| Hotline: 0983.970.780

Ngành gỗ tự tin xuất khẩu đạt 14-14,5 tỷ USD

Thứ Hai 01/11/2021 , 16:08 (GMT+7)

Trên tinh thần Nghị quyết 128 và chỉ đạo sát sao từ lãnh đạo Bộ NN-PTNT và Tổng cục Lâm nghiệp, ngành gỗ tin tưởng đạt và vượt kế hoạch xuất khẩu 14,5 tỷ USD.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến sáng 29/10. Ảnh: Bảo Thắng.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến sáng 29/10. Ảnh: Bảo Thắng.

Giữ vững mục tiêu

Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) vừa phối hợp các hiệp hội gỗ, lâm sản cùng một số tổ chức quốc tế, tổ chức hội nghị trực tuyến "Doanh nghiệp ngành gỗ chuẩn bị phục hồi trong bối cảnh bình thường mới", nhằm phục hồi sản xuất sau dịch Covid-19.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh gỗ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhất là tại khu vực phía Nam. Trong 3 tháng 8, 9, 10, kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam là 2,55 tỷ USD, giảm trên 30% so với cùng kỳ. 

Bất chấp khó khăn, ngành gỗ vẫn từng bước thích ứng với tình hình mới. Bắt đầu từ tháng 9, ngành có dấu hiệu phục hồi. Sau 10 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ đạt 12,8 tỷ USD, tăng 24% so với năm 2020.

"Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của các hiệp hội, doanh nghiệp, nhất là sự chủ động, giải quyết khó khăn trong thời gian giãn cách. Tôi hy vọng ngành sản xuất, chế biến và xuất khẩu gỗ sẽ có những giải pháp hay, thiết thực để khơi thông dòng chảy, đảm bảo các chuỗi giá trị ngành gỗ không bị đứt gãy", Thứ trưởng nói.

Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp, xuyên suốt các tháng đầu năm 2021, đặc biệt là trong quý III, nhiều giải pháp đồng bộ đã được Chính phủ, Bộ NN-PTNT đưa ra để hỗ trợ ngành gỗ. Bộ NN-PTNT luôn cam kết, sẽ đồng hành cùng các hiệp hội gỗ, lâm sản, nhằm nâng tầm giá trị, thương hiệu của ngành trên trường quốc tế, khu vực.

"Chúng ta cần tập trung vào các sáng kiến phục hồi sản xuất, cơ cấu lại hoạt động của doanh nghiệp ngành gỗ. Làm sao, để mọi thành viên trong đó đều nhận diện được cả thách thức lẫn cơ hội trong tình hình bình thường mới", Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.

Ý kiến của Thứ trưởng Lê Quốc Doanh được nhiều doanh nghiệp và hiệp hội ngành gỗ đồng tình. Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ & Lâm sản Việt Nam (Viforest) đánh giá, Chính phủ đã có chủ trương chuyển hình thái phòng chống dịch từ “Zero Covid” sang “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19". Đây là tiền đề để doanh nghiệp gỗ lấy lại đà tăng trưởng, nhằm đạt mục tiêu xuất khẩu 14,5 tỷ USD.

"Chúng tôi hy vọng, các bộ, ban, ngành sẽ đảm bảo thống nhất thực hiện theo quy định, hướng dẫn của Chính phủ, đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương trong kiểm soát tình hình dịch bệnh, tạo điều kiện khôi phục sản xuất kinh doanh", ông Lập nói. 

Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp Hội chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA) đề xuất ý kiến, cho doanh nghiệp được chủ động chống dịch và hậu kiểm. Hiện Bình Dương đạt tỷ lệ tiêm vacxin Covid-19 mũi 1 gần như 100%, mũi 2 gần đạt 70%. Do đó, ông Hiệp muốn doanh nghiệp được phép chịu trách nhiệm về nguồn lực lao động an toàn dịch bệnh, giúp khơi thông ách tắc.

Nhiều sáng kiến

Bác sĩ Võ Hải Sơn - Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đề xuất mô hình trạm y tế lưu động để giải quyết các vấn đề về "3 tại chỗ", cũng như đảm bảo việc kiểm tra sức khỏe cho công nhân thường xuyên trong tình hình bình thường mới.

Theo ông Sơn, mô hình này sẽ thuộc Trung tâm Y tế tuyến huyện, giúp triển khai các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại cộng đồng, đồng thời cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, sơ cứu, chuyển tuyến kịp thời. 

Dù còn nhiều khó khăn nhưng ngành gỗ tự tin đạt mục tiêu xuất khẩu 14,5 tỷ USD. Ảnh: Bảo Thắng.

