| Hotline: 0983.970.780

Ngành gỗ Bình Định hồi phục mạnh mẽ

Thứ Sáu 05/11/2021 , 13:24 (GMT+7)

Sau khi Bình Định nới lỏng giãn cách, ngành chế biến gỗ xuất khẩu ở địa phương này như được cởi trói, lập tức khôi phục sản xuất để đáp ứng các đơn hàng.

Lập tổ phản ứng nhanh

Theo ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, trong 7 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ở Bình Định đạt giá trị 544 triệu USD, tăng 44% so với cùng kỳ năm trước.

Thế nhưng bước sang tháng 8/2021, do diễn biến dịch Covid-19 ngày càng phức tạp, nhiều địa phương ở Bình Định phải thực hiện Chỉ thị 16 để phòng, chống dịch Covid-19, ngành chế biến gỗ xuất khẩu ở tỉnh này lâm cảnh bế tắc vì thiếu lao động.

Trong thời gian này, tại Bình Định có 6 doanh nghiệp ngành gỗ phải dừng sản xuất, số doanh nghiệp còn lại chỉ hoạt động 50% công suất dù đã nhận rất nhiều đơn hàng.

Có thời điểm nhiều doanh nghiệp gỗ Bình Định phải ngừng sản xuất, hoặc sản xuất cầm chừng. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Có thời điểm nhiều doanh nghiệp gỗ Bình Định phải ngừng sản xuất, hoặc sản xuất cầm chừng. Ảnh:  Đình Thung.

Không chỉ khó về nhân công, ngành chế biến gỗ xuất khẩu ở Bình Định còn gánh khoản chi phí container và vận tải biển tăng đột biến so với những năm trước, ví như cước vận tải đến bờ Đông nước Mỹ tăng từ 18.000-20.000 USD/container.

Thực tế này dẫn đến tình trạng hàng thành phẩm bị lưu kho ngày càng nhiều. Thêm vào đó, cũng do ách tắc khâu vận tải nên nguồn nguyên liệu nhập khẩu cũng bị giảm trầm trọng, từ 200-300 tấn gỗ/ngày nay chỉ còn 30-40 tấn/ngày.

"Trong tháng 8 và tháng 9, ngoài những nhà máy nằm trong vùng thực hiện Chỉ thị 16 phải đóng cửa hoàn toàn, số doanh nghiệp chế biến gỗ còn lại ở Bình Định phải hoạt động cầm chừng theo mô hình “1 cung đường 2 điểm đến”, để vừa duy trì sản xuất vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Trong thời gian này Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định phải thành lập tổ phản ứng nhanh để dõi theo hoạt động của các doanh nghiệp thành viên. Khi nắm bắt có địa phương nào vừa dừng áp dụng Chỉ thị 16 chuyển sang Chỉ thị 15 là Hiệp hội lập tức gửi thông báo đến chính quyền địa phương yêu cầu tạo điều kiện cho người lao động ngành gỗ đi làm”, ông Lê Minh Thiện chia sẻ.

Tăng tốc sản xuất

Cũng theo ông Thiện, trong tháng 8 và tháng 9 vừa qua, dù phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động trầm trọng, nguyên phụ liệu tăng cao, nhưng hầu hết các doanh nghiệp hoạt động trong ngành gỗ ở Bình Định vẫn cố gắng vượt khó để duy trì sản xuất.

Nhiều doanh nghiệp chấp nhận “gánh” những khoản chi phí phát sinh, tổ chức cho công nhân bám trụ tại nhà máy sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ” để tránh lâm vào tình cảnh mất khách hàng, mất các thị trường chiến lược và mất khả năng tham gia các chuỗi cung ứng ngành gỗ.

Chia sẻ khó khăn với ngành chế biến gỗ xuất khẩu trên địa bàn, UBND tỉnh Bình Định đã ưu tiên tiêm vacxin Covid-19 cho lực lượng lao động tại các doanh nghiệp chế biến gỗ.

Thêm vào đó, Bình Định nới lỏng giãn cách nên ngành gỗ tỉnh này thoát được cảnh thiếu hụt lao động trầm trọng. Hiện nay, gần 100% công nhân ngành gỗ ở Bình Định đã được tiêm vacxin Covid-19 mũi 1, do đó hầu hết các doanh nghiệp ngành gỗ trên địa bàn đã khôi phục sản xuất.

Hiện tại, ngành gỗ ở Bình Định còn rất nhiều đơn hàng, sản xuất từ nay đến cuối năm không hết việc. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Hiện tại, ngành gỗ ở Bình Định còn rất nhiều đơn hàng, sản xuất từ nay đến cuối năm không hết việc. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Các doanh nghiệp hoạt động trong ngành gỗ ở Bình Định còn rất nhiều đơn hàng, sản xuất từ nay đến cuối năm không hết việc. Thế nên khi tỉnh nới lỏng giãn cách là 100% doanh nghiệp lập tức đẩy mạnh sản xuất. Nếu từ giờ đến cuối năm tất cả các doanh nghiệp hoạt động hết công suất, làm tốc lực thì đến cuối năm sẽ cơ bản giải quyết được 90-95% đơn hàng. Một điều khá yên tâm là nguyên vật liệu các doanh nghiệp đã chuẩn bị đầy đủ, giờ vấn đề lao động đã được giải quyết nên không lo bị đứt gãy sản xuất từ đây đến cuối năm”, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định Lê Minh Thiện, chia sẻ.

