| Hotline: 0983.970.780

Ngành gỗ trước nguy cơ đứt gãy toàn chuỗi do Covid -19

Thứ Ba 14/04/2020 , 08:42 (GMT+7)

Hoạt động tiêu thụ, xuất khẩu ở hàng loạt các thị trường bị đình trệ, đang kéo theo nguy cơ đứt gãy trên toàn chuỗi của ngành gỗ do tác động của dịch Covid-19.

Trao đổi với NNVN, Thứ trưởng Thường trực Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn lo ngại, dịch Covid -19 đã và đang có những tác động tiêu cực trên phạm vi rộng đối với ngành gỗ, đặc biệt lá hoạt động xuất khẩu. Điều này đã và đang khiến ngành gỗ đứng trước nguy cơ bị đứt gãy trên toàn chuỗi.

Thưa Thứ trưởng, ngành gỗ được xem là chịu tác động chậm hơn so với các ngành hàng khác của ngành nông nghiệp. Vậy đến nay, dịch Covid -19 đã tác động, gây những khó khăn nào?

Thứ trưởng Thường trực Bộ NN-PTNT cho biết dịch Covid-19 đang tác động tiêu cực trên toàn bộ chuỗi trong ngành gỗ. Ảnh: Văn Giang.

Thứ trưởng Thường trực Bộ NN-PTNT cho biết dịch Covid-19 đang tác động tiêu cực trên toàn bộ chuỗi trong ngành gỗ. Ảnh: Văn Giang.

Đến tháng 4/2020, khoảng 80% các đơn hàng xuất khẩu đã bị tạm dừng xuất khẩu và chưa tìm được đơn hàng mới.

Các thị trường xuất khẩu lớn, trong đó lớn nhất là Hoa Kỳ trong qúy I/2020 chiếm đến 51%; EU chiếm khoảng gần 9% kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ đến nay đã gần như đóng băng. Các thị trường khác như Nhật Bản (chiếm khoảng 12%), Hàn Quốc (khoảng 7-8%) thời gian qua cũng chỉ còn lác đác một số lô hàng đồ gỗ xuất khẩu được.

Với thị trường Trung Quốc (chiếm khoảng 10% kim ngạch xuất khẩu), trong đó khoảng 90% là sản phẩm dăm gỗ những tháng đầu năm 2020 cũng đã ảnh hưởng nghiêm trọng do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Thời gian qua, mặc dù hoạt động xuất khẩu đã được bước đầu khôi phục trở lại, tuy nhiên có thể phải cần thêm thời gian khá dài nữa mới có thể trở lại bình thường như trước khi xẩy ra dịch Covid-19. Đặc biệt rất đáng tiếc là những ngày gần đây, diễn biến dịch Covid-19 tại Trung Quốc đã lại có những tác động mạnh trở lại đối với hoạt động xuất khẩu, và tình hình diễn biến sẽ còn rất khó lường.

Đối với hoạt động xuất khẩu, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đang có nguy cơ tạo ra sự đứt gãy đối với nhiều bạn hàng quốc tế. Nếu không duy trì được các bạn hàng quốc tế, việc khôi phục lại sản xuất khi dịch Covid -19 được khống chế sẽ càng khó khăn hơn.

Với thị trường trong nước, hiện sản phẩm chính là sản phẩm đồ gỗ của các làng nghề truyền thống đang có khoảng 70-80% là không tiêu thụ được, phải tạm dừng hoạt động sản xuất. Bên cạnh đó, dòng sản phẩm gỗ chế biến phục vụ cho các công trình lớn như khách sạn, công trình công sở... ước tính doanh thu trong vòng một tháng gần đây đã giảm tới 90% so với cùng kỳ năm trước.

Ngành gỗ nước ta phải phụ thuộc khá lớn vào việc nhập khẩu gỗ nguyên liệu, nguyên phụ liệu. Vậy hoạt động của doanh nghiệp trong ngành gỗ hiện đã có những tác động nào do dịch Covid -19, thưa ông?

Hàng năm, chúng ta nhập khẩu nguyên liệu gỗ phục vụ cho chế biến trong nước khoảng 10 triệu m3 (truy tròn), trong đó gỗ tròn và gỗ xẻ khoảng 4,5 triệu m3. Trong quý I/2020, nguyên liệu gỗ nhập khẩu, đặc biệt là các phụ liệu, phụ kiện phục vụ cho ngành gỗ chế biến gỗ trong nước cũng giảm tới 70-80% so với cùng kỳ hàng năm.

