| Hotline: 0983.970.780

Thủy sản Nghệ An phải giảm khai thác, tăng nuôi trồng

Thứ Sáu 21/10/2022 , 19:39 (GMT+7)

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, ngành thủy sản Nghệ An cần phải giảm khai thác, tăng nuôi trồng để hướng đến quá trình phát triển bền vững.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cùng Đoàn công tác kiểm tra mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại xã Nghi Quang, huyện Nghi Lộc. Ảnh: Việt Khánh.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cùng Đoàn công tác kiểm tra mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại xã Nghi Quang, huyện Nghi Lộc. Ảnh: Việt Khánh.

Ngày 20/10, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến dẫn đầu Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT đã có buổi làm việc quan trọng với tỉnh Nghệ An bàn đến tình hình sản xuất nông nghiệp, công tác phòng chống dịch bệnh, xây dựng chuỗi chăn nuôi an toàn trên địa bàn. Đồng thời triển khai Đề án tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp giai đoạn 2021 – 2030 theo Quyết định số 414/QĐ-TTg ngày 22/3/2021.

Về lĩnh vực thủy sản, Nghệ An sở hữu nhiều tiềm năng, lắm lợi thế nhờ chiều dài bờ biển trên 82 km, diện tích vùng biển rộng đến 4.230 hải lý vuông, dọc bờ biển có 6 cửa lạch, tạo điều kiện cho tàu thuyền ra vào cũng như neo đậu tránh trú ẩn.

Nhờ vị trí địa lý kinh tế - chính trị hết sức thuận lợi, vùng biển được xem là cửa ngõ quan trọng, là “mặt tiền” biến Nghệ An thành chiếc cầu nối hữu hiệu, hiện thực hóa các hoạt động giao lưu và hội nhập quốc tế.

Nghệ An xác định phát triển vùng biển trở thành vùng kinh tế mũi nhọn, trong đó ưu tiên phát triển dịch vụ cảng biển; du lịch biển; công nghiệp đóng và sữa chữa tàu thuyền; khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá cao quy mô lẫn giá trị thực tế của ngành nông nghiệp Nghệ An. Ảnh: Công Điền.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá cao quy mô lẫn giá trị thực tế của ngành nông nghiệp Nghệ An. Ảnh: Công Điền.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá nông nghiệp Nghệ An có quy mô, giá trị rất lớn. Về thủy sản, để phát triển bền vững phải có kế hoạch, chiến lược dài hơi, có mục tiêu và giải pháp cụ thể. Thực tiễn đặt ra cần giảm khai thác, tăng nuôi trồng, chú trọng tăng diện tích, tăng đối tượng. Phải quan tâm đến giống, thức ăn, quan tâm đến môi trường, cơ sở hạ tầng và an toàn sinh học.

Từ những yếu tố vượt trội, kết hợp sự chỉ đạo xuyên suốt, quyết liệt từ Trung ương xuống địa phương, sự nỗ lực từ chính người dân đã mở ra một mô hình kinh tế biển, kinh tế thủy sản khá đa dạng. Đó cũng được xem là tiền đề, là nền móng để thủy sản Nghệ An sớm “gỡ” thẻ vàng của EC.

Theo ông Trần Xuân Học, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, sau gần 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 45/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và triển khai các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU, nhìn chung Nghệ An đã tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt, đồng bộ, nhờ đó đã đạt được một số kết quả tích cực, cơ bản đã khắc phục được các tồn tại mang tính trọng tâm trước đó.

Thực tế cho thấy ý thức pháp luật của ngư dân đã được cải thiện rõ rệt, số đông đã chủ động khai báo, thực hiện việc ghi, nộp nhật ký khai thác thủy sản theo quy định.

Phần lớn chủ tàu đều lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, tuân thủ khá chặt chẽ các quy định trong khai thác thủy sản, cũng như chấp hành tốt công tác kiểm tra của các cơ quan chức năng…

Đổi thay là điều dễ thấy, dù vậy ở chiều ngược lại vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Đầu tiên, phải thấy rằng Nghệ An chưa hoàn thành việc lắp đặt thiết bị VMS theo quy định tại Nghị định số 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ (hiện tại còn 27 tàu chưa lắp, chiếm tỷ lệ 2,3%). Lâu nay vẫn xảy ra tình trạng tàu cá mất kết nối thiết bị VMS, đặc biệt là tàu cá mất kết nối trên 10 ngày, tuy nhiên công tác xử lý chưa nghiêm.

Vi phạm trong hoạt động khai thác vẫn tiếp diễn (tàng trữ công cụ kích điệnm khai thác sai vùng; thuyền trưởng, máy trưởng không có văn bằng chứng chỉ, không mang giấy tờ tùy thân khi hành nghề)…

Dù đã có những thay đổi hết sức tích cực nhưng ngành thủy sản Nghệ An vẫn còn nhiều việc phải làm. Ảnh: Việt Khánh.

Dù đã có những thay đổi hết sức tích cực nhưng ngành thủy sản Nghệ An vẫn còn nhiều việc phải làm. Ảnh: Việt Khánh.

Tổ chức trực ban 24/24 giờ tại Trạm bờ - Chi cục Thủy sản qua quá trình theo dõi phát hiện 9.571 lượt tàu cá mất kết nối VMS trên biển. Nguyên nhân chính xuất phát từ sự cố của thiết bị VMS, hệ thống này hoạt động chập chờn, nguồn điện cung cấp cho thiết bị không đảm bảo. Về khách quan, một số chủ tàu đã ngắt hệ thống điện để đảm bảo an toàn, chống cháy nổ... khi gặp thời tiết xấu.

Chưa hết, năm 2022 có 229 lượt tàu của Nghệ An vượt qua đường ranh giới cho phép. Theo lý giải của ngư dân, do chi phí đầu vào tăng cao (dầu, đá, công lao động…) ngư trường khai thác lại quá xa thành thử phải “chạy tắt” để giảm thiểu tối đa chi phí, tránh bù lỗ triền miên. Ngoài ra, một số tàu cá bị hỏng thiết bị định vị, hỏng máy buộc phải thả trôi tàu.

Trong quá trình xử lý và khắc phục, Chi cục Thủy sản đã phát thông báo nhắc nhở, yêu cầu các tàu cá kiểm tra lại thiết bị, duy trì hoạt động VMS 24/24 từ khi rời cảng đến khi cập cảng, buộc cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài và chấp hành các quy định khác về hoạt động khai thác hải sản.

Tại buổi làm việc, các thành viên trong Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT đã trao đổi, định hướng một số nội dung trọng tâm cho tỉnh Nghệ An, đặc biệt là về vấn đề giống, cây trồng, vật nuôi; các nhân tố quyết định nhằm nâng cao năng suất, giá trị của ngành nông nghiệp. Đoàn công tác cũng đề cập đến một số vấn đề cần đặc biệt lưu ý, nhất là tập trung chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (chống khai thác IUU); công tác phòng, chống dịch bệnh.

Xem thêm
100 tấn cá chết ở hồ Sông Mây: 'Nước cạn đáy, mật độ nuôi quá dày nên thiếu oxy'

ĐỒNG NAI Nguyên nhân cá chết hàng loạt ở hồ Sông Mây là do nước hồ cạn đáy, mật độ cá nuôi quá dày nên thiếu oxy và đơn vị nuôi thủy sản còn chủ quan.

Phối hợp xử lý tàu cá bị mất kết nối giám sát hành trình trên biển

BÌNH THUẬN Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp, tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ đối với tàu cá nhằm nỗ lực tháo gỡ 'thẻ vàng' EC.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.