| Hotline: 0983.970.780

Ngành dăm gỗ cần được tổ chức lại

Thứ Năm 12/09/2019 , 09:01 (GMT+7)

Việt Nam hiện là nước xuất khẩu dăm gỗ lớn nhất thế giới, với thị trường chủ lực là Trung Quốc. Tuy nhiên, do nhiều hạn chế mà ngành dăm Việt Nam hiện vẫn đang ở thế yếu trên thị trường thế giới.

* Đề nghị chưa nâng thuế xuất khẩu gỗ dăm

Do đó, ngành dăm cần phải được tổ chức lại để gia tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường Trung Quốc và các thị trường khác.
 

Đứng đầu thế giới

Theo báo cáo “Việt Nam xuất khẩu dăm gỗ: Thực trạng và thay đổi về chính sách” được thực hiện bởi Tổ chức Forest Trends, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM và Hiệp hội Chế biến Gỗ tỉnh Bình Dương, Việt Nam đang là nước xuất khẩu (XK) dăm gỗ lớn nhất thế giới.

14-27-35_to_chuc_li_ngnh_dm
Sản xuất dăm gỗ xuất khẩu. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Cụ thể, năm 2018, tổng lượng dăm gỗ XK của Việt Nam đã đạt gần 10,4 triệu tấn khô, tương đương gần 20 triệu m3 gỗ nguyên liệu quy tròn, đạt kim ngạch hơn 1,34 tỉ USD, chiếm khoảng 15% tổng kim ngạch XK gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam. 4 tháng đầu năm 2019, lượng dăm gỗ xuất khẩu là 4 triệu tấn, đạt 557 triệu USD.

Thống kê của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), cho thấy, trong năm 2018, tổng lượng dăm gỗ xuất khẩu trên toàn thế giới là 34,8 triệu tấn, đạt giá trị gần 4 tỷ USD. Như vậy, Việt Nam đang chiếm tới 30% tổng lượng dăm gỗ xuất khẩu toàn cầu, và tiếp tục là nước xuất khẩu lớn nhất mặt hàng này (từ năm 2014 đến nay). Đứng sau Việt Nam là Úc, Chile, Nam Phi…

Trung Quốc hiện đang là nước nhập khẩu dăm gỗ lớn nhất thế giới. Năm 2018, nước này nhập khẩu trên 11 triệu tấn dăm gỗ (số liệu của ITC). Đáng chú ý là hơn một nửa lượng dăm gỗ nhập khẩu vào Trung Quốc là từ Việt Nam (6,128 triệu tấn). Như vậy, có thể thấy, Trung Quốc đang là thị trường quan trọng nhất của dăm gỗ Việt Nam, khi chiếm 60-70% lượng dăm gỗ xuất khẩu hàng năm của nước ta. 2 thị trường quan trọng tiếp theo là Nhật Bản và Hàn Quốc.
 

Vị thế yếu

Tuy là nước xuất khẩu dăm gỗ lớn nhất thế giới và chiếm tới 30% lượng dăm gỗ xuất khẩu toàn cầu, nhưng đáng buồn là ngành dăm Việt Nam vẫn chưa đủ mạnh để định hình thị trường tiêu thụ dăm thế giới, thậm chí đang tham gia thị trường thế giới với vị thế bị động chứ chưa phải chủ động.

Theo nhóm tác giả của báo cáo nói trên, ngành dăm đang phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc. Tại Trung Quốc, dăm gỗ Việt Nam có giá thấp hơn nhiều so với các nguồn cung khác. Năm 2018, giá dăm Việt Nam XK sang Trung Quốc bình quân 150 USD/tấn, Thái Lan là 163 USD/tấn, Brazil 198 USD/tấn, Úc 206 USD/tấn, Chile 209 USD/tấn…

Giá xuất khẩu dăm của Việt Nam thấp, trước hết là do chất lượng dăm của Việt Nam kém hơn chất lượng dăm của các nước. Hiện tượng lẫn tạp chất, độ ẩm cao, ẩm mốc, hàm lượng xenluloza thấp trong dăm Việt Nam là tương đối phổ biến.

