Sức ép từ đánh bắt quá mức và phát triển du lịch
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có đa dạng sinh học cao trên thế giới, tận dụng những lợi thế đó, những năm qua ngành thủy sản đã duy trì đà tăng trưởng ổn định, từ 4,5 - 5%/năm.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều vấn đề trong công tác khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản vẫn cần phải giải quyết để ngành phát triển bền vững, bảo đảm và nâng cao đời sống của ngư dân.
Ông Lê Trần Nguyên Hùng, Trưởng phòng Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản (Cục Kiểm ngư, Bộ NN-PTNT) chia sẻ, hiện nay bà con ngư dân đang đánh bắt càng nhiều càng ít, to nhỏ lớn bé vào lưới là bắt hết. Đây là một trong những hành vi vi phạm về đánh bắt IUU.
“Bà con ngư dân cũng chỉ vì miếng cơm, manh áo và đã đánh bắt tận diệt. Nếu tình trạng này tiếp diễn thì 10 năm tới, nghề cá sẽ sụp đổ. Nếu chúng ta không nhận thức được việc này có lẽ 10 năm nữa sẽ không còn cá. Tôi rất mong bà con ngư dân đánh bắt có trách nhiệm, có tình yêu với muôn loài, đó là một trong những cách đánh bắt khôn ngoan”, ông Lê Trần Nguyên Hùng truyền thông điệp.
Các hệ sinh thái biển, nguồn lợi thủy sản đang bị suy thoái nhanh cả về số lượng và chất lượng do các hoạt động khai thác quá mức, các hoạt động khai thác có tính hủy diệt và tác động lớn tới môi trường.
Bà Bùi Thị Thu Hiền, Phụ trách Chương trình biển và vùng bờ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) tại Việt Nam cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Thứ nhất là do đánh bắt quá mức, đánh bắt cạn kiệt và sử dụng những công cụ đánh bắt hủy diệt. Thứ hai là tình trạng axit hóa đại dương, ô nhiễm biển, việc phát triển vùng bờ cũng ảnh hưởng tới hệ sinh thái…
Đặc biệt, theo ông Hùng, còn một nguyên nhân đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến các hệ sinh thái, đó là việc xây dựng cơ sở du lịch xung quanh các khu bảo tồn biển, san lấp, lấn biển… Ví dụ Nha Trang, Bình Thuận, Phú Quốc… đây là một trong những điển hình hủy hoại hệ sinh thái vô cùng lớn, trong đó các doanh nghiệp đã và đang tác động rất lớn vào sự hủy diệt này.
Tất cả các bên, mỗi ngành khác nhau đều có thể góp sức
Chia sẻ về các giải pháp để tái tạo nguồn lợi thủy sản, phục hồi hệ sinh thái trong thời gian tới, ông Hùng cho hay, hiện nay chúng ta đã thực hiện cấm đánh bắt có thời hạn. Trong Thông tư số 19/2018/TT-BNNPTNT về hướng dẫn về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đã đưa ra 41 khu vực cấm trên toàn quốc.
“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu cho Bộ NN-PTNT thực hiện việc cấm đánh bắt theo nghề, theo ngư cụ, theo thời gian và theo khu vực. Ví dụ, nghề đánh bắt hủy diệt nhất hiện nay là nghề lưới kéo, cần cấm thí điểm 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng và tiến tới cấm hẳn. Các nước trên thế giới đã cấm đánh bắt bằng nghề lưới kéo, đặc biệt là nghề lưới kéo đôi”, ông Hùng cho hay.
Còn theo bà Hiền, hiện nay ở Việt Nam, mạng lưới các khu bảo tồn biển chưa được thực hiện một cách hiệu quả. Mạng lưới khu bảo tồn biển ở Việt Nam mới chỉ được xây dựng và được hiểu như một khu để phát triển du lịch và chỉ chiếm 0,2% diện tích biển của Việt Nam. Tuy nhiên lại có rất nhiều doanh nghiệp cùng xen vào đấy để phát triển du lịch. Theo đó, chính quyền địa phương cần phải có những trao đổi cụ thể với doanh nghiệp để họ hiểu về các khu bảo tồn biển này.
Một trong những giải pháp hữu ích khác theo bà Hiền là biện pháp bảo tồn khu vực hiệu quả khác (OECM). Bà Hiền giải thích, OECM được hiểu là khu vực có hiệu quả bảo tồn đa dạng sinh học khác. Ban đầu đây là những khu vực không phải khu bảo tồn nhưng được giao quyền cho một cộng đồng, người dân hay ngư dân, doanh nghiệp, cá nhân... Họ vô tình bảo vệ khu vực này không có sự xâm hại, không có sự đánh bắt thủy hải sản.
Bà Hiền lấy ví dụ, khu vực quanh một đảo được quản lý, bảo vệ và khai thác yến sào, vô tình đã được bảo vệ rất nghiêm ngặt, do vậy các hệ sinh thái, rạn san hô, động vật đáy, các loài thủy sản nơi đây được bảo tồn và gìn giữ. Và khu vực đó có giá trị về đa dạng sinh học. Hoặc khu vực biển do quốc phòng quản lý. Khu vực này không ai có thể xâm phạm, vô tình lại thành một khu đa dạng sinh học.
“Những ví dụ trên để thấy rằng, tất cả các bên, mỗi ngành khác nhau… đều có thể tham gia hỗ trợ để tăng diện tích các khu bảo vệ và khu bảo tồn biển ở Việt Nam”, bà Hiền khẳng định.
“OECM có thể góp phần giúp tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển của nước ta. Hy vọng cơ quan quản lý Nhà nước có thể suy nghĩ thêm về những nội dung này để có thể tăng diện tích trong tương lai”, bà Bùi Thị Thu Hiền, Phụ trách Chương trình biển và vùng bờ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) tại Việt Nam nói.