Các doanh nghiệp chế biến gỗ đã phải cho từ 45-80% lực lượng lao động tạm dừng làm việc hoặc giãn thời gian làm việc do dịch Covid 19. Ảnh: Lê Bền.

Các doanh nghiệp chế biến gỗ đã phải cho từ 45-80% lực lượng lao động tạm dừng làm việc hoặc giãn thời gian làm việc do dịch Covid 19. Ảnh: Lê Bền.

Hiện tại, các doanh nghiệp vẫn đang phải cầm cự hoạt động sản xuất dựa trên nguồn nguyên liệu, phụ liệu dự trữ từ thời gian trước để lại. Bên cạnh đó thời gian gần đây, với việc tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc có chiều hướng được khống chế, một số đơn hàng phụ liệu, phụ kiện cũng đã được nhập khẩu về. Tuy nhiên, cũng rất lo ngại tình hình sẽ khó khăn hơn khi diễn biến dịch bệnh Covid - 19 ở Trung Quốc có thể có những phức tạp trở lại.

Có thể nói những tác động của dịch Covid - 19 là điều mà chúng ta mong muốn sẽ sớm kết thúc. Tuy nhiên, chúng ta vẫn sẽ phải có những kịch bản rất khác nhau nhằm xử lí các tình huống có thể xẩy ra trong thời gian tới.

Sự tê liệt của hoạt động tiêu thụ, xuất khẩu đang khiến tình hình sản xuất của ngành công nghiệp gỗ trong nước đang bị ngừng trệ hết sức nghiêm trọng. Nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ hiện đã buộc phải tạm dừng sản xuất và cho lao động nghỉ. Hiện đã có những doanh nghiệp đã phải cho từ 45-80% lực lượng lao động tạm dừng làm việc hoặc giãn thời gian làm việc ra.

Theo khảo sát bước đầu đến nay ở khoảng 130 doanh nghiệp trong ngành gỗ, bình quân mỗi doanh nghiệp trong qúy I/2020 đã bị thiệt hại về kinh tế khoảng 25 tỉ đồng, tổng thiệt hại kinh tế của các doanh nghiệp được điều tra đến nay ước lên đến khoảng 3.000 - 5.000 tỉ đồng.

Điều lo ngại hơn, đó là người lao động không có việc làm, không có thu nhập hoặc thu nhập rất thấp. Nếu tình hình kéo dài, những lao động trong ngành gỗ hiện đang phải tạm nghỉ việc có thể một bộ phận sẽ đối mặt với nguy cơ thất nghiệp.

Theo điều tra, đến nay chỉ có khoảng 7% doanh nghiệp vẫn đang còn duy trì được hoạt động một cách tương đối bình thường. Còn lại, trên 90% số doanh nghiệp đã phải tạm dừng hoặc luân chuyển một bộ phận lao động. Điều này đã tạo ra một sự đứt gãy trên toàn chuỗi của ngành gỗ, bao gồm cả các nhà cung cấp nguyên liệu, phụ liệu, đặc biệt là đối với người trồng rừng.

Qua nắm bắt tại các địa phương thời gian qua, hiện người trồng rừng đã bắt đầu gặp những khó khăn do gỗ không có người mua. Tinh thần của chúng ta là chống dịch như chống giặc, nhưng rõ ràng người dân vẫn phải có nguồn thu nhập để sinh sống, có các hoạt động sinh hoạt bình thường.

Thời gian qua, Chính phủ đã và đang triển khai nhiều giải pháp, nhất là chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp, người lao động do tác động của dịch Covid -19. Điều này có thể giúp được gì cho ngành gỗ trong bối cảnh hiện nay, thưa Thứ trưởng?

Đối với các doanh nghiệp, hiện đang còn phải đối mặt với nhiều áp lực như trả nợ ngân hàng, áp lực phải xin giãn, hoãn những khoản thuế, tiền thuê đất, bảo hiểm xã hội...

Bộ NN-PTNT đã và đang theo dõi sát diễn biến, tình hình của dịch Covid -19 để vừa đảm bảo được việc chống dịch, vừa đảm bảo được các mục tiêu duy trì và khôi phục sản xuất.

Không chỉ các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, các làng nghề gỗ phục vụ thị trường nội địa cũng đang đình trệ, không bán được hàng. Ảnh: Lê Bền.

Không chỉ các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, các làng nghề gỗ phục vụ thị trường nội địa cũng đang đình trệ, không bán được hàng. Ảnh: Lê Bền.

Vừa qua, đáng mừng là Chính phủ đã ban hành Nghị định 41/2020/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Theo đó, đồng ý cho kéo dài thêm 5 tháng đối với các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp (trong đó có doanh nghiệp chế biến gỗ) được chậm nộp thuế như thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân...; cho phép chậm nộp 5 tháng đối với tiền thuê đất đợt 1/2020.

Riêng gói hỗ trợ này, tạm thời chúng ta đã cho phép các doanh nghiệp tạm thời được đình hoãn nộp khoảng 180 nghìn tỉ đồng tiền thuế, tiền thuê đất (trong đó có các doanh nghiệp chế biến gỗ đã được bổ sung vào diện được hưởng chính sách hỗ trợ).

Bên cạnh đó, đối với các doanh nghiệp trong ngành gỗ có dư nợ tín dụng với các ngân hàng, hiện Ngân hàng Nhà nước đã có Thông tư 01 ngày 3/3/2020, theo đó đã có gói tín dụng khoảng 285 nghìn tỉ đồng cho việc giãn, hoãn nợ cũ, áp dụng các cơ chế cho vay có điều kiện đảm bảo thuận lợi hơn đối với các doanh nghiệp, với lãi suất thấp để hỗ trợ cho các doanh nghiệp...

Vừa qua, với việc Chính phủ tiếp tục có gói hỗ trợ lên tới 62 nghìn tỉ đồng nhằm hỗ trợ cho người lao động do tác động của dịch Covid -19. Đây cũng sẽ là gói hỗ trợ nhằm giúp người lao động hoạt động trong ngành gỗ giảm bớt khó khăn do phải nghỉ việc, giãn việc bởi dịch Covid 19...

Bộ NN-PTNT cũng đã có văn bản đề nghị các hiệp hội, các doanh nghiệp trong ngành gỗ cần năng động, sáng tạo trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid 19. Theo đó, không quá bi quan, cố gắng có các giải pháp nhằm duy trì hoạt động bằng việc tìm những thị trường mới, hướng vào thị trường nội địa... nhằm cố gắng duy trì sản xuất.

Trong đó, đẩy mạnh chuyển sang hoạt động bán hàng qua kênh online, đặt hàng online trong bối cảnh phải thực hiện giãn cách xã hội. Điều này cũng phù hợp với xu hướng thương mại nói chung, trong đó có ngành gỗ.

Bộ NN-PTNT cũng đề nghị các doanh nghiệp cần gắn bó, chia sẻ với người lao động trong bối cảnh khó khăn, không để ai bị bỏ lại phía sau. Đồng thời, cũng cần động viên để người lao động đồng hành, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, có cam kết khi tình hình dịch bệnh được khống chế thì trở lại làm việc cho doanh nghiệp...

Bộ NN-PTNT đã giao Tổng cục Lâm nghiệp khẩn trương làm việc với các hiệp hội trong ngành gỗ, các làng nghề gỗ truyền thống để ngay sau khi việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng được nới lỏng, hoặc dịch bệnh được khống chế ở nước ta thì lập tức khôi phục sản xuất.

Về lâu dài, dư địa ngành gỗ vẫn rất tốt, vẫn có tiềm năng lớn để nâng cao chuỗi giá trị. Khi dịch bệnh qua đi, các thị trường xuất khẩu chủ chốt được khôi phục thì ngay trong năm 2020, mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 12-13 tỉ USD vẫn là khả thi, với điều kiện diễn biến dịch Covid-19 không kéo quá dài.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

LÊ BỀN (thực hiện)

Xem thêm
Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Trao quyết định bổ nhiệm Tổng Giám đốc Vinachem cho ông Nguyễn Hữu Tú

Vinachem tổ chức lễ công bố bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Tú làm Tổng Giám đốc, đánh dấu bước ngoặt phát triển mới trong ngành hóa chất Việt Nam.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.

Bình luận mới nhất