| Hotline: 0983.970.780

Ngành gỗ duy trì tăng trưởng trong dịch Covid-19

Thứ Ba 17/03/2020 , 08:40 (GMT+7)

Dịch Covid-19 lan rộng ra toàn cầu sẽ ảnh hưởng tới xuất khẩu gỗ. Nhưng ngành gỗ Việt Nam vẫn có những cơ hội để duy trì tăng trưởng trong năm nay.

Chế biến gỗ xuất khẩu. Ảnh: Thanh Sơn.

Chế biến gỗ xuất khẩu. Ảnh: Thanh Sơn.

Tăng trưởng ổn định

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong 2 tháng đầu năm, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 1,48 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 1,04 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Như vậy, dịch COVID-19 bùng phát đã khiến nhiều ngành hàng xuất khẩu giảm mạnh, nhưng xuất khẩu gỗ vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng khả quan trong những tháng đầu năm. Điều này cho thấy, mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ, đặc biệt là các sản phẩm nội thất bằng gỗ của Việt Nam đã đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng tại nhiều thị trường lớn trên thế giới như: Mỹ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Đồ nội thất bằng gỗ hiện đang là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của ngành gỗ Việt Nam. Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 1, giá trị xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ là hơn 551 triệu USD, chiếm tới 66% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.

Trong đó, các mặt hàng nội thất chiếm giá trị cao là đồ nội thất phòng khách và phòng ăn (gần 178 triệu USD), ghế khung gỗ (hơn 168 triệu USD), đồ nội thất phòng ngủ (hơn 145 triệu USD) …

Đứng sau đồ nội thất bằng gỗ là dăm gỗ (hơn 131 triệu USD); gỗ, ván và ván sàn (gần 95 triệu USD)…

Những số liệu trên cho thấy sản phẩm gỗ có hàm lượng chế biến cao đang chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Đây chính là cơ sở quan trọng để ngành gỗ tiếp tục phát triển sản xuất và xuất khẩu một cách bền vững trong thời gian tới.

Ảnh hưởng từ Covid-19

Tuy nhiên, theo Cục Xuất nhập khẩu, dịch COVID-19 kéo dài và lan rộng, đặc biệt sang các thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn của Việt Nam như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…, ngành gỗ của Việt Nam sẽ chịu tác động không nhỏ.

Trước hết, xuất khẩu gỗ sang Trung Quốc đã bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Năm 2019, Trung Quốc là thị trường lớn thứ 3 của ngành gỗ Việt Nam, với giá trị xuất khẩu là 1,2 tỷ USD. Trong đó, giá trị xuất khẩu dăm gỗ là 972,2 triệu USD, chiếm tới 79,2%.

Theo TS Tô Xuân Phúc (Tổ chức Forest Trends), dịch Covid-19 đã khiến cho hàng loạt nhà máy sản xuất giấy, bột giấy ở Trung Quốc ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng. Điều này đã ảnh hưởng tới xuất khẩu dăm gỗ sang Trung Quốc.

Việc Chính phủ Trung Quốc đã quyết định dừng dỡ hàng ở một số cảng và tăng cường biện pháp kiểm tra nghiêm ngặt đối với các phương tiện vận chuyển, bốc dỡ hàng, bao gồm hàng vận chuyển bằng tàu biển, cũng gây ra những khó khăn cho xuất khẩu dăm gỗ Việt Nam sang Trung Quốc.

Không chỉ là thị trường lớn, Trung Quốc còn là nguồn cung gỗ nguyên liệu quan trọng cho ngành gỗ Việt Nam. Năm 2019, Việt Nam đã nhập khẩu gỗ nguyên liệu với trị giá 661,3 triệu USD từ Trung Quốc (tăng thêm khoảng 200 triệu USD so với 20018). Các mặt hàng nhập khẩu chính là ván bóc, gỗ dán… Covid-19 đang làm cho nguồn cung các loại ván từ Trung Quốc bị ngưng lại.

Theo thông tin từ các doanh nghiệp ngành gỗ, lượng ván gỗ và phụ kiện ngành gỗ dự trữ, vẫn có thể giúp các doanh nghiệp đủ nguyên liệu sản xuất trong vòng một vài tháng nữa. Nhưng nếu dịch chưa dừng lại, các doanh nghiệp sẽ phải sớm tìm nguồn ván, gỗ nguyên liệu, phụ kiện từ các nơi khác nhằm bù đắp sự thiếu hụt nguồn cung từ Trung Quốc.

Các nhà máy gỗ do Trung Quốc đầu tư ở Việt Nam (184 doanh nghiệp tính đến hết năm 2019), cũng đang bị ảnh hưởng trong công tác vận hành bởi sự hạn chế đi lại giữa 2 quốc gia vì Covid-19.

Cơ hội duy trì tăng trưởng

Tuy nhiên, ngành gỗ vẫn đang có những cơ hội để duy trì tăng trưởng xuất khẩu như trong những tháng đầu năm. Ngành gỗ Trung Quốc (nước xuất khẩu gỗ lớn nhất thế giới), bị ảnh hưởng không nhỏ từ Covid-19, là cơ hội để Việt Nam gia tăng xuất khẩu, chiếm lĩnh thị trường.

Cuối tháng 2 vừa rồi, Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đã đưa ra quyết định cuối cùng về việc áp thuế chống bán giá đối với sản phẩm tủ và bàn trang điểm của Trung Quốc, vì các sản phẩm này đang được bán tại Mỹ với giá thấp hơn giá thị trường.

Theo đó, USTR đã áp thuế bán phá giá cuối cùng cho các nhà sản xuất Trung Quốc với tỷ lệ bán phá giá trung bình từ 4,37% đến 262,18%. Để quyết định việc áp dụng mức thuế có hiệu lực, USTR vẫn phải xác định trong vòng 45 ngày, kể từ ngày 28/2/2020 liệu ngành công nghiệp Hoa Kỳ có bị tổn thất lớn do hàng nhập khẩu có giá không công bằng hay không.

Nếu sau 45 ngày xác định mà USTR vẫn giữ quyết định nói trên, sẽ có thêm cơ hội tốt để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ với mặt hàng tủ và bàn trang điểm. Năm 2019, xuất khẩu nội thất phòng ngủ (trong đó có tủ và bàn trang điểm) của Việt Nam sang Mỹ đạt hơn 668 triệu USD.

Nguồn nguyên liệu gỗ “sạch” từ Mỹ, EU, Canada, Úc, New Zealand… được nhập về Việt Nam ngày càng tăng, trong khi nguồn gỗ có rủi ro cao về tính hợp pháp từ các nước nhiệt đới nhập về đang ngày càng giảm, cho thấy, các doanh nghiệp ngành gỗ đang ngày càng quan tâm hơn tới tính hợp pháp cho sản phẩm của mình, dù là để xuất khẩu hay tiêu thụ nội địa. Thực tế trên cho thấy ngành gỗ đang ngày càng đi theo hướng phát triển bền vững.

Qua đó, ngành gỗ Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội để tiếp cận, nắm bắt, mở rộng thị trường, nhất là ở những thị trường khó tính và quan trọng nhất của thị trường gỗ toàn cầu.

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Cargill tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu ngành chăn nuôi Việt Nam

Gần 30 năm gắn bó với Việt Nam, Cargill luôn khẳng định vị thế dẫn đầu về dinh dưỡng và sức khỏe vật nuôi...

Hà Nội công bố bảng giá đất mới, cao nhất gần 700 triệu đồng/m2

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký Quyết định 71 sửa đổi, bổ sung Quyết định 30 về quy định và bảng giá đất trên địa bàn thành phố.