Dù còn nhiều khó khăn nhưng ngành gỗ tự tin đạt mục tiêu xuất khẩu 14,5 tỷ USD. Ảnh: Bảo Thắng.

Trong quá trình triển khai mô hình trạm y tế lưu động tại Bình Dương, ngành y tế thu được nhiều kết quả. Cụ thể, đã triển khai được 169 trạm, có sự phối hợp chủ động giữa 3 bên là doanh nghiệp, trung tâm y tế huyện và phòng khám tư nhân. Bên cạnh việc hướng dẫn, tư vấn, theo dõi sức khỏe cho bộ phận công nhân được cách ly tại doanh nghiệp, trạm y tế lưu động còn giúp tổ chức phát thuốc, thăm khám định kỳ, và báo cáo cơ quan y tế, các cấp có thẩm quyền về tình hình Covid-19.

"Trên cơ sở Bình Dương đạt tỷ lệ tiêm vacxin phòng Covid-19 rất cao, chúng tôi đã tổ chức thành công mô hình trạm y tế lưu động, giúp nhanh chóng ổn định sản xuất cho doanh nghiệp địa phương", ông Sơn đánh giá.

Có nhiều ưu điểm, song bác sĩ Sơn cũng thừa nhận, rằng mô hình này chưa phù hợp với nhóm doanh nghiệp ngoài các khu công nghiệp, khu chế xuất. Ngoài ra, chi phí và quá trình tổ chức cũng là rào cản với nhóm các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch BIFA nói thêm, rằng hiện đa số doanh nghiệp phục hồi sản xuất theo hướng "3 xanh" (nhà máy xanh, nhà trọ xanh, người lao động xanh). Trong đó, việc trang bị phòng khử khuẩn tại doanh nghiệp, giúp người lao động đảm bảo tiệt trùng trước khi vào dây chuyền là hết sức cần thiết.

Ông Lê Xuân Quân, Chủ tịch Hiệp hội gỗ Đồng Nai thông tin, rằng trong quá trình tái sản xuất, tại một số doanh nghiệp, các ca F0 vẫn xuất hiện. "Do được tiêm vacxin với tỷ lệ lớn, nên khi quay lại sản xuất trong điều kiện dịch bệnh, số ca bệnh ít và không lây lan trên diện rộng", ông Quân bày tỏ.

Ghi nhận các ý kiến đóng góp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Bùi Chính Nghĩa cho rằng sự chủ động trong nhóm doanh nghiệp chế biến gỗ đã giúp ngành lâm nghiệp chuyển biến tích cực trong tháng 10. "Với cam kết mạnh mẽ từ các hiệp hội, tôi tin chắc mục tiêu 14,5 tỷ USD sẽ đạt được", ông nói. 

Ông Nghĩa cũng đề nghị khối doanh nghiệp chủ động hơn nữa trong việc tận dụng các cơ chế, chính sách từ nhà nước, trong đó có Nghị quyết số 128/NQ-CP vừa được Chính phủ ban hành ngày 11/10. Không chỉ hoàn thành mục tiêu năm 2021, ông Nghĩa hy vọng, cú hích sau đại dịch sẽ còn tạo tiền đề tăng trưởng cho ngành chế biến gỗ trong năm 2022.

Đến nay, dịch Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát ở các tỉnh, thành phố. Nhiều địa phương từng bước mở cửa, và cho phép mở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong trạng thái bình thường mới. Đó là tiền đề để ngành gỗ tận dụng các thời cơ.

"Hiện Bộ NN-PTNT đã có chính sách hỗ trợ địa phương phát triển vùng nguyên liệu, đặc biệt là đã tạo được hơn 200.000 ha rừng gỗ lớn, đáp ứng được cho cả chế biến sản xuất đồ gỗ nội thất có giá trị kinh tế cao, xuất khẩu sang các thị trường lớn. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng đề án phát triển công nghiệp chế biến gỗ, và sẽ trình Thủ tướng trong quý IV/2021", ông Nghĩa chia sẻ.

  • Tags:
Xem thêm
1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Trung Quốc tiêu thụ 4 tỷ quả dừa mỗi năm và cơ hội cho dừa Việt

BẾN TRE Đại diện Vina T&T Group chia sẻ những thuận lợi, thách thức ngành hàng dừa Việt Nam đối mặt khi chinh phục thị trường tỷ dân Trung Quốc.

Tháp đôi Prime Thái Nguyên mừng tân gia, chào đón giáng sinh và năm mới 2025

Năm 2025 sắp gõ cửa, mang theo những hy vọng và ước mơ mới. Năm 2024, Tháp đôi Prime vui mừng chào đón những cư dân đầu tiên về sinh sống tại toà nhà.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.