| Hotline: 0983.970.780

Ngân hàng 'bó tay' thu hồi nợ vay đóng tàu 67

Thứ Ba 03/10/2023 , 06:27 (GMT+7)

Trong 62 tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 (tàu 67) tại Bình Định đã có 4 chiếc bị chìm, 57 tàu đang hoạt động, nhưng ngân hàng ‘bó tay’ việc thu hồi nợ.

Ngư dân Nông Thành Điền ở xã Cát Thành (huyện Phù Cát, Bình Định) thẫn thờ khi tàu cá vỏ thép BĐ 99478 TS của mình có giá trị hơn 16,3 tỷ đồng dù hạ giá 6 lần vẫn chưa có người đăng ký đấu giá. Ảnh: V.Đ.T.

Ngư dân Nông Thành Điền ở xã Cát Thành (huyện Phù Cát, Bình Định) thẫn thờ khi tàu cá vỏ thép BĐ 99478 TS của mình có giá trị hơn 16,3 tỷ đồng dù hạ giá 6 lần vẫn chưa có người đăng ký đấu giá. Ảnh: V.Đ.T.

Lãi mẹ đẻ lãi con

Những chiếc tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ có mức đầu tư rất lớn, chiếc thấp nhất cũng 16 tỷ đồng, chủ tàu đối ứng 5% trong tổng chi phí đóng tàu, 95% còn lại chủ tàu vay các ngân hàng thương mại trả dần hàng năm trong vòng 16 năm.

Thực hiện Nghị định 67, các ngân hàng thương mại ở Bình Định tham gia cho 62 ngư dân tỉnh này vay để đóng mới 48 tàu cá vỏ thép, 6 tàu vỏ gỗ và 8 tàu vỏ composite (trong đó có 1 tàu hành nghề hậu cần nghề cá) với tổng số tiền cho vay 921 tỷ đồng. Riêng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định (viết tắt là Agribank Phù Cát) cho 5 hộ ngư dân tại 2 xã Cát Thành và Cát Khánh (huyện  Phù Cát) vay tổng số tiền 75,152 tỷ đồng để đóng mới 5 tàu cá, trong đó có 4 tàu vỏ thép và 1 tàu vỏ composite.

Theo ông Trần Công Bàng, Giám đốc Agribank Phù Cát, trong 3 năm đầu hoạt động, hầu hết những tàu cá vỏ thép do Agribank Phù Cát đầu tư đánh bắt đạt sản lượng, sản phẩm bán có giá nên trả nợ gốc, lãi vay đến hạn theo phân kỳ hàng năm đúng kỳ hạn. Thế nhưng sau năm 2019, các hộ vay đóng tàu cá 67 bắt đầu không trả nợ, để phát sinh nợ quá hạn.

Những chiếc tàu cá vỏ thép do Agribank Phù Cát (Bình Định) cho vay tiền để đóng mới đã được ngân hàng thu hồi giờ đang neo đậu tại cửa biển Đề Gi chờ người đấu giá. Ảnh: V.Đ.T.

Những chiếc tàu cá vỏ thép do Agribank Phù Cát (Bình Định) cho vay tiền để đóng mới đã được ngân hàng thu hồi giờ đang neo đậu tại cửa biển Đề Gi chờ người đấu giá. Ảnh: V.Đ.T.

Tính đến cuối tháng 7/2023, tổng dư nợ quá hạn của 5 ngư dân 2 xã Cát Thành và Cát Khánh (huyện Phù Cát) là 74,557 tỷ đồng. Trong đó, chiếc tàu vỏ thép mang số hiệu BĐ 99478 TS của ngư dân Nông Thành Điền ở xã Cát Thành có giá trị đầu tư 16,336 tỷ đồng, sau khi đối ứng 5%, ông Điền vay của Agribank Phù Cát 15,519 tỷ đồng. Trong 3 năm đầu hoạt động, ông Điền đã trả được 4,225 tỷ đồng nợ gốc và 434 triệu đồng tiền lãi vay. Đến ngày 31/7/2023, ông Điền còn nợ Agribank Phù Cát 11,264 tỷ đồng tiền nợ gốc, 1,886 tỷ tiền lãi vay, tổng cộng ông Điền còn nợ quá hạn của Agribank Phù Cát 13,149 tỷ đồng.

Tàu vỏ thép đóng mới mang số hiệu BĐ 99979 TS của ngư dân Đặng Văn Khoa (xã Cát Thành) có giá trị 16,389 tỷ đồng, sau khi đối ứng 5%, ông Khoa vay ngân hàng 15,540 tỷ đồng. Đến nay ông Khoa đã trả được 1,766 tỷ đồng nợ gốc và 379 triệu đồng lãi vay. Hiện ông Khoa còn dư nợ tại Agribank Phù Cát 15,874 tỷ đồng cả nợ gốc lẫn lãi vay.

