Trung Quốc là thị trường xuất khẩu gỗ lớn nhất thế giới lại đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Điều này có tác động gì như thế nào đối với việc xuất khẩu gỗ của Việt Nam, thưa ông?
Vấn đề dịch Covid -19 ở Trung Quốc không chỉ riêng ngành gỗ mà nhiều ngành khác cũng bị ảnh hưởng vì thị trường này đang chiếm tỉ trọng tương đối lớn (khoảng 20%) về thương mại hóa toàn cầu.
Hiện tại có rất nhiều vấn đề trong ngành gỗ đang bị ảnh hưởng, đặc biệt là các nguyên phụ liệu đang nhập từ Trung Quốc lên đến 80%, gồm: sơn, vật tư, giấy nhám, ốc vít, ván và tất cả thiết bị máy móc công nghệ,… tất cả đều đang bị đình trệ. Mức độ bị ảnh hưởng đến đâu thì chưa thể đánh giá chính xác được!
Trước tình hình này, các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ Việt Nam đã có những giải pháp tháo gỡ khó khăn như thế nào?
Hiện tại, Bộ NN-PTNT cùng các Hiệp hội có họp bàn về vấn đề này và theo chỉ thị của Thủ tướng thì phải tạo mọi điều kiện để giao thương hàng hóa trên cơ sở bảo đảm an toàn về phòng chống dịch.
Đồng thời, tìm các giải pháp thay đổi về cách thức giao dịch mua bán để làm sao hàng hóa không bị ảnh hưởng, đình trệ.
Về phía Chính phủ cũng đã có chỉ đạo cho các cửa khẩu chính ngạch vẫn duy trì giao thương hàng hóa và bảo đảm an toàn; các doanh nghiệp cũng đang tìm mọi giải pháp tốt nhất để khắc phục và giảm thiểu mức độ ảnh hưởng trong mùa dịch bệnh.
Như vậy, các giải pháp điều chỉnh về giao thương trong mùa dịch có tạo thêm những cơ hội nào cho các thị trường và để bạn hàng tìm đến ta nhiều hơn không thưa ông?
Thực tế, thị trường thế giới và những nhà mua hàng gỗ quốc tế đều kỳ vọng ở Việt Nam và họ luôn mong muốn làm sao mua được nhiều mặt hàng của ta. Đây cũng có thể do chính sách ngoại thương, đặc biệt khi có dịch xảy ra thì áp lực đơn hàng và số lượng giao hàng ngày càng tăng.
Theo báo cáo của doanh nghiệp hội viên của các Hiệp hội, nhất là với những thị trường quốc tế lớn vẫn đang đẩy cao tốc độ mua hàng và thúc ép về sản lượng.
Chúng tôi cảm nhận được rằng, tuy đây không phải là cơ hội nhưng chúng ta đang tranh thủ để biến cái bất lợi nhằm tạo ra cái thuận lợi cho mình bằng thực tế nguồn cung đang dần nâng lên…
Hiện nay, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 5 thế giới về xuất khẩu gỗ cũng như các sản phẩm từ gỗ. Theo ông có những điểm mạnh, hay ưu điểm nào của ngành gỗ Việt Nam để có thể chinh phục được thị trường thế giới trong bối cảnh khó khăn này?
Việt Nam đang có một sức hút lớn về nhu cầu các sản phẩm đồ gỗ của thế giới, đây chính là một trong những cơ hội cho Việt Nam.
Tại sao lại có sức hút, theo tôi vì xuất phát từ những thuận lợi, thứ nhất về mặt chiến lược quốc gia: Chính phủ cũng như các cơ quan ban ngành, địa phương, các Hiệp hội và doanh nghiệp đều xây dựng một tinh thần khát vọng về một ngành gỗ phát triển bền vững và chiếm một thị phần lớn của quốc tế. Xuất phát từ chúng ta có một nền tảng về lực lượng lao động rất dồi dào và giá nhân công ở mức thấp.
Thứ hai là chúng ta đã có một hạ tầng về nhà máy, công xưởng, các khu công nghiệp tạo ra được sản lượng, khối lượng đáp ứng cho nhu cầu của thế giới.
Đặc biệt các doanh nghiệp FDI trên thế giới đang chuyển dịch đầu tư về Việt Nam, chính vì thế là điều kiện thuận lợi cho ngành gỗ của ta phát triển.
Hơn nữa, chúng ta đang có một chiến lược phát triển về nguyên liệu, đặc biệt là phát triển rừng sẽ rất thuận lợi để đảm bảo vững chắc vùng nguyên liệu; đồng thời chúng ta đang đáp ứng được đến 80% nguồn nguyên liệu trong nước, tạo ra giá trị gia tăng tại chỗ cho xuất khẩu.
Ngành gỗ Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu 20 tỉ USD vào năm 2025, vươn từ vị trí thứ 5 lên vị trí cao hơn. Theo ông, tham vọng này có thả thi không và các doanh nghiệp Việt Nam phải có sự bứt phá như thế nào?
Với sự tăng trưởng của ngành gỗ Việt Nam trong thời gian gần đây, nhất là trong 2 năm qua (tăng từ 18% đến 22% so với những năm trước), tôi tin rằng, ngành gỗ có cơ sở vững chắc để vươn tới mục tiêu này.
Tuy nhiên, để đạt được điều đó phải có nhiều giải pháp thực hiện: Thứ nhất, cần phải mở rộng quy mô sản xuất, đây là một trong những điều kiện để có khả năng cung ứng nguồn hàng lớn cho thế giới.
Hiện tại các địa phương, các hiệp hội và Chính phủ đang tiến hành thành lập các khu công nghiệp chuyên biệt về chế biến gỗ, đây là những điểm sáng rất tốt;
Thứ hai, ta đang phát triển rừng bền vững, chuỗi sản xuất lâm nghiệp, đây là nền tảng đảm bảo cho ngành gỗ phát triển vững chắc. Nhà nước cũng đã có rất nhiều chính sách cho ngành gỗ, như hỗ trợ cho các hộ trồng rừng, dành quỹ đất, xúc tiến thương mại cho ngành gỗ nhằm hướng đến mục tiêu lớn.
Các doanh nghiệp hiện đang đổi mới về công nghệ nhằm nâng cao số lượng và đảm bảo chất lượng cũng như tạo ra giá trị gia tăng ở tất cả các khâu (từ thiết kế đến quá trình sản xuất) và các điều kiện khác để phát triển gỗ bền vững.
Là người đứng đầu Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, vậy theo ông Hiệp hội có vai trò như thế nào trong việc giúp các doanh nghiệp kết nối với thị trường thế giới cũng như tham gia vào chuỗi liên kết giữa các doanh nghiệp và các hiệp hội với nhau?
Thực tế, trong Hiệp hội có cả những nhà cung ứng về nguyên liệu, vật liệu phụ, có cả những nhà mua hàng và những nhà sản xuất nên rất thuận lợi cho các hội viên liên kết trao đổi về kinh doanh, sản xuất, năng lực quản trị, quản lý cũng như về kỹ thuật, thị trường…
Do vậy, Hiệp hội đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển ngành gỗ, là đầu mối tạo ra các chuỗi liên kết nhằm giảm thiểu các rủi ro cho các doanh nghiệp hội viên. Đồng thời, Hiệp hội cũng nêu cao vai trò đóng góp cho Chính phủ về chính sách, đề xuất các giải pháp về phát triển ngành gỗ Việt Nam...
Xin cảm ơn ông!