| Hotline: 0983.970.780

Ngành gỗ đối mặt nguy cơ 'đói' nguyên liệu vì dịch Covid 19

Thứ Ba 03/03/2020 , 09:37 (GMT+7)

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) đánh giá: Dịch viêm phổi cấp Covid 19 sẽ có những tác động tiêu cực tới ngành gỗ của Việt Nam trong năm 2020.

Ngành gỗ Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều thách thức về nguyên liệu do ảnh hưởng của dịch Covid 19. Ảnh: Lê Bền.

Ngành gỗ Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều thách thức về nguyên liệu do ảnh hưởng của dịch Covid 19. Ảnh: Lê Bền.

VIFOREST dự báo năm 2020, thị trường gỗ thế giới sẽ có nhiều biến động, nhất là ảnh hưởng của dịch viêm phổi cấp (COVID-19). Năm 2020 dự kiến cũng là năm Hiệp định EVFTA bắt đầu có hiệu lực. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn tiếp tục kéo dài. Tất cả các yếu tố này đang và sẽ tiếp tục có những tác động lớn đối với ngành gỗ Việt Nam - một ngành có độ mở rất lớn như hiện nay.

Lo ngại dịch kéo dài

Bức tranh thương mại gỗ giữa Việt Nam và Trung Quốc chủ yếu hình thành do nhóm các mặt hàng gỗ nguyên liệu. Dịch viêm phổi cấp (Covid 19) bắt đầu bùng phát vào tháng 12 năm 2019 đang và sẽ tiếp tục tác động tiêu cực đến mối quan hệ thương mại giữa hai quốc gia và các luồng cung xuất khẩu khác của Việt Nam đi các nước.

Hiện chưa có thông tin về quy mô của tác động và cũng chưa có thông tin về đỉnh điểm và thời gian kết thúc dịch Covid 19.

Dăm gỗ là mặt hàng quan trọng nhất được xuất từ Việt Nam sang Trung Quốc, với kim ngạch năm 2019 đạt 972,2 triệu USD, chiếm 79,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của tất cả các mặt hàng gỗ Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc. Dịch viêm phổi cấp làm cho các công ty sản xuất giấy, bột giấy tại Trung Quốc phải ngừng hoạt động, hoặc hoạt động cầm chừng.

Điều này đang và sẽ tiếp tục gây ra tình trạng chậm trễ trong việc xuất khẩu dăm của Việt Nam sang thị trường này.

Bên cạnh đó, Chính phủ Trung Quốc cũng đã quyết định dừng dỡ hàng ở một số cảng và tăng cường biện pháp kiểm tra nghiêm ngặt đối với các phương tiện vận chuyển, bốc dỡ hàng, bao gồm hàng vận chuyển bằng tàu biển và điều này cũng gây ra khó khăn trong xuất khẩu dăm gỗ từ Việt Nam.

Các loại ván là nhóm mặt hàng quan trọng nhất được nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam, với giá trị nhập khẩu năm 2019 đạt 395,5 triệu USD, chiếm 60% trong tổng kim ngạch tất cả các mặt hàng gỗ từ Trung Quốc nhập vào Việt Nam.

Tuy nhiên, dịch viêm phổi cấp đã làm cho luồng cung này hiện đang bị dừng lại. Lượng hàng đã nhập trước đó có thể giúp các doanh nghiệp Việt Nam đủ nguyên liệu từ nguồn này trong vòng 1-2 tháng nữa. Hết giai đoạn này, nếu dịch Covid 19 chưa dừng lại, các doanh nghiệp nhập khẩu từ Việt Nam sẽ cần tìm kiếm nguồn hàng thay thế hoặc phải đình trệ sản xuất.

Trung Quốc cũng là nguồn cung phụ kiện quan trọng cho ngành gỗ của Việt Nam. Các doanh nghiệp tại Việt Nam phụ thuộc nhiều vào các mặt hàng như dây đai, phụ kiện, thanh trượt, bản lề, sơn, hóa chất và một số mặt hàng kim loại khác từ Trung Quốc.

Dịch Covid cũng làm cho các nguồn cung này bị chững lại. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp tại Việt Nam cần tìm kiếm nguồn cung thay thế, đặc biệt khi nguồn phụ kiện được nhập khẩu từ trước chỉ còn khoảng 2-3 tháng. 

