| Hotline: 0983.970.780

Ngành gỗ sẽ sớm tăng trưởng trở lại

Thứ Ba 19/10/2021 , 09:30 (GMT+7)

Xuất khẩu gỗ đã giảm mạnh trong tháng 8 và 9 bởi Covid-19, song cơ hội đạt mục tiêu xuất khẩu cả năm vẫn còn nếu ngành gỗ sớm được bắt tay hồi phục.

Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu ở Công ty Tekcom (Bình Dương). Ảnh: Tekcom.

Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu ở Công ty Tekcom (Bình Dương). Ảnh: Tekcom.

Nỗ lực đáng ghi nhận

Chia sẻ tại Hội thảo “Chiến lược phục hồi chuỗi cung ứng công nghiệp nội thất Việt Nam” vừa được Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT), Sở Công Thương TP.HCM, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. HCM (Hawa), phối hợp tổ chức, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 10,4 tỷ USD, tăng 41,4% so với cùng kỳ năm 2020. Riêng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 7,98 tỷ USD, tăng 45,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo Bộ trưởng, tuy số liệu xuất khẩu trong tháng 9 chưa khởi sắc nhưng so với những khó khăn do đại dịch gây nên, thành tích và nỗ lực của ngành chế biến gỗ Việt Nam là rất đáng ghi nhận. Đây là kết quả của sự chuẩn bị chu đáo, chủ động và quyết tâm của các doanh nghiệp trong ngành, quyết tâm không bị bó buộc bởi hoàn cảnh.

Theo bà Bùi Thị Thanh An, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, số liệu ghi nhận từ Bộ Công thương cho thấy, nếu tính cả nhóm hàng nội ngoại thất và trang trí mỹ nghệ, Việt Nam đã xuất khẩu được 10 tỷ USD trong nửa đầu 2021 và tăng 70% so với cùng kỳ 2020. Thực tế ghi nhận hoạt động của ngành gỗ trong 2 năm trở lại đây, kể từ khi dịch bệnh bắt đầu đến nay, doanh nghiệp nội thất Việt Nam có khả năng chống chịu rất tốt. Hoạt động hỗ trợ, định hướng của các tổ chức ngành nghề cũng rất tích cực.

Thị trường vẫn rộng mở

Bà Marry Tarnowka, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham), cho biết, khoảng 60% nhà chế biến gỗ theo hợp đồng ở Việt Nam là đối tác của các công ty Mỹ.

Trong quý 3 vừa qua, khá nhiều hợp đồng giữa 2 bên đã bị ảnh hưởng do dịch bệnh. Các nhà bán lẻ đồ gỗ ở Mỹ đã và đang bị ảnh hưởng không nhỏ do giãn cách xã hội ở Việt Nam và các nhà sản xuất đồ gỗ Việt Nam chưa thể phục hồi toàn bộ công suất ngay được.

Tuy nhiên, nhu cầu của thị trường Mỹ đối với đồ gỗ Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng. Các nhà bán lẻ đồ gỗ ở Mỹ vẫn tin tưởng vào khả năng cung ứng của ngành gỗ Việt Nam với đội ngũ công nhân lành nghề, chăm chỉ, giá cả cạnh tranh …

Ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham), chia sẻ, khi nhu cầu của thị trường châu Âu tăng cao thì Việt Nam lại phải giãn cách xã hội để phòng chống dịch. Tuy nhiên, có điều may mắn là các đơn hàng vẫn còn đó, vì nhìn chung doanh nghiệp châu Âu ít quyết liệt hơn trong việc thay đổi nguồn cung từ Việt Nam sang Trung Quốc hay những thị trường khác.

Theo ông Benjamin Petlock, Tùy viên Cao cấp về Nông nghiệp (Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam), thị trường Mỹ đón nhận rất tích cực sản phẩm nội thất Việt Nam. Mối quan hệ giao thương giữa Việt Nam và Mỹ, một bên cung ứng nguyên liệu gỗ hợp pháp và một bên cung ứng sản phẩm nội thất chất lượng cao, ngày càng phát triển trong những năm gần đây. Ở cả hai phía, thị trường xuất khẩu lẫn nhập khẩu đều lớn và có khả năng mở rộng trong thời gian tới.

