Trong bức tranh với nhiều gam màu sáng của ngành nông nghiệp, chuyển đổi số đã đạt những kết quả bước đầu khả quan, trở thành chiếc chìa khóa quan trọng mở cánh cửa cho phát triển nông nghiệp hiện đại, đưa các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh vươn ra thị trường trong nước và quốc tế.
Xác định chuyển đổi số là chìa khóa quan trọng mở cánh cửa cho phát triển nông nghiệp hiện đại, đưa các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh vươn ra thị trường trong nước và quốc tế, thời gian qua, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Phúc đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp và hoàn thành 17/17 chỉ tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số được giao năm 2022.
Trong đó, điểm nhấn là hạ tầng công nghệ thông tin từng bước được đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện; tỷ lệ các hộ chăn nuôi, trồng trọt ứng dụng công nghệ thông tin, giao dịch thương mại điện tử, phát triển nông nghiệp công nghệ cao ngày càng tăng.
Cùng với đó, các đơn vị trực thuộc đã chủ động phối hợp với các ngành, địa phương liên quan tích cực đổi mới tư duy, cách làm, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đầu tư đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng, tạo thuận lợi cho người dân trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; xây dựng phần mềm quản lý mã số vùng trồng; ứng dụng các nền tảng công nghệ số phục vụ truy xuất nguồn gốc nông sản đối với sản phẩm chủ lực; hỗ trợ người sản xuất tham gia quảng bá và giới thiệu sản phẩm lên sàn thương mại điện tử...
Đến hết năm 2022, toàn tỉnh có hơn 16.000 hộ sản xuất nông nghiệp sử dụng thương mại điện tử; hơn 300 mô hình chăn nuôi quy mô lớn áp dụng công nghệ số trong sản xuất; trên 1.400 sản phẩm nông nghiệp của 82 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất được kết nối, quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử Postmart.vn và Voso.vn; trên 140 gian hàng được đăng ký trên các sàn thương mại điện tử. Song song với duy trì, phát huy hiệu quả 14 mã số vùng trồng thanh long, bưởi, chuối, ớt, 2 mã số cơ sở đóng gói sản phẩm phục vụ xuất khẩu, trong năm 2022 đã xây dựng mới được 2 mã số vùng trồng chuối và thanh long.
Tuy nhiên, việc áp dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Trên thực tế, do chuyển đổi số còn khá mới mẻ nên một số doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân đã ứng dụng công nghệ cao trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng mới chỉ tập trung vào ứng dụng công nghệ hệ thống nhà lưới, dán tem truy xuất nguồn gốc, việc ứng dụng chuyển đổi số vào khâu chế biến, quản lý, tiêu thụ và quảng bá sản phẩm chưa được quan tâm. Nhiều người dân và cả doanh nghiệp thiếu vốn, thiếu thông tin để ứng dụng số hóa, trong khi quy mô đất đai nhỏ lẻ, manh mún; thiếu kết nối chia sẻ đồng bộ thông tin của tất cả các khâu sản xuất, quản lý, thương mại nông sản.
Một số ít đơn vị đã chú trọng đến việc xây dựng bộ nhận diện số như: chữ ký điện tử để khai báo thuế; website hay tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử song hầu hết không tự làm chủ những phương tiện này, hoạt động vận hành, khai thác vẫn ít được quan tâm và hầu hết phải thực hiện qua đơn vị thứ ba...
Trong năm 2023 và những năm tiếp theo, bên cạnh triển khai các hoạt động công tác chuyên môn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Phúc sẽ tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu ngành, tạo điều kiện tốt nhất cho mọi thành phần trong xã hội đều có thể cập nhật thông tin và tham gia vào các hoạt động ứng dụng công nghệ số trong quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ nông nghiệp, giám sát nguồn gốc; tiếp tục rà soát, tham mưu, đề xuất tỉnh có thêm các cơ chế, chính sách phục vụ chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, tạo đột phá nông nghiệp thông minh 4.0.
Đồng thời, khuyến khích, hướng dẫn các hộ nông dân, doanh nghiệp áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, quy trình VietGAP để từng bước nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng quảng bá thương hiệu nông sản chủ lực; xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, ứng dụng các thiết bị cảm biến và thiết bị thông minh được kết nối và điều khiển tự động trong suốt quá trình sản xuất…
Những giải pháp căn cơ được đề ra sẽ tạo đà để ngành Nông nghiệp Vĩnh Phúc hướng gần hơn tới mục tiêu phát triển nền nông nghiệp thông minh, tuần hoàn, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh.