| Hotline: 0983.970.780

Ngăn chặn hiệu quả khai thác trái phép nhờ tổ đồng quản lý nghề cá

Thứ Tư 16/11/2022 , 08:45 (GMT+7)

HÀ TĨNH Không chỉ bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ còn phối hợp cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ tàu cá khai thác bất hợp pháp.

Trao quyền bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản cho ngư dân

Những năm qua, vấn đề tổ chức lại sản xuất gắn với trách nhiệm cộng đồng trong công tác quản lý, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản ven bờ luôn được chính quyền các cấp, ngành chuyên môn ở tỉnh Hà Tĩnh dành sự quan tâm đặc biệt. Để phát huy vai trò quản lý cộng đồng này, tỉnh Hà Tĩnh đã trao quyền tham gia bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản cho ngư dân thông qua tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ.

Tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ số 2 và số 3 đang hoạt động hết sức hiệu quả. Ảnh: Thanh Nga.

Tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ số 2 và số 3 của huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đang hoạt động hết sức hiệu quả. Ảnh: Thanh Nga.

Tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ số 2 – xã Xuân Yên và Tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ số 3 – xã Xuân Liên thuộc huyện Nghi Xuân được thành lập từ năm 2016. Thời gian đầu mới thành lập, các tổ đồng quản lý này chủ yếu tương trợ nhau trong quá trình khai thác trên biển, khi gặp mưa dông, gió bão, đảm bảo an toàn cho người và tài sản trước khi vào bờ.

Đến năm 2020, sau một thời gian hoạt động hiệu quả, Tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ số 2 và số 3 được giao quyền quản lý hoạt động nuôi trồng thủy sản, bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản, du lịch giải trí gắn với hoạt động thủy sản theo Nghị định 26/2019/NĐ-CP ngày 8 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản.

Khi được trao quyền, các tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ hoạt động năng nổ hơn, bài bản hơn và đã phối hợp rất hiệu quả với các lực lượng chức năng như biên phòng, kiểm ngư trong phát hiện, xử lý các hành vi khai thác thuỷ sản bất hợp pháp trên khu vực biển được giao quyền quản lý.

Ông Nguyễn Văn Bê, Tổ trưởng Tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ số 3 – Xuân Liên nói: “Quá trình hoạt động của Tổ, đã tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức trong bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản cho ngư dân. Bây giờ bà con đã chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng mìn khai thác thuỷ sản.

Ngoài ra, khi hoạt động trên biển, nếu phát hiện tàu nước ngoài, tàu dã cào, tàu cá sử dụng ngư cụ cấm để khai thác, chúng tôi kịp thời báo cáo cơ quan chức năng, phối hợp bắt giữ, xử lý vi phạm”.

Empty

Việc chấm dứt dùng mìn, lướt mắt nhỏ khai thác hải sản đã góp phần gia tăng nguồn lợi thuỷ sản cho vùng lộng. Ảnh: Thanh Nga.

Lâu nay, tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ hoạt động rất hiệu quả nhưng cơ chế, chính sách hỗ trợ duy trì các tổ đang rất hạn chế, nếu không muốn nói là chưa có.

Thiết nghĩ, hàng năm tỉnh Hà Tĩnh và chính quyền cấp huyện cần dành một phần ngân sách hỗ trợ các tổ đồng quản lý, có thể chi phí cho việc tập huấn, mua dầu tuần tra trên biển… nhằm khuyến khích, động viên các tổ đảm bảo hoạt động thường xuyên, liên tục.

Phấn đấu xây dựng 10 – 12 tổ đồng quản lý

Là một trong những thành viên hoạt động năng nổ nhất trong Tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ số 2 – xã Xuân Yên, trong năm 2021 và 10 tháng đầu năm 2022, ngư dân Nguyễn Văn Thú cùng các thuyền viên khác trong Tổ đã phát hiện hơn 25 trường hợp tàu cá vi phạm; bàn giao cho lực lượng chức năng xử phạt hành chính hơn 500 triệu đồng.

Ông Thú có 3 chiếc tàu cá cùng công suất 24 CV. Một tàu do ông cầm lái, 2 tàu khác ông thuê 4 thuyền viên vươn khơi khai thác cá, ghẹ và ruốc.

Những ngày gần đây, vùng biển ven bờ Nghi Xuân lặng sóng nên tàu cá do ông Thú cầm lái mỗi ngày đem về khoảng 5 triệu đồng tiền bán ghẹ. Với nguồn thu này, ông không chỉ nuôi sống được vợ con mà còn có của ăn của để.

“Trước chưa tham gia Tổ đồng quản lý, do đánh bắt kiểu huỷ diệt nên nguồn lợi thuỷ sản khan hiếm, khai thác không hiệu quả. Sau khi Tổ đồng quản lý đi vào hoạt động, mấy năm gần đây, hầu như chuyến nào đi chúng tôi cũng thu về 3 – 5 triệu đồng, hiếm có chuyến nào thua lỗ”, ông Nguyễn Văn Thú nói.

Hiện nay tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ vừa khai thác vừa tham gia bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản. Ảnh: Thanh Nga.