Bên cạnh những thách thức do dịch Covid 19, năm 2020, xung đột thương mại Mỹ - Trung tiếp tục mang lại cơ hội mở rộng xuất khẩu cho ngành gỗ, chủ yếu tại thị trường Mỹ. Hoa Kỳ đã trở thành thị trường khổng lồ của ngành gỗ Việt Nam.

Năm 2019, giá trị kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ từ Việt Nam vào thị trường này lên tới 50% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành.

Đồ nội thất là mặt hàng có giá trị cao, chiếm phần lớn trong kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ nước ta. Đồ họa: Lê Bền.

Đồ nội thất là mặt hàng có giá trị cao, chiếm phần lớn trong kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ nước ta. Đồ họa: Lê Bền.

Xung đột thương mại Mỹ - Trung đã tạo ra những cơ hội rất lớn cho các mặt hàng gỗ từ Việt Nam để thay thế cho các mặt hàng tương tự từ Trung Quốc khi xuất khẩu vào Mỹ, đặc biệt ở các nhóm mặt hàng ghế ngồi và các sản phẩm khác.

Đối với Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) đã chính thức được phê chuẩn. Thực thi Hiệp định trong tương lai có thể góp phần mở rộng thị phần cho các mặt hàng gỗ từ Việt Nam tại thị trường Châu Âu.

Tuy nhiên, với hầu hết các mặt hàng gỗ xuất khẩu vào EU hiện đang có mức thuế rất thấp (từ 6% trở xuống), và thực thi chính thức Hiệp định sẽ chỉ bắt đầu sau khi Quốc hội hai bên phê chuẩn, trong năm 2020 sẽ khó có thể có những bước đột phá trong việc mở rộng thị phần cho các mặt hàng gỗ của Việt Nam tại EU.

Nhìn lại những bứt phá năm 2019

Năm 2019 tiếp tục được đánh dấu là một năm thành công của ngành gỗ nhìn trên phương diện xuất nhập khẩu và cơ chế chính sách.

Kim ngạch xuất khẩu của ngành tăng kỷ lục, đạt con số trên 10,3 tỷ USD, tăng 22% so với năm 2018. Kim ngạch xuất khẩu mở rộng chủ yếu ở các thị trường lớn, truyền thống như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và EU, nhất là thị trường Mỹ.

Nguồn gỗ nguyên liệu của Việt Nam ngày càng đảm bảo tính pháp lý rõ ràng. Ảnh: Lê Bền.

Nguồn gỗ nguyên liệu của Việt Nam ngày càng đảm bảo tính pháp lý rõ ràng. Ảnh: Lê Bền.

Mặc dù tốc độ tăng trưởng chậm hơn xuất khẩu, các hoạt động nhập khẩu (tập trung vào nhập khẩu gỗ nguyên liệu đầu vào) cũng diễn ra sôi động.

Cụ thể năm 2019, ngành gỗ đã bỏ ra gần 2,55 tỷ USD để nhập khẩu các mặt hàng gỗ vào Việt Nam, chủ yếu là gỗ nguyên liệu, tăng 9% so với năm 2018. Các mặt hàng nhập chủ yếu là gỗ tròn, xẻ và các loại ván với kim ngạch nhập khẩu của 3 nhóm mặt hàng này đạt trên 2,2 tỷ USD, chiếm gần 88% trong tổng kim ngạch nhập khẩu. Nhập khẩu gỗ xẻ và đặc biệt là các loại ván tăng nhanh, trong khi nhập khẩu gỗ tròn giảm.

Trung Quốc, Châu Phi, Mỹ và EU là các nguồn cung gỗ nguyên liệu lớn nhất cho Việt Nam. Năm 2019, kim ngạch nhập từ 4 nguồn này đạt trên 1,7 tỷ USD, chiếm 69,3% trong tổng kim ngạch nhập khẩu từ tất cả các nguồn trong cả năm. Kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc, Mỹ và EU tăng trong khi kim ngạch nhập từ các nước Châu Phi giảm.

