hay có thể bị phát hiện các vấn đề về ATTP.

Tác động tiêu cực lớn hơn là thẻ vàng làm tổn hại hình ảnh thủy sản Việt Nam. Và tác hại lớn nhất là có thể ảnh hưởng tới việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do EU – Việt Nam (EVFTA). Câu chuyện IUU nằm trong một bối cảnh lớn hơn đó là thúc đẩy quan hệ mậu dịch song phương EU và Việt Nam. Quá trình đàm phán EVFTA đã hoàn tất, hiện đang chờ Nghị viện Châu Âu và Quốc hội Việt Nam phê chuẩn. Công chúng Châu Âu vốn rất quan tâm tới tính bền vững trong quan hệ thương mại quốc tế. Vì vậy, họ đang quan tâm tới việc Việt Nam bị EU giơ thẻ vàng về IUU.

Do đó, khi Nghị viện Châu Âu thảo luận về việc phê chuẩn EVFTA, chắc chắn mối quan tâm của công luận EU về thẻ vàng nói trên cũng sẽ có tác động không nhỏ tới việc cơ quan này có phê chuẩn hay không. Bài học của Thái Lan cho thấy rõ điều này. Thái Lan bị EU giơ thẻ vàng năm 2015. Đến nay, Thái Lan vẫn chưa khắc phục được hoàn toàn các khuyến nghị của EU, nên việc đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do EU – Thái Lan đang bị “treo” lại.

Nếu trong thời gian bị thẻ vàng, Việt Nam không có hành động tích cực để thực hiện các khuyến nghị của EU về IUU, Việt Nam sẽ có thể bị giơ thẻ đỏ. Khi ấy, hải sản từ Việt Nam sẽ bị cấm NK vào EU. Không những thế, còn ảnh hưởng đến cả việc XK sang những thị trường khó tính khác.

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, PCT VASEP, cho hay, một nhà NK hải sản hàng đầu của Nhật Bản cho biết, nếu Việt Nam bị EU giơ thẻ đỏ, Chính phủ Nhật Bản cũng sẽ cấm cửa đối với hải sản từ Việt Nam. Do đó, các DN đừng nghĩ rằng nếu không còn được XK hải sản sang EU, ta vẫn có thể bán hàng đi nơi khác.

Chính vì vậy, theo bà Myriam Garcia Ferrer, trong 6 tháng bị thẻ vàng, Việt Nam phải có ngay những nỗ lực cần thiết để thực hiện đầy đủ các khuyến nghị của EU. Hy vọng đến mùa hè 2018, Việt Nam đã có được những phương án tốt nhất để phòng chống IUU. Khi ấy, có thể Việt Nam vẫn chưa thuyết phục được EU xóa thẻ vàng, nhưng những nỗ lực đó cũng sẽ được Nghị viện Châu Âu ghi nhận để dễ dàng hơn trong việc phê chuẩn EVFTA.

Bà Myriam Garcia Ferrer bày tỏ sự quan ngại đối với một số nội dung trong Dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi) mà bà nhận được vào tháng 9/2017. Bởi những nội dung ấy chưa tuân thủ các khuyến nghị của EU. Những khuyến nghị này không phải áp đặt, vì có sự tham chiếu với các tiêu chuẩn quốc tế và gợi ý Việt Nam nên đi theo các tiêu chuẩn quốc tế. Nhưng đến nay, nhiều nội dung trong Dự thảo chưa đáp ứng các yêu cầu quốc tế. Mà nếu bản Dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi) vẫn được Quốc hội Việt Nam thông qua với nhiều nội dung chưa đáp ứng các yêu cầu của EU, sẽ khiến cho EU không chấp nhận, trong khi Luật vừa sửa xong thì lại không thể sửa tiếp được ngay. Bà Myriam nhấn mạnh, đối với EU, điều quan trọng là Việt Nam có hiểu rõ vấn đề của mình và sẵn sàng hợp tác vượt qua vấn đề đó hay không. Việt Nam phải có một sự hợp tác đầy đủ nhất, phải coi việc chống IUU là việc của chính mình chứ không phải chỉ để đối phó với quy định của EU.

Một điều rất đáng tiếc mà bà Myriam nêu ra là vào ngày 8/11, một tàu nước ngoài chở cá có nguồn gốc từ khai thác IUU, đã được phép cập vào một cảng Việt Nam. Điều đáng nói là trước đó, Tổng cục Nghề cá của EU đã thông tin và đề nghị cơ quan chức năng Việt Nam không cho tàu đó cập cảng. Bởi khi đã cập cảng Việt Nam, rất dễ xảy ra việc cá từ đánh bắt trái phép trên tàu này được phát tán vào các nhà máy chế biến hải sản Việt Nam, rồi từ đó xuất sang EU. Vậy mà không hiểu sao tàu đó vẫn được cập cảng Việt Nam? Những trường hợp như thế sẽ góp phần làm Việt Nam bị EU giơ thẻ đỏ.

Kiến nghị của VASEP cho bản Kế hoạch hành động 6 tháng của Bộ NN-PTNT: Sớm lập kế hoạch hành động “6 tháng tránh thẻ đỏ” để có tính tập trung và tính mục tiêu; thành lập Tổ công tác IUU quốc gia trong tháng 11/2017, mà lãnh đạo Bộ NN-PTNT là tổ trưởng; tổ chức trước ngày 15/11 một Hội nghị toàn quốc về “IUU và thẻ vàng”, có sự tham dự của tất cả các Sở NN-PTNT và chi cục thủy sản các tỉnh, TP ven biển, cảng cá và DN hải sản; rà soát, đưa những nội dung mà EU đã khuyến nghị vào văn bản khung của Luật Thủy sản (sửa đổi); đẩy mạnh tuyên truyền liên tục trong 6 tháng cho ngư dân, các nậu, vựa về IUU; thành lập ban dự án của Tổng cục Thủy sản và VASEP để xây dựng cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia; thiết lập phần mềm để truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác; Nhà nước hỗ trợ và trang bị đủ thiết bị giám sát hành trình tàu cá; trong tháng 11/2017, VASEP phối hợp với các Sở NN-PTNT, Hiệp hội các cảng cá triển khai việc thống nhất quy trình công việc kiểm soát IUU và ký xác nhận nguyên liệu tại tất cả các cảng cá trên cả nước...

 

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.