Nông nghiệp tăng trưởng khá
Ngày 20/10, qua chuyến làm việc thực tế tại Nghệ An, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến và Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT đã có cái nhìn toàn cảnh về ngành nông nghiệp của địa phương này, qua đó kịp thời có những chỉ đạo, định hướng sát sao.
Trong 10 tháng đầu năm 2022 ngành NN-PTNT Nghệ An làm tốt nhiệm vụ chuyên môn. Thống kê thể hiện giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp ước đạt hơn 39.887 tỷ đồng, tăng 4,69%, những con số đã nói thay tất cả.
Trong bức tranh toàn cảnh, lĩnh vực chăn nuôi, thú ý tạo được nhiều điểm nhấn tích cực. Ngành chuyển dịch theo đúng định hướng đề án tái cơ cấu bằng cách tăng dần quy mô đàn trâu, bò ở miền Tây, nhất là bò sữa, bò thịt chất lượng cao, tăng sản lượng thịt hơi xuất chuồng.
Ngành chăn nuôi cũng ưu tiên cơ cấu lại phương thức tổ chức sản xuất, chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển công nghiệp, trang trại và ứng dụng công nghệ cao (toàn tỉnh hiện có 941 trang trại chăn nuôi theo quy mô của Luật Chăn nuôi, bao gồm 438 trang trại lợn, 21 trang trại bò, 482 trang trại gia cầm).
Ứng dụng rộng rãi công nghệ cao là giải pháp hữu hiệu để nâng tầm ngành chăn nuôi. Hiểu rõ xu thế, Nghệ An đã chủ động phương án thu hút đầu tư, mời gọi thành công nhiều doanh nghiệp tiềm năng cùng “chung tay góp sức”, đáp lại là sự nhập cuộc của những cái tên đủ sức bảo chứng cho thành công, như Tập đoàn TH, Vinamilk, Công ty Masan, Công ty chăn nuôi CP, Công ty TNHH Thành Đô, Công ty Darby CJ Genetics.... hiện số trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn GAHP (VietGahp, GlobalGap), hữu cơ ngày càng tăng, chiếm khoảng 25%.
Ứng dụng công nghệ cao không chỉ cải thiện chất lượng sản phẩm mà còn giảm thiểu ô nhiễm môi trường thông qua quá trình xử lý chất thải chăn nuôi bằng hầm biogas, chế phẩm sinh học, ô xy hóa, đệm lót sinh học…
Trên thực tế, nhiều trang trại đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa hệ thống máy tách ép phân với hệ thống hầm biogas, nhờ đó có thể tận thu nguồn phân để bón cho cây trồng, lại hạn chế cặn lắng, chống quá tải, kéo dài thời gian sử dụng hệ thống biogas.
Những doanh nghiệp lớn như Masan, Thành Đô, Darby, CP... còn áp dụng cả hệ thống xử lý tuần hoàn tái sử dụng 100%, kết hợp lắp đặt hệ thống phun sương hấp thụ khí thải…
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định giá trị nông nghiệp Nghệ An rất lớn. 2022 là năm bản lề song điều kiện thời tiết trên địa bàn tỉnh có nhiều yếu tố bất thuận, thời gian cuối năm phải tập trung cao độ để hoàn thành mục tiêu đặt ra. Đề nghị tỉnh bám sát Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ Năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chiến lược phát triển phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/1/2022.
Kiện toàn, tăng cường năng lực hệ thống thú y các cấp
Thực hiện Quyết định số 414 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, giai đoạn 2021 -2030”; Công văn số 2173 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc tổ chức triển khai Quyết định Thủ tướng
Ngày 09/12/2021, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An đã ban hành Nghị quyết nhằm khôi phục lại chức danh thú y xã, UBND tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện căn cứ tình hình thực tiễn của địa phương, chỉ đạo UBND cấp xã bố trí người hoạt động không chuyên trách đảm nhiệm chức danh này.
Hiện đã có 377 phường, xã bố trí chức danh thú y, đạt tỷ lệ 82%, riêng 7 huyện Thành phố Vinh, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, Quỳnh Lưu, Thị xã Cửa Lò, Nghĩa Đàn đã hoàn thành.
Liên quan đến nội dung chuyển Trạm Chăn nuôi và Thú y về UBND cấp huyện quản lý, với việc mất hệ thống tổ chức xuyên suốt từ trên xuống dưới đã gây xáo trộn nặng nề, làm gián đoạn công tác chỉ đạo chuyên môn chung.
Hệ thống “chân rết” bị đưa ra ngoài ngành tức thì không thể phát huy tối đa năng lực, quá trình thống kê, giám sát, báo cáo tình hình dịch bệnh không đảm bảo thường xuyên, liên tục khiến Sở NN-PTNT, Chi cục Chăn nuôi và Thú y rất khó triển khai các biện pháp cấp bách, chưa kể Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp cấp huyện không có chức năng quản lý nhà nước lĩnh vực Chăn nuôi và Thú y cùng khiến sự thể thêm phần rối ren. Thực tế đặt ra đòi hỏi Nghệ An phải khẩn trương khôi phục hệ thống Trạm Chăn nuôi và Thú y cấp huyện, lộ trình thực hiện kéo dài từ 2022 - 2025.