2 khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp gỗ khi phục hồi sản xuất là nguyên vật liệu và lao động. Ảnh: Hawa.

2 khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp gỗ khi phục hồi sản xuất là nguyên vật liệu và lao động. Ảnh: Hawa.

Một số chuyên gia, doanh nhân ngành gỗ (doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI), có cùng chung một nhận định rằng, trên thế giới chỉ có vài nước sản xuất đồ gỗ ở quy mô lớn. Vì vậy, nếu các nhà bán lẻ, nhất là các nhà bán lẻ ở Mỹ, muốn chuyển đơn hàng ra khỏi Việt Nam thì cũng khó tìm được nguồn cung khác có khả năng đáp ứng tương tự.

Bởi nguồn cung lớn nhất là Trung Quốc thì đang phải chịu thuế rất cao khi xuất khẩu sang Mỹ và các ngành sản xuất ở Trung Quốc đang phải đối mặt tình trạng thiếu năng lượng nghiêm trọng. Các nước sản xuất đồ gỗ lớn các cũng có những vấn đề, trong đó, có những nước cũng đang bị ảnh hưởng nặng vì dịch bệnh như Việt Nam.

Ông Ernie Koh, Giám đốc điều hành của Koda, cho rằng, ngành gỗ Việt Nam vẫn rất cạnh tranh trong thời gian tới. Sẽ tiếp tục có những khoản đầu tư nước ngoài rót vào ngành gỗ Việt Nam. Bản thân Koda cũng sẽ đầu tư nâng cấp, mở rộng nhà máy ở Việt Nam.

Phục hồi ngay sản xuất

Như vậy, có thể thấy, cơ hội tăng trưởng xuất khẩu trở lại đang rất rộng mở với ngành gỗ Việt Nam. Chính vì vậy, theo thông tin từ ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Viforest, các doanh nghiệp ngành gỗ đang làm hết sức để sớm phục hồi sản xuất.

Theo một số doanh nhân ngành gỗ, 2 vấn đề lớn mà các doanh nghiệp gỗ đang phải đối mặt trong giai đoạn phục hồi sản xuất là thiếu nguyên vật liệu và nhân công. Do đó, việc “mở cửa” càng sớm càng tốt, sẽ giúp ngành gỗ giải quyết được phần nào việc thiếu nguyên vật liệu và giữ chân được người lao động, lôi kéo người lao động quay lại sản xuất. Nhưng để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp gỗ hồi phục, cần có cách tiếp cận thống nhất về khôi phục sản xuất trên toàn khu vực, vì chuỗi cung ứng ngành gỗ không có địa giới hành chính.

Ông Đỗ Xuân Lập khẳng định “Dù có khó khăn do dịch bệnh nhưng cơ hội cho công nghiệp nội thất Việt Nam vẫn đang rộng mở. Bản thân các doanh nghiệp cũng nhận thức được cơ hội lớn ấy nên đã không ngừng tìm kiếm phương án thích nghi với điều kiện mới, từ việc giữ chân người lao động, tìm kiếm ổn định nguồn cung nguyên liệu đến cả việc ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại để giảm thiểu phụ thuộc nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng sản phẩm…

Cộng thêm các chính sách cởi mởi, hỗ trợ từ phía các cơ quan ban ngành, sự ủng hộ, đồng hành của các Hiệp hội gỗ trong cả nước, tôi tin, ngành chế biến gỗ Việt Nam sẽ nhanh chóng phục hồi, lấy lại phong độ, tiếp tục trở thành mũi nhọn phát triển của kinh tế cả nước”.

Theo ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, đến hết tháng 9, ước xuất khẩu gỗ và lâm sản đã đạt 11,9 tỷ USD. Trong 3 tháng cuối năm, nếu mỗi tháng duy trì kim ngạch xuất khẩu ở mức 800 triệu đến 1 tỷ USD/tháng, thì toàn ngành lâm nghiệp vẫn có thể đạt mục tiêu đề ra là 14,5 tỷ USD.

Xem thêm
Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam chinh phục thị trường châu Âu

CZECH Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hóa chất Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác giữa Việt Nam - Czech để cùng phát triển ngành hóa chất, phân bón và nông nghiệp.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.