| Hotline: 0983.970.780

Ngành tôm vượt lên, nắm bắt cơ hội thị trường nửa cuối năm

Thứ Hai 11/05/2020 , 08:07 (GMT+7)

Trong nguy có cơ, ngành tôm Việt Nam đang thực hiện các giải pháp để vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội thị trường nửa cuối năm để bứt phá.

Thu hoạch tôm ở Bạc Liêu. Ảnh: Trọng Linh.

Thu hoạch tôm ở Bạc Liêu. Ảnh: Trọng Linh.

Áp lực dịch bệnh

Qua các tháng đầu năm 2020, ở vùng nuôi tôm trọng điểm ĐBSCL do xuất hiện hạn mặn, vài ba cơn mưa trái mùa và biến động nhiệt độ ngày đêm lớn đã ảnh hưởng tình hình thả nuôi tôm.

Mặc dù 100% địa phương có vùng nuôi tôm xây dựng khung lịch thời vụ thả tôm phù hợp với tình hình thời tiết và phổ biến rộng rãi đến người dân, nhưng nhìn chung tiến độ thả nuôi còn chậm. Một số hộ nuôi tôm thả giống mang tính thăm dò, chưa thả hết diện tích.

Từ cuối tháng 4 đến nay ĐBSCL bắt đầu xuất hiện mưa. Cùng lúc nước sông Cửu Long từ đầu nguồn về khá, đẩy mặn lùi dần về phía các cửa sông ra biển.

Qua tuần đầu tháng 5, độ mặn hạ, điều kiện thời tiết ổn định chính là thời điểm nuôi tôm thuận lợi. Tính đến nay diện tính đã thả nuôi trên 481.500 ha, bằng 85% so cùng kỳ 2019. Sản lượng tôm thu hoạch đến cuối tháng 4/2020 đạt trên 168.000 tấn (trong đó tôm sú 65.000 tấn), bằng 95% so cùng kỳ 2019.

Vào vụ nuôi tôm năm nay, ngoại trừ yếu tố tôm giống có giá dao động ổn định, các DN kinh doanh con giống tốt có khuyến mãi, còn tôm nguyên liệu trong quý I/2020 giảm giá khoảng 20% so cùng kỳ. Song, thách thức lớn nhất là mối lo dịch bệnh.

Theo Cục Thú y, từ đầu năm đến nay có trên 15.950ha nuôi tôm bị thiệt hại. Trong đó trên 990ha thiệt hại do bị bệnh, 469ha do môi trường và trên 14.490ha chưa rõ nguyên nhân. So với cùng kỳ năm 2019 tổng diện tích thiệt hại tăng gấp 3,3 lần, nhiều diện tích thiệt hại chưa xác định được nguyên nhân.       

Nhu cầu thị trường thay đổi

Kiểm tra tôm nuôi.

Kiểm tra tôm nuôi.

Ông Trần Quốc Tuấn - Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Việt - Úc, nói: Chúng tôi sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ để bà con vượt khó. Cần có sự liên kết giữa các bộ ban ngành và DN, bà con nuôi để quảng bá thương hiệu nhiều hơn tại các thị trường trọng điểm như Mỹ, EU, Nhật Bản... để thị trường quốc tế thay đổi góc nhìn về sự đầu tư công nghệ cao của ngành tôm Việt Nam.

Cty CP Chăn nuôi CP, cho biết, những năm qua CP đã phối hợp cùng với ngành nông nghiệp triển khai 8.000 mô hình nuôi tôm công nghệ cao. Riêng ĐBSCL đã triển khai trên 1.000 ao. Tại Sóc Trăng đã được triển khai thành công tại các huyện Long Phú, Trần Đề, Mỹ Xuyên và thị xã Vĩnh Châu bước đầu rất thành công, nông dân nuôi tôm đánh giá rất cao. 

Về mặt thị trường, theo ông Lê Thanh Quang, Chủ tịch Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, thị trường tôm hiện nay ưa chuộng tôm cỡ (size) nhỏ rất nhiều, loại 60 - 150 con/kg nhu cầu rất cao, nhất là thị trường châu Âu. 

Theo ông Quang, những năm qua chúng ta thường nuôi size lớn, trong đó người dân thu hoạch vào khoảng 30 - 40 con/kg, nhưng hiện nay tôm size loại này nhu cầu có giới hạn. Từ đó, chúng ta cần đánh giá lại, phải nuôi tôm theo thị trường.

Năm nay, do tình hình dịch bệnh Covid-19 các hệ thống nhà hàng đóng cửa, không tiêu thụ được. Cho nên tôm size 30 - 35 con/kg bằng giá tôm size 40 con/kg, nhiều trường hợp thương lái không mua, hoặc mua với giá thấp.

"Có những thời điểm tôm có size 30 - 40 con/kg có giá thấp hơn tôm có size 50 con/kg. Chúng ta cần tính toán hài hòa để làm sao đáp ứng được nhu cầu thị trường. Nếu tập trung nuôi tôm size 30 - 40 con/kg thực sự tìm đầu ra rất khó", ông Quang nói.

Mô hình nuôi tôm Công nghệ cao của Tập đoàn Việt - Úc.

Mô hình nuôi tôm Công nghệ cao của Tập đoàn Việt - Úc.

Phải vượt lên, tận dụng thời cơ thị trường cuối năm

Trong các yếu tố góp phần giúp người nuôi tôm đạt hiệu quả, giảm rủi ro, giảm tổn thất thiệt hại, Bộ trưởng cho rằng con giống tốt, sạch bệnh là một giải pháp quan trọng. Nước ta đã có các DN sản xuất kinh doanh con giống trong nước như Tập đoàn Việt - Úc, CP, Nam Miền Trung… Sắp tới cần sớm hình thành tập đoàn con giống bố mẹ một cách chủ động, từng bước làm chủ công nghệ trong SX giống không chỉ cho tôm sú, tôm thẻ chân trắng mà cho các loài tôm càng xanh, tôm hùm…

Cuối tuần qua, hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển ngành tôm nước lợ năm 2020 tại TP Sóc Trăng, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh:

Thị trường EU sẽ mở ra triển vọng khi hiệp định EVFTA có hiệu lực. Bên cạnh đó còn có những thị trường khác như Nhật Bản với 125 triệu dân. Đây là những thị trường đầy tiềm năng nhưng yêu cầu chất lượng sản phẩm, điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm rất cao.

Bộ sẽ có chương trình xúc tiến thương mại cụ thể vào những thị trường này. Bên cạnh giữ vững, khai thác tốt thị trường truyền thống, các DN chú trọng mở thêm thị trường mới, khai thác tối đa lợi thế tôm VN.

Bộ trưởng khẳng định, cần phát huy lợi thế, các điều kiện thuận lợi, chế ngự khó khăn bất lợi, nhằm thực hiện các giải pháp phát triển bền vững, đạt thắng lợi bội thu cho ngành tôm trong năm 2020.

Trong thời gian tới Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ cùng các địa phương phát huy điều kiện lợi thế và tận dụng cơ hội tốt nhất cho ngành tôm VN.

Theo định hướng phát triển ngành hàng tôm