Theo UBND tỉnh Bình Định, hiện tỉnh này có 165 doanh nghiệp đã ký cam kết, xây dựng kế hoạch, phương án xử trí khi có các trường hợp mắc Covid-19 được các cơ quan liên quan xác nhận, phê duyệt và tự đánh giá nguy cơ, cập nhật hệ thống kcnvietnam.vn theo quy định; 153 doanh nghiệp hoạt động đạt 100% công suất tổ chức xét nghiệm, test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 với tổng số lượt xét nghiệm tầm soát 51.684 lượt người. Ban Quản lý Khu kinh tế Bình Định đã hướng dẫn tất cả các các doanh nghiệp thực hiện phương án sản xuất kinh doanh và lưu thông hàng hóa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn, hiện đã có 6 doanh nghiệp xây dựng phương án được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định đã phối hợp với Sở Y tế tổ chức tiêm vacxin Covid-19 với tổng số lượng người mà doanh nghiệp đăng ký là 20.495 chỉ tiêu. Hiện nay, hầu hết người lao động trong Khu kinh tế và các khu công nghiệp trên địa bàn đều đã được tiêm mũi 1 vacxin Covid-19 với 20.679/20.800 lao động, đạt 99,4%. Đây là điều kiện then chốt để Bình Định khôi phục hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn, trong đó có ngành chế biến gỗ xuất khẩu.

Trong khi thị trường châu Âu giữ mức ổn định thì trong thời gần đây thị trường Mỹ ăn mạnh đồ gỗ nội thất. Theo ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, nhờ thị trường Mỹ nhập khẩu mạnh đồ gỗ nội thất và các thị trường EU, Anh, Úc vẫn giữ mức tăng trưởng ổn định, nên trong 9 tháng đầu năm 2021, ngành gỗ Bình Định có được mức tăng trưởng ngoạn mục.

Trong 9 tháng đầu năm 2021, các doanh nghiệp chế biến đồ gỗ ở Bình Định xuất khẩu mạnh các mặt hàng tủ bếp, tủ nhà tắm, đồ gỗ ngoài trời; mặt hàng nhựa đan (hàng giả mây) và mặt hàng đồ gỗ bán qua kênh online. Hiện nay, tiêu thụ đồ nội thất và các sản phẩm gỗ trên thị trường toàn cầu tiếp tục tăng trưởng. Do đó, sau khi Bình Định nới lỏng giãn cách, các doanh nghiệp chế biến đồ gỗ xuất khẩu trên địa bàn hiện đang nỗ lực đẩy mạnh sản xuất, để đáp ứng những đơn hàng từ nay đến cuối năm.

Đồ gỗ hút khách hàng Mỹ

Do nằm trong vùng Chỉ thị 16, doanh nghiệp Nguyễn Hoàng phải dừng hoạt động nguyên tháng 8, từ tháng 9 đến nay doanh nghiệp này đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng đơn hàng.

Theo ông Trần Quang Diệu, đại diện doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu Nguyễn Hoàng nằm trên địa bàn phường Nhơn Hòa (thị xã An Nhơn, Bình Định), do nằm trong vùng phải thực hiện Chỉ thị 16 để phòng, chống dịch Covid-19, nguyên tháng 8 vừa qua doanh nghiệp này phải dừng hoạt động vì không có lao động.

“Doanh nghiệp có gần 200 lao động. Trong thời gian doanh nghiệp dừng hoạt động, những công nhân gắn bó lâu dài với nhà máy được doanh nghiệp hỗ trợ 70% lương dù đang nghỉ việc. Hiện 100% công nhân của doanh nghiệp đã được tiêm mũi 1 vacxin Covid-19 nên chúng tôi đang tăng tốc sản xuất. Đến nay, doanh nghiệp đã nhận đơn hàng làm đến tháng 5/2022 mới hết việc, nếu không tháo gỡ giãn cách kịp thời chúng tôi khó lòng đáp ứng được các đơn hàng”, ông Diệu chia sẻ.

Cũng theo ông Diệu, cũng như nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành chế biến gỗ xuất khẩu ở Bình Định, năm nay doanh nghiệp Nguyễn Hoàng nhận đơn hàng nhiều hơn so với những năm trước đây. Nguyên nhân được ông Diệu giải thích là vì trong thời gian vừa qua, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên hầu hết các doanh nghiệp ngành gỗ ở phía Nam đều dừng hoạt động, khách hàng nước ngoài đổ dồn về Bình Định để mua hàng.

“Các doanh nghiệp phía Nam hầu hết đều sản xuất đồ gỗ nội thất, ít doanh nghiệp sản xuất hàng ngoài trời nên khách hàng cần đồ gỗ ngoài trời đều tìm đến Bình Định. Năm ngoái chúng tôi phải bỏ rất nhiều đơn hàng khoảng mấy trăm container vì doanh nghiệp hết đất để mở rộng nhà máy sản xuất. 100% sản phẩm của chúng tôi được xuất khẩu sang thị trường Mỹ và châu Âu.

Trước đây, khách hàng ở Mỹ chủ yếu nhập khẩu đồ gỗ từ Trung Quốc, từ năm ngoái đến nay chuyển mạnh sang mua hàng của Việt Nam. Nhờ đó, trong 2 năm gần đây ngành chế biến gỗ xuất khẩu ở Bình Định khởi sắc”, ông Diệu cho hay.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.