Ngày 29/10, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) phối hợp các hiệp hội gỗ, lâm sản cùng một số tổ chức quốc tế, tổ chức Hội nghị trực tuyến "Doanh nghiệp ngành gỗ chuẩn bị phục hồi trong bối cảnh bình thường mới".
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh gỗ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhất là tại khu vực phía Nam. Trong 3 tháng 8, 9, 10, kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam là 2,55 tỷ USD, giảm trên 30% so với cùng kỳ.
Bất chấp khó khăn, ngành gỗ vẫn từng bước thích ứng với tình hình mới. Bắt đầu từ tháng 9, ngành có dấu hiệu phục hồi. Sau 10 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ đạt 12,8 tỷ USD, tăng 24% so với năm 2020.
"Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của các hiệp hội, doanh nghiệp, nhất là sự chủ động, giải quyết khó khăn trong thời gian giãn cách. Qua hội nghị hôm nay, tôi hy vọng ngành sản xuất, chế biến và xuất khẩu gỗ sẽ có những giải pháp hay, thiết thực để khơi thông dòng chảy, đảm bảo các chuỗi giá trị ngành gỗ không bị đứt gãy", Thứ trưởng nói.
Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp, xuyên suốt các tháng đầu năm 2021, đặc biệt là trong Quý III, nhiều giải pháp đồng bộ đã được Chính phủ, Bộ NN-PTNT đưa ra để hỗ trợ ngành gỗ. Bộ NN-PTNT luôn cam kết, sẽ đồng hành cùng các hiệp hội gỗ, lâm sản, nhằm nâng tầm giá trị, thương hiệu của ngành trên trường quốc tế, khu vực.
"Chúng ta cần tập trung vào các sáng kiến phục hồi sản xuất, cơ cấu lại hoạt động của doanh nghiệp ngành gỗ. Làm sao, để mọi thành viên trong đó đều nhận diện được cả thách thức lẫn cơ hội trong tình hình bình thường mới", Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Bùi Chính Nghĩa cho biết, Chính phủ, Bộ NN-PTNT cũng như nhiều cơ quan ban, ngành liên quan đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Lãnh đạo ngành lâm nghiệp cho rằng, Nghị quyết 128 sẽ tạo đà, giúp doanh nghiệp thích ứng với tình hình bình thường mới, khi giao nhiều quyền chủ động cho khối này.
"Qua khảo sát của Tổng cục Lâm nghiệp, giá nguyên liệu gỗ trong nước không biến động nhiều. Phần tăng chủ yếu đến từ nguồn gỗ nhập khẩu. Đây là cơ sở để ngành gỗ phân tích, tìm hiểu thị trường, trước khi đưa ra các kế hoạch phục hồi sản xuất", ông Nghĩa cho biết.
Khảo sát của Hiệp hội Gỗ & Lâm sản Việt Nam cho thấy, hơn một nửa số doanh nghiệp tại các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, và TP. HCM phải ngừng hoạt động trong vài tháng qua. Các doanh nghiệp còn lại hầu hết cắt giảm công suất. Số duy trì hoạt động chỉ được khoảng 60-70% lượng công nhân làm việc.
Bên cạnh đó, các hoạt động lưu thông, vận chuyển, lưu giữ hàng hóa cũng gặp rất nhiều khó khăn, dẫn đến giá trị sản xuất, xuất khẩu đã có sự sụt giảm đáng kể. Do các quy định giãn cách xã hội, doanh nghiệp mất nhiều chi phí cho việc "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường 2 điểm đến".
Đến nay, dịch Covid-19 đã cơ bản dần được kiểm soát ở các tỉnh, thành phố. Nhiều địa phương từng bước mở cửa, và cho phép mở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong trạng thái bình thường mới.
Đó là cơ sở để tất cả các thành viên tham dự Hội nghị trực tuyến "Doanh nghiệp ngành gỗ chuẩn bị phục hồi trong bối cảnh bình thường mới" tin tưởng vào khả năng đạt mục tiêu 15 tỷ USD xuất khẩu của ngành lâm nghiệp trong năm 2021.