Trong những năm qua, ngành dăm phát triển nóng, mất kiểm soát dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, đẩy giá xuất khẩu xuống. Sản xuất dăm gỗ không đòi hỏi cao về công nghệ, vốn đầu tư và trình độ quản lý. Trong điều kiện nguồn cung gỗ nguyên liệu đầu vào tương đối sẵn, mức thuế xuất bằng 0 (trước 2016) hoặc thấp (2% ở mức hiện tại), nhiều công ty sản xuất và XK dăm đã được hình thành với số lượng vượt khỏi sự kiểm soát của cơ quan quản lý. Các doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh, đặc biệt trong khâu thu mua nguyên liệu khi giành giật người mua.

Ngoài ra, theo thông tin chia sẻ từ một số doanh nhân, ngành dăm có hiện tượng làm giá bởi các doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam. Các công ty dăm Trung Quốc sang mua lại các công ty dăm của Việt Nam, thuê quản lý người Việt, những người có nhiều kinh nghiệm trong ngành trước đó. Họ phối hợp với nhau, dìm giá bán.

dm-go094432287
Sản xuất dăm gỗ xuất khẩu ở Quảng Ngãi. Ảnh: Phạm Anh.

Trong khi đó, tính liên kết giữa các doanh nghiệp dăm của Việt Nam lỏng lẻo. Trừ khu vực Quảng Ngãi có hiệp hội dăm, hiện chưa có tổ chức nào đại diện cho ngành dăm trong cả nước.
 

Phải tổ chức lại ngành dăm

Theo TS Tô Xuân Phúc (chuyên gia phân tích tổ chức Forest Trends) và các cộng sự, để nâng cao vị thế ngành dăm Việt Nam trên thị trường thế giới, ngành dăm cần làm nhiều việc, trong đó đặc biệt cần tổ chức lại ngành. Theo đó, cần phải giải quyết ngay các vấn đề lớn của ngành như thiếu tính liên kết, phát triển theo phong trào, chạy theo thị trường, sản phẩm chất lượng thấp, cạnh tranh không lành mạnh...

Với quy mô của ngành dăm như hiện nay, việc thành lập hiệp hội dăm của Việt Nam là điều cần thiết. Hiệp hội dăm có vai trò kết nối các doanh nghiệp, đảm bảo cân bằng lợi ích, giảm thiểu phát triển nóng và cạnh tranh không lành mạnh trong ngành. Hiệp hội cũng cần xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu, với chất lượng sản phẩm được đặt lên hàng đầu.

Kiểm soát chất lượng dăm xuất khẩu, nhằm duy trì thương hiệu là mục tiêu quan trọng của ngành, nhằm nâng cao hình ảnh, xác định vị thế của ngành trên trường quốc tế. Nhà nước có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ thành lập và xây dựng mục tiêu dài hạn của hiệp hội, đảm bảo các ưu tiên về chính sách được lồng ghép trong chiến lược phát triển của ngành.

Đề nghị chưa nâng thuế xuất khẩu gỗ dăm

Nhằm hạn chế xuất khẩu dăm gỗ, khuyến khích trồng rừng gỗ lớn, tạo nguyên liệu đầu vào cho ngành chế biến đồ gỗ, từ đó mang lại lợi ích cao hơn của cả hộ trồng rừng lẫn ngành đồ gỗ, kể từ 1/1/2016, Chính phủ đã áp dụng tăng thuế xuất khẩu dăm gỗ lên 2%.

Tuy nhiên, theo thông tin từ các doanh nhân ngành dăm, do ngành dăm Việt Nam vẫn đang ở vị thế yếu, phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc, nên không thể tăng giá sản phẩm XK khi chính phủ Việt Nam tăng thuế XK dăm.

Vì vậy, toàn bộ các chi phí phát sinh có liên quan tới thuế được đẩy xuống khâu đầu tiên của chuỗi. Bằng chứng là giá thu mua gỗ nguyên liệu năm 2016 giảm, và người trồng rừng phải gánh toàn bộ các chi phí phát sinh do thuế xuất khẩu dăm.

Trong năm nay, Chính phủ đã dự tính nâng thuế XK dăm lên 5%, với kỳ vọng sẽ giúp đẩy nhanh tốc độ dịch chuyển trong khâu sản xuất nguyên liệu, từ gỗ nhỏ cung cho ngành dăm sang gỗ lớn cung cho ngành chế biến gỗ, dịch chuyển trong sản xuất từ dăm sang đồ gỗ và dịch chuyển trong cơ cấu xuất khẩu thông qua việc giảm tỷ trọng xuất khẩu gỗ nguyên liệu, bao gồm dăm, sang các mặt hàng đồ gỗ có giá trị gia tăng cao hơn.

Thế nhưng, tại buổi làm việc gần đây giữa Bộ Tài chính với các Bộ NN-PTNT, Công Thương, Vifores và các doanh nghiệp XK dăm gỗ, đã có nhiều ý kiến đề nghị chưa nên nâng thuế XK gỗ dăm.

Cụ thể, theo ông Nguyễn Tôn Quyền, PCT Vifores, gỗ làm dăm chủ yếu sử dụng gỗ keo, cao su, bạch đàn… Trong đó, 50% lượng gỗ cung cấp cho dăm tới từ các hộ gia đình trồng rừng. Do đó, nếu tăng thuế xuất khẩu dăm gỗ lên 5%, chính những người trồng rừng là những người chịu thiệt thòi nhiều nhất.

Một số ý kiến khác cho rằng, dăm gỗ Việt Nam chưa làm chủ được cuộc chơi trên thị trường thế giới là do chủ yếu vẫn đang sử dụng giống cây lâm nghiệp chất lượng thấp để trồng, người dân vẫn có thói quen thu hoạch non gỗ rừng để làm dăm gỗ…, khiến cho dăm gỗ Việt Nam có chất lượng thấp.

Đồng tình với ý kiến của các doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho rằng, việc XK dăm gỗ không tác động tới việc dịch chuyển nguồn nguyên liệu gỗ cho chế biến gỗ, cũng như không thể hạn chế được người dân khai thác gỗ non. Do gỗ dân trồng từ nguồn giống có chất lượng kém và nhiều lý do trong thực tế phát sinh. Bởi vậy, việc tăng thuế từ 2% lên 5% không tác động tới hai mục tiêu đề ra là đảm bảo nguồn nguyên liệu cho chế biến gỗ và hạn chế XK sản phẩm thô do người dân khai thác rừng non. Vì thế, Bộ Tài chính sẽ có văn bản kiến nghị lên Chính phủ giữ nguyên mức thuế XK đối với mặt hàng này là 2%.

So với các quốc gia cung dăm khác như Úc, Nam Phi…, chuỗi cung dăm của Việt Nam có nhiều khác biệt. Điểm khác biệt lớn nhất là chuỗi cung của Việt Nam có sự tham gia của hàng trăm nghìn hộ gia đình tham gia trồng rừng, trong đó các hộ vùng cao, bao gồm nhiều hộ nghèo, hàng năm cung phần lớn nguồn nguyên liệu gỗ đầu vào cho chuỗi cung dăm này. Số lượng hộ gia đình tham gia chuỗi cung lớn thể hiện vai trò xã hội rất quan trọng của ngành. Bất cứ những thay đổi nào trong ngành, đặc biệt về thị trường đầu ra sản phẩm sẽ có tác động trực tiếp tới các hộ trồng rừng này.

(Nguồn: Báo cáo “Việt Nam xuất khẩu dăm gỗ: Thực trạng và thay đổi về chính sách”)

 

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.