Chủ tịch tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga Alexei Miller ngày 5/4 tuyên bố Ukraine phải thanh toán toàn bộ số tiền 11,4 tỷ USD được Moskva chiết khấu khi bán khí đốt cho Kiev trong bốn năm qua.
Ông Miller nói rằng việc hủy bỏ cái gọi là các thỏa thuận Kharkov trong tuần qua đồng nghĩa với việc Kiev phải hoàn trả toàn bộ số tiền được chiết khấu.
Theo các thỏa thuận này, Ukraine được mua khí đốt của Nga với giá ưu đãi cho đến năm 2017 để đổi lấy việc cho Moskva tiếp cận các cơ sở ở cảng Sevastopol của Crimea.
Phát biểu với đài truyền hình Nga, ông Miller nêu rõ: “Tổng số tiền chiết khấu được đưa ra vào thời điểm các thỏa thuận Kharkov còn hiệu lực là 11,4 tỷ USD. Đó là số tiền mà Chính phủ Nga, ngân sách Nga không nhận được.”
Theo ông Miller, số tiền chiết khấu này trên thực tế là khoản thanh toán mà Nga trả trước cho việc thuê căn cứ của Hạm đội Biển Đen ở Sevastopol trong tương lai.
Tuy nhiên, Sevastopol và phần còn lại của bán đảo Crimea đã sáp nhập vào Nga nên Ukraine phải hoàn trả số tiền này.
Ngoài ra, Gazprom cũng đòi Ukraine lập tức thanh toán cho số khí đốt đã cung cấp cho Ukraine trong thời gian gần đây, với tổng trị giá trên 2,2 tỷ USD.
Thủ tướng lâm thời Ukraine ngày 5/4 tuyên bố Kiev bác bỏ việc Nga tăng giá khí đốt đồng thời cáo buộc quốc gia láng giềng "xâm lược kinh tế."
"Sức ép chính trị là điều không thể chấp nhận. Và chúng ta không chấp nhận cái giá 500 USD (cho 1.000m3 khí đốt)," Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk phát biểu tại một cuộc họp chính phủ.
"Nga không thể chiếm Ukraine bằng cuộc xâm lược quân sự. Giờ đây họ đang thực thi các kế hoạch để chiếm Ukraine thông qua xâm lược kinh tế."
Ông Yatsenyuk nói Ukraine đã sẵn sang để tiếp tục mua khí đốt từ Nga với mức giá cũ (265,50 USD) bởi đó là “mức chấp nhận được.”
Tuy nhiên, ông này cũng nói thêm rằng Ukraine phải sẵn sàng với khả năng Nga sẽ hạn chế hoặc dừng chuyển khí đốt cho cho Ukraine.
Trong các năm 2006 và 2010, tập đoàn dầu khí Gazprom của Nga đã từng hạn chế lượng khí đốt xuất sang các nước Tây Âu và Ukraine do vấn đề giá cả.
Hiện lượng khí đốt từ Nga chiếm 1/3 nhu cầu tiêu thụ của EU.
Gần 40% lượng khí đốt xuất sang châu Âu là đi qua Ukraine, phần còn lại đi qua đường ống dẫn khí phương Bắc nằm dưới biển dẫn tới Đức và các nhánh khác đi qua Belarus và Ba Lan.