| Hotline: 0983.970.780

Ngành thủy sản Nghệ An rốt ráo thực hiện các khuyến nghị của EC

Thứ Năm 15/12/2022 , 11:14 (GMT+7)

Quyết liệt thực hiện các khuyến nghị của EC hòng sớm gỡ bỏ thẻ vàng bị phạt, sau 5 năm ngành thủy sản Nghệ An đã tạo ra nhiều chuyển biến rất tích cực.

Empty

Ngành thủy sản Nghệ An đã có nhiều chuyển biến tích cực sau 5 năm thực hiện các khuyến nghị của EC. Ảnh: Quý An.

Ban chỉ đạo về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (gọi tắt là Ban Chỉ đạo IUU) được UBND tỉnh Nghệ An thành lập tại Quyết định số 3787/QĐ-UBND. Sau 5 năm, Ban chỉ đạo IUU đã phát huy được vai trò đầu tàu trong công tác chuyên môn, kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn tổ chức triển khai Luật thủy sản, khắc phục các tồn tại, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU trên địa bàn.

Quá trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cán bộ, ngư dân về Luật Thủy sản 2017, các quy định, những khuyến nghị của EC diễn ra dưới nhiều hình thức (tập huấn, phát tờ rơi, hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở…). “Mưa dầm thấm lâu”, bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị đã mang lại diện mạo mới cho ngành thủy sản địa phương, các thành phần liên quan đã nâng cao rõ rệt ý thức trong quá trình sản xuất, kinh doanh, khai thác và quản lý.

Công tác quản lý tàu cá vẫn là nhiệm vụ đặt ra hàng đầu, việc công bố hạn ngạch giấy phép khai thác vùng lộng, ven bờ và ban hành tiêu chí đặc thù của địa phương… đã mang lại nhiều khác biệt.

Empty

Xử lý những vấn đề tồn đọng là việc phải làm để phát triển ngành thủy sản theo hướng bền vững nhất. Ảnh: Quý An.

Ghi nhận đến tháng 10/2022, trong tổng số 3.415 tàu cá trên địa bàn, tất cả phương tiện thuộc diện phải đăng ký (2.518 phương tiện có chiều dài lớn nhất từ 6m trở lên) đều đã hoàn thành, đạt 100%; 1.119/1.161 tàu cá được cấp giấy chứng nhận ATTP, đạt 96,38%. Việc cập nhật dữ liệu tàu cá lên phần mềm VNFishbase diễn ra thường xuyên, liên tục với 100% số tàu đã đăng ký.

Ở chiều hướng ngược lại, điểm trừ là tình trạng tàu cá mất kết nối VMS trên biển duy trì ở mức cao (9.571 lượt tàu). Nguyên nhân được xác định do thiết bị VMS bị hỏng, hoạt động chập chờn. Nguồn điện cung cấp cho thiết bị VMS không ổn định, một số phương tiện khi gặp thời tiết xấu trên biển buộc chủ tàu phải ngắt hệ thống điện nhằm đảm bảo an toàn, chống cháy nổ.

Lý do nêu trên cũng góp phần không nhỏ nâng tổng số tàu cá vượt qua đường ranh giới cho phép năm 2022 lên đến 229 lượt tàu. Ở khía cạnh khác, có 250 lượt tàu cá mất kết nối VMS quá 10 ngày trên biển.

Đối với các tàu cá mất kết nối VMS và vượt qua đường ranh giới cho phép trên biển, Chi cục Thủy sản đã phát thông báo nhắc nhở, yêu cầu kiểm tra lại thiết bị, duy trì hoạt động VMS 24/24 từ khi rời cảng đến khi cập cảng, đồng thời cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài và chấp hành các quy định khác về hoạt động khai thác hải sản.

Đối với các tàu cá mất kết nối VMS quá 10 ngày trên biển,  bước đầu đã lập biên bản nhắc nhở; yêu cầu chủ tàu khắc phục và cam kết duy trì hoạt động VMS theo đúng quy định và chấp hành các quy định khác về hoạt động khai thác hải sản.

Công tác theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá tại cảng cá về cơ bản đã được tổ chức triển khai theo quy định tại Thông tư số 21/2018/TT-BNNPTNT và Thông tư số 01/2022/TT-BNNPTNT. 10 tháng năm 2022 có 2.548 lượt tàu thông báo cập cảng, sản lượng thủy sản được giám sát là 3.869,52 tấn. 

Ngư dân đã chủ động ghi nhật ký khai thác và nộp cho cảng cá khá kịp thời, tuy nhiên chất lượng nhật ký khai thác chưa cao, vẫn còn tình trạng ghi số mẻ khai thác ít đi, số lượng chưa chính xác, thiếu thông tin...

Liên quan đến vấn đề tồn đọng trong 10 tháng năm 2022, Chi cục Thủy sản đã xử phạt vi phạm hành chính 65 vụ/65 đối tượng/64 phương tiện với tổng số tiền hơn 214 triệu đồng. Tịch thu 3 bộ kích điện, 15m dây điện.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh xử phạt vi phạm hành chính 64 vụ/84 đối tượng/84 phương tiện với số tiền 644 triệu đồng, sau đó tịch thu 17 bộ công cụ kích điện, 81m dây điện…

Empty

Tỉnh Nghệ An xác định phải nâng tầm ngành thủy sản trên nhiều phương diện. Ảnh: Quý An.

Sau gần 5 năm thực hiện Chỉ thị 45/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và triển khai các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU, nhìn chung tỉnh Nghệ An đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, toàn diện, qua đó đã thu về nhiều thành quả tích cực, cơ bản đã khắc phục được các tồn tại đã nêu trước đây.

Dẫu còn đó những khó khăn, vướng mắc nhưng tựu chung ngành thủy sản địa phương đang đi đúng hướng.

Xem thêm
Mở rộng nuôi tôm sú 2 giai đoạn vùng ven biển miền Trung

Mô hình nuôi tôm sú 2 giai đoạn có nhiều triển vọng mở rộng nhằm thay thế hình thức nuôi tôm thẻ chân trắng theo cách truyền thống tại các tỉnh ven biển miền Trung.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.