Bộ lưới hành nghề mành chụp trên tàu BĐ 99478 TS của ông Nông Thành Điền mới mua gần 1 tỷ đồng (cả chì) giờ nằm phơi mưa phơi nắng, cước bị mục dần. Ảnh: V.Đ.T.

Bộ lưới hành nghề mành chụp trên tàu BĐ 99478 TS của ông Nông Thành Điền mới mua gần 1 tỷ đồng (cả chì) giờ nằm phơi mưa phơi nắng, cước bị mục dần. Ảnh: V.Đ.T.

Để đóng mới chiếc tàu vỏ thép BĐ 99369 TS, ngư dân Nguyễn Hữu Thủy (xã Cát Khánh) vay của Agribank Phù Cát 15,960 tỷ đồng, trong quá trình hoạt động, ông Thủy đã trả được 1,284 tỷ đồng nợ gốc và 348 triệu đồng lãi vay, nhưng sau đó do để nợ quá hạn nên hiện ông Thủy còn nợ ngân hàng đến 16,906 tỷ đồng, cao hơn số tiền vay ban đầu.

Tương tự, ngư dân Võ Thế Dư (xã Cát Thành) vay của Agribank Phù Cát 15,960 để đóng tàu vỏ thép BĐ 99252 TS, dù đã trả được 1,484 tỷ đồng nợ gốc và 348 triệu đồng lãi vay, hiện ông Dư vẫn còn nợ ngân hàng 16,691 tỷ đồng, nhiều hơn số tiền vay ban đầu. Do “lãi mẹ đẻ lãi con” nên dù mấy năm liền đã trả nợ gốc lẫn lãi vay, nhưng hiện chủ 4 tàu vỏ thép nói trên vẫn còn nợ quá hạn Agribank Phù Cát cao hơn khoản tiền vay ban đầu.

Riêng ngư dân Phạm Toàn do đóng tàu vỏ composite (mang số hiệu BĐ 99468 TS) có giá trị thấp hơn tàu vỏ thép nên ông chỉ vay Agribank Phù Cát 12,173 tỷ đồng, sau khi trả hơn 2 tỷ cả nợ gốc lẫn lãi vay, hiện ông Toàn vẫn còn nợ ngân hàng 11,937 tỷ đồng, gần ngang số tiền vay ban đầu.

Nợ vay đóng tàu 67 cần cơ chế đặc thù

Ông Trần Công Bàng, Giám đốc Agribank Phù Cát, giải thích nguyên nhân dẫn tới khoản nợ quá hạn của các ngư dân vay tiền đóng tàu 67: Tàu vỏ thép sau khi hoạt động một thời gian thì bị gỉ sét, hư hỏng, xuống cấp, chủ tàu phải cho tàu nằm bờ để sửa chữa dài ngày. Thêm vào đó, ngư trường đánh bắt ngày càng bị thu hẹp, nguồn lợi thủy sản thì sụt giảm, sản phẩm hạ giá lại tiêu thụ yếu; trong khi giá xăng dầu liên tục tăng, cộng thêm chi phí chuyến biển tăng cao nên thường bị lỗ lớn. Đặc biệt, từ năm 2020 trở về sau, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên hầu hết tàu cá đều nằm bờ, vì nếu có đi đánh bắt sản phẩm cũng không tiêu thụ được, do giãn cách nên không có thương lái mua hàng.

Mô tơ trên tàu của ông Nông Thành Điền cùng nhiều thiết bị khác đã bị gỡ trộm nên khi đấu giá, chiếc tàu có giá trị thu hồi nợ vay thấp so với số tiền ngân hàng cho vay. Ảnh: V.Đ.T.

Mô tơ trên tàu của ông Nông Thành Điền cùng nhiều thiết bị khác đã bị gỡ trộm nên khi đấu giá, chiếc tàu có giá trị thu hồi nợ vay thấp so với số tiền ngân hàng cho vay. Ảnh: V.Đ.T.

“Ngoài nguyên nhân khách quan, vấn đề nợ quá hạn của những chủ tàu cá 67 cũng có nguyên nhân chủ quan. Ấy là họ chủ động chây ỳ không trả nợ ngân hàng, có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách ưu đãi của Nhà nước. Họ cho rằng đây là nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ cho ngư dân vươn khơi bám biển nên không màng đến chuyện trả nợ. Nhiều tàu cá đánh bắt đạt sản lượng lớn, nhưng không khai báo và cung cấp thông tin về doanh thu cho ngân hàng, nên chúng tôi không thể quản lý dòng tiền theo dự án”, ông Trần Công Bàng chia sẻ.

