| Hotline: 0983.970.780

Ngành gỗ Bình Định đặt mục tiêu xuất khẩu 1 tỷ USD

Chủ Nhật 01/01/2023 , 10:07 (GMT+7)

Năm mới đã hiển hiện nhiều khó khăn, nhưng ngành gỗ Bình Định vẫn đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 1 tỷ USD, cao hơn 2022 trên 50 triệu USD.

Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định, phát biểu tại lễ tổng kết. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định, phát biểu tại lễ tổng kết. Ảnh: V.Đ.T.

Một năm vượt khó đạt kết quả mỹ mãn

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định vừa tổ chức tổng kết hoạt động năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 với tinh thần đầy quyết tâm.

Theo ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, trong quý I/2022, hoạt động của ngành gỗ Bình Định vẫn còn hanh thông nhờ những đơn hàng đã ký từ năm 2021. Thế nhưng từ tháng 4/2022 đã xuất hiện tình trạng các đối tác chậm đặt hàng. Đến tháng 6-7/2022 đã có 1 số đơn hàng bị hoãn, hoặc hủy đơn hàng.

Thêm vào đó, tại thị trường EU và Hoa Kỳ lượng hàng tồn kho rất lớn. Xuất khẩu đồ gỗ “tắt” đường tiêu thụ, nên lượng hàng tồn kho của các doanh nghiệp ngành gỗ ở Bình Định cũng đầy nhóc. Một số nhà máy có công suất lớn phải hoạt động cầm chừng, hoặc phải tạm dừng sản xuất.

Khó khăn là vậy, nhưng trong năm 2022, ngành gỗ Bình Định vẫn giữ được mức tăng trưởng khá, kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt khoảng 947,75 triệu USD, tăng 7% so với năm 2021, chiếm khoảng 61% trong tổng giá trị xuất khẩu của tỉnh Bình Định.

Trong năm 2022, có 1 hiện tượng bất thường trong xuất khẩu của ngành gỗ Bình Định là trong kim ngạch xuất khẩu 947,75 triệu USD, riêng các măt hàng dăm gỗ và viên nén đã đạt đến hơn 308 triệu USD, tăng 45% so với năm 2021.

Tuy nhiên, theo ông Lê Minh Thiện, sự tăng trưởng bất thường này là không đáng mừng. Bởi, khi viên nén và dăm gỗ xuất khẩu mạnh thì độ tuổi khai thác gỗ rừng trồng trong nước bị đẩy xuống còn dưới 3 năm, người trổng rừng ào ạt khai thác rừng non để bán cho các nhà máy băm dăm và chế biến viên nén.

Đường kính gỗ khai thác dưới 7cm, dẫn đến chất lượng gỗ nguyên liệu bị giảm trầm trọng, gỗ có độ ẩm cao, lượng xenlulo trong gỗ thấp, gỗ không được thẳng, vừa cong vừa nhiều mắt, tỷ trọng gỗ sau khi sấy rất thấp.

Nhập chú thích ảnh

Viên nén, mặt hàng gỗ xuất khẩu mạnh trong năm 2022. Ảnh: V.Đ.T.

“Hiện nay, vùng quy hoạch rừng gỗ lớn trên địa bàn còn hạn chế, trong khi khai thác rừng trồng chưa được quản lý độ tuổi dẫn đến tình trạng khai thác gỗ non. Nếu tình trạng này kéo dài, chắc chắn sau này các doanh nghiệp ngành gỗ trên địa bàn sẽ mất đi nguồn gỗ nguyên liệu từ rừng trồng. Đến khi thị trường xuất khẩu đồ gỗ ổn định trở lại, chắc chắn các doanh nghiệp ngành gỗ lại phải đối mặt với thách thức về gỗ nguyên liệu dành cho chế biến sâu”, ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, chia sẻ.

Tạo điều kiện hết mức cho ngành gỗ

Bước sang năm 2023, trước vô vàn thách thức của thị trường thế giới, ngành gỗ Bình Định xác định khó khăn trước mắt. Đa số khách hàng của những thị trường tiêu thụ lớn như EU và Hoa Kỳ còn lượng hàng tồn kho rất nhiều, nhiều khách hàng phân bổ rủi ro bằng cách đặt mẫu mới cho nhiều dòng hàng, nhiều mã hàng tại nhiều nhà sản xuất khác nhau.