Năm 2019, Việt Nam nhập khẩu 2,3 triệu m3 gỗ tròn, tăng 2% so với lượng nhập loại gỗ này năm 2018. Các quốc gia cung nhiều gỗ tròn nhất cho Việt Nam bao gồm Cameroon, Bỉ, Mỹ, Papua New Guine, Nigeria và Hà Lan. Nguồn cung gỗ từ các nước nhiệt đới vốn được coi là có tính rủi ro cao về pháp lý đang giảm mạnh, trong khi lượng cung từ các nguồn có tính pháp lý rõ ràng như từ Mỹ, Bỉ, Đức tăng cao.

Bên cạnh đó năm 2019, ngành gỗ Việt Nam cũng nhập khẩu trên 2,5 triệu m3 gỗ xẻ phục vụ sản xuất, tăng 7% so với năm 2018. Các nguồn cung gỗ xẻ lớn nhất về lượng bao gồm Hoa Kỳ, Chile, Brazil, Cameroon, New Zealand.

So với năm 2018, lượng cung gỗ xẻ từ New Zealand không thay đổi nhiều, lượng cung từ Campuchia giảm mạnh và lượng cung từ Hoa Kỳ, Chile, Brazil and Cameroon tăng nhanh.

Đột phá đầu tư vào ngành gỗ

Năm 2020, ngành gỗ Việt Nam đã đón nhận dòng đầu tư mạnh mẽ về vốn đầu tư nước ngoài, với các dự án đăng ký mới tăng cao, đi kèm với các dự án mở rộng và chuyển nhượng vốn. Số doanh nghiệp tham gia vào khâu xuất khẩu rất lớn và có xu hướng tăng nhanh.

Số lượng doanh nghiệp trong nước trong ngành gỗ ngày càng áp đảo so với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Đồ họa: Lê Bền

Số lượng doanh nghiệp trong nước trong ngành gỗ ngày càng áp đảo so với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Đồ họa: Lê Bền

Cụ thể đến cuối năm 2019, cả nước đã có gần 4.500 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, trong đó có trên 3.800 doanh nghiệp nội địa (chiếm 85% tổng số doanh nghiệp), tăng 40% so với năm 2018.

Đặc biệt trong giai đoạn 2018-2019, tốc độ tăng trưởng về số lượng doanh nội địa tham gia vào khâu xuất khẩu tăng 43%; số doanh nghiệp FDI tham gia vào khâu này tăng 26%.

Với số lượng doanh nghiệp nội địa hùng hậu tham gia vào ngành gỗ, năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của nhóm doanh nghiệp nội địa đạt trên 5,37 tỷ USD, chiếm 52% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả ngành (trong khi lượng doanh nghiệp FDI tham gia xuất khẩu chỉ chiếm 15% trong tổng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu).

Số doanh nghiệp nội địa tăng nhanh và ngày càng chiếm cơ cấu lớn trong kim ngạch xuất khẩu chính là tín hiệu lạc quan, cho thấy ngành gỗ Việt Nam ngày càng lớn mạnh, bền vững và đóng góp giá trị thặng dư cho kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Năm 2019, Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc và EU tiếp tục là 5 thị trường quan trọng nhất của Việt Nam, với kim ngạch từ 5 thị trường này đạt trên 9,3 tỷ USD, chiếm 90% trong tổng kim ngạch xuất khẩu.

Bên cạnh thị trường Mỹ, ba thị trường còn lại là Nhật, Trung Quốc và EU cũng đều có tốc độ tăng trưởng cao về kim ngạch xuất khẩu, khoảng 10-17% so với 2018.

Các mặt hàng có giá trị kim ngạch xuất khẩu cao nhất bao gồm đồ nội thất, dăm gỗ và các loại ván. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của 3 nhóm mặt hàng này lần lượt đạt 6,8 tỷ, gần 1,7 tỷ và 848,2 triệu USD, tương ứng với các mức tăng trưởng là 27%, 26 và 7% so với 2018.

Xem thêm
1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Cargill tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu ngành chăn nuôi Việt Nam

Gần 30 năm gắn bó với Việt Nam, Cargill luôn khẳng định vị thế dẫn đầu về dinh dưỡng và sức khỏe vật nuôi...

Hà Nội công bố bảng giá đất mới, cao nhất gần 700 triệu đồng/m2

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký Quyết định 71 sửa đổi, bổ sung Quyết định 30 về quy định và bảng giá đất trên địa bàn thành phố.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.