Cũng theo ông Bàng, thực tế trên đã khiến công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay của Agribank Phù Cát gặp nhiều khó khăn. Do không thể quản lý được dòng tiền bán hàng của hộ vay sau mỗi chuyến biển, bởi đó không xác định được doanh thu thực tế của mỗi chuyến biển, dẫn đến không đánh giá được hiệu quả của dự án đầu tư.

Thêm nữa, các tàu cá 67 đánh bắt theo hình thức đơn lẻ, sản phẩm được bán cho các tàu hậu cần nghề cá thu mua tại biển; hoặc cập cảng cá ngoài tỉnh để bán sản phẩm mà không về cảng nơi đăng ký ban đầu, khiến ngân hàng không thể lấy thông tin về lịch trình đi biển.

Ngư dân Nông Thành Điền buồn bã đưa chúng tôi ra tàu cá vỏ thép đang neo đậu tại cửa biển Đề Gi (huyện Phù Cát, Bình Định) chờ người đấu giá. Ảnh: V.Đ.T.

Ngư dân Nông Thành Điền buồn bã đưa chúng tôi ra tàu cá vỏ thép đang neo đậu tại cửa biển Đề Gi (huyện Phù Cát, Bình Định) chờ người đấu giá. Ảnh: V.Đ.T.

“Khi vay vốn, các chủ tàu thực hiện mở tài khoản tại Agribank Phù Cát, đồng thời cam kết chuyển toàn bộ doanh thu khai thác và tiền hỗ trợ nhiên liệu vào tài khoản của ngân hàng để trả nợ vay. Nhưng trên thực tế, những chủ tàu vay tiền của Agribank Phù Cát mở tài khoản và thực hiện giao dịch chuyển tiền tại các ngân hàng khác. Do đó, khi đến hạn trả nợ, Agribank Phù Cát không có nguồn để thu nợ nên phát sinh nợ quá hạn”, ông Trần Công Bàng cho biết thêm.

Hiện nay, Agribank Phù Cát đã hoàn thành việc khởi kiện dân sự 5 chủ tàu cá nói trên, đồng thời đã đề nghị Chi cục Thi hành án dân sự huyện Phù Cát thu hồi tàu cá, xử lý phát mãi để thu hồi nợ. Tuy nhiên, dù đã 1 năm trôi qua mà mới chỉ có tàu cá vỏ thép của ngư dân Võ Thế Dư chuẩn bị bán đấu giá; 2 tàu cá vỏ thép của ngư dân Nông Thành Điền đã giảm giá đến 6 lần; tàu cá vỏ thép của ngư dân Nguyễn Hữu Thủy cũng đã giảm giá 4 lần và tàu vỏ composite của ngư dân Phạm Toàn đã giảm giá lần 2 nhưng tất cả những con tàu nói trên đến nay vẫn chưa có người đăng ký mua.

“Quá trình bán đấu giá những con tàu 67 kéo dài, dù đã giảm giá nhiều lần nhưng không có người tham gia đấu giá. Những con tàu nằm dang mình dưới mưa dưới nắng hiện đã xuống cấp trầm trọng, bị trộm mất nhiều thiết bị, giá trị thu hồi nợ vay thấp so với số tiền cho vay”, ông Trần Công Bàng, Giám đốc Agribank Phù Cát cho hay.

“Chúng tôi khẩn thiết đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét thực trạng, ban hành cơ chế đặc thù trong việc xử lý nợ xấu cho vay theo Nghị định 67 của Chính phủ. Ví như giảm tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro, khoanh nợ, xoá nợ… để tạo điều kiện cho ngư dân tiếp tục với nghề khai thác hải sản. Giảm chi phí trích lập dự phòng, giảm áp lực nợ xấu để ngân hàng có điều kiện mở rộng hoạt động kinh doanh. Loại trừ nợ xấu do cho vay theo Nghị định 67 để quản lý theo cơ chế riêng, không gộp vào để tính tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng cho vay”, ông Trần Công Bàng, Giám đốc Agribank Phù Cát, đề nghị.

Xem thêm
Yêu cầu giới hạn định lượng thuốc nhuộm Sudan cho ớt xuất khẩu Đài Loan

Cùng với Trung Quốc, Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ, doanh nghiệp Việt Nam phải cung cấp báo cáo thử nghiệm về thuốc nhuộm Sudan, kèm ghi chú phương pháp thử, đơn vị thử nghiệm.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Agribank  trao 50 phần quà cho các gia đình khó khăn

50 hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn thị trấn Tân Hiệp, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang vừa được nhận quà từ Agribank.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.