Trong khi đó, các thị trường nói trên vẫn đang chịu tác động lớn về làm phát kỷ lục, về chính sách thắt chặt tiền tệ nên người tiêu dùng phải tiêu pha dè sẻn trong chi tiêu với những mặt hàng không thiết yếu.

Đó là những khó khăn về thị trường tiêu thụ, biến động thị trường toàn cầu còn kéo đến cho doanh nghiệp ngành gỗ Bình Định nhiều khó khăn trong môi trường kinh doanh trong nước như: Lãi suất tăng cao, giá nguyên vật liệu đầu vào bấp bênh, hoạt động không suôn sẻ nên lao động ngành gỗ bất an.

Nhập chú thích ảnh

Ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, báo cáo hoạt động của ngành gỗ trong năm 2022. Ảnh: V.Đ.T.

Khó khăn bủa vây là vậy, nhưng trong năm 2023, ngành gỗ Bình Định vẫn đề ra mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 1 tỷ USD, cao hơn năm 2022 trên 50 triệu USD. Theo ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, để đạt được mục tiêu nói trên, trong năm 2023, ngành gỗ Bình Định cần tập trung vào chiến lược đa dạng hóa thị trường, khách hàng; cấu trúc lại hoạt động của ngành gỗ theo phương châm “tự lực, tiết kiệm”, tập trung vào các nhóm hàng có giá trị cao. Đặc biệt là pgair đổi mới, cải tiến công nghệ sản xuất để thu hút khách hàng, đơn hàng.

“Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định sẽ tham mưu, xây dựng chính sách phát triển ngành gỗ. Nghiên cứu, đánh giá tình hình thị trường nhằm chủ động đề xuất các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn dựa trên những thông tin phản ánh chính xác, kịp thời tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp ngành gỗ trên địa bàn; thông qua các kênh hợp tác với các Hiệp hội Gỗ và Lâm sản trong nước và các tổ chức ở nước ngoài. Khuyến khích hội viên đầu tư trồng rừng gỗ lớn, hình thành vùng nguyên liệu có chứng chỉ quản lý rừng bền vững; đầu tư phát triển nhà máy chế biến sâu sau dăm như: Ván dăm Okal, ván MDF, ván ghép thanh”, ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, chia sẻ.

Nhập chú thích ảnh

Ngành gỗ Bình Định đang tồn đọng lượng hàng rất lớn. Ảnh: V.Đ.T.

Phát biểu tại lễ tổng kết, ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định, ghi nhận những cái “vướng” mà các doanh nghiệp ngành gỗ trên địa bàn đang “mắc” phải, nhất là vấn đề lãi suất ngân hàng quá cao.

Về vấn đề lãi suất ngân hàng, vừa rồi Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã cùng Ngân hàng Nhà nước làm việc với các ngân hàng thương mại đóng trên địa bàn tìm cách tháo gỡ. Đối với phản ánh về việc do hàng tồn đầy kho, tiêu thụ chậm, khiến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp ngành gỗ bị đình trệ, dẫn tới sử dụng điện không đủ sản lượng điện như đã cam kết từng tháng theo hợp đồng, nên bị ngành điện phạt vì lỗi vi phạm hợp đồng, ông Nguyễn Tuấn Thanh cho hay UBND tỉnh sẽ làm việc với ngành điện để “tháo gỡ” chuyện phi lý này.

“Đầu năm 2023, UBND tỉnh sẽ làm việc với các doanh nghiệp trên địa bàn, trong đó có ngành gỗ. Hiện UBND tỉnh đã giao Sở Công Thương tập hợp hết những vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp trong tình hình hiện nay. Các doanh nghiệp ngành gỗ có khó khăn gì thì báo cáo ngay với UBND tỉnh bằng văn bản, chúng tôi đọc xong sẽ giao nhiệm vụ cho các Sở, ngành liên quan để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để các các doanh nghiệp yên tâm đầu tư, sản xuất”, ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Trồng rừng giảm phát thải, ứng phó biến đổi khí hậu

Kiên Giang Trong giai đoạn 1, J&T Express tổ chức trồng mới 15.000 cây tràm, giúp mở rộng thêm 1ha rừng tràm ngập phèn tại Vườn quốc gia U Minh Thượng – Kiên Giang.

Những công nghệ 'chia lửa' cho lực lượng giữ rừng

Rừng đầu nguồn đóng vai trò quan trọng trong phòng chống thiên tai. Việc ứng dụng công nghệ trong bảo vệ rừng đầu nguồn giúp nâng cao hiệu quả quản lý bảo vệ rừng.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.