Hiện nay tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ vừa khai thác vừa tham gia bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản. Ảnh: Thanh Nga.

Bên cạnh việc tăng hiệu quả khai thác thuỷ sản, việc tham gia tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ đã thay đổi căn bản nhận thức của ngư dân trong việc ngăn chặn sử dụng tàu dã cào, lưới mắt nhỏ hay kích điện trong quá trình khai thác thuỷ sản.

Tổ đồng quản lý cũng được quyền tổ chức tuần tra, kiểm tra hoạt động nuôi trồng thủy sản, khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trong khu vực được giao quyền quản lý; yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm.

Trung bình mỗi tháng, các tổ viên trong Tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ số 2, số 3 huyện Nghi Xuân cung cấp 3 đến 4 thông tin về các hoạt động vi phạm, như: Tàu cá có công suất lớn khai thác sai vùng, sử dụng ngư lưới cụ cấm, dùng xung kích điện khai thác... cho các lực lượng biên phòng, kiểm ngư để có biện pháp xử lý kịp thời.

Theo ông Nguyễn Viết Hùng, Phụ trách Phòng quản lý khai thác (Chi cục Thuỷ sản Hà Tĩnh), trong hơn 7 năm qua, 2 tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ số 2 và số 3 huyện Nghi Xuân với 418 thành viên đã hoạt động hết sức hiệu quả, là điểm sáng trong việc phát huy vai trò cộng đồng trong hành trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản ven bờ, bảo đảm cân bằng sinh thái tự nhiên, mang lại sinh kế cho người dân.

Mỗi năm ngư dân phối hợp lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ hàng chục tàu cá khai thác thuỷ sản bất hợp pháp. Ảnh: Thanh Nga.

Mỗi năm, ngư dân phối hợp lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ hàng chục tàu cá khai thác thuỷ sản bất hợp pháp. Ảnh: Thanh Nga.

“Tổ đồng quản lý như cánh tay nối dài của cơ quan quản lý nhà nước, họ đã hỗ trợ rất nhiều trong quản lý khai thác thuỷ sản trên biển như: Làm giấy phép khai thác thuỷ sản; kẻ, vẽ đánh dấu tàu thuyền, thống kê số lượng tàu cá; phối hợp phát hiện, bắt giữ tàu cá khai thác bất hợp pháp…”, ông Hùng nhấn mạnh.

Cũng theo ông Hùng, ngoài Tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ số 2, số 3 hoạt động hiệu quả, đến thời điểm này, 7 tổ đồng quản lý đã được hình thành tại các huyện Lộc Hà, Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh… Qua đó, đã và đang hỗ trợ lực lượng chức năng trong việc quản lý, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản ven bờ rất tốt, góp phần tuyên truyền có hiệu quả các quy định của Luật Thuỷ sản, quy định của chính phủ trong việc chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU).

Về lâu dài, định hướng của Hà Tĩnh là tiếp tục nhân rộng mô hình tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ này. Phấn đấu từ nay đến năm 2025 phát triển được từ 10 đến 12 tổ. Mục tiêu cuối cùng là tiếp tục giao 30% ngư trường ven bờ còn lại cho cộng đồng ngư dân để họ tham gia cùng cơ quan quản lý nhà nước bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.

Cơ bản hoàn thành đánh dấu, kẻ sơn màu tàu cá

DSCN3543

Để bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản suốt chiều dài bờ biển 137 km, những năm gần đây, lực lượng chức năng tỉnh Hà Tĩnh tích cực tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân thực hiện kẻ sơn màu, đánh dấu tàu cá theo quy định của Luật Thủy sản 2017.

Đến nay, cơ bản gần 2.900/2.950 tàu cá, chủ yếu ở huyện Nghi Xuân, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Thị xã Kỳ Anh… đã thực hiện kẻ sơn màu theo đúng quy định. Theo đó, màu sơn xanh cho tàu có chiều dài từ 6m đến dưới 12m (ven bờ); màu sơn vàng cho tàu từ 12m đến dưới 15m (vùng lộng) và màu ghi sáng đối với tàu có chiều dài lớn nhất 15m trở lên (vùng khơi). Trường hợp tàu không có cabin thì sơn màu theo quy định toàn bộ phần mạn khô của tàu.

                        

Xem thêm
Liên kết sản xuất để khai thác thế mạnh ngành tôm

NGHỆ AN Ngành tôm Việt Nam đạt được bước tiến dài trên trường quốc tế nhưng chưa khai thác hết tiềm năng sẵn có, đòi hỏi phải đẩy mạnh hơn nữa các chuỗi liên kết.

Nữ giám đốc hợp tác xã đưa nước mắm xuất sang Úc

HÀ TĨNH Sau hơn 3 năm chuyển sang hoạt động theo mô hình hợp tác xã, nữ giám đốc 9x ở Hà Tĩnh đã đưa thương hiệu nước mắm Phú Sáng vươn thị trường quốc tế.

Hỗ trợ trực tiếp cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển

Cà Mau Ngày 20/10, Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh phối hợp Chi cục Kiểm ngư Cà Mau, các nhà tài trợ, tổ chức chương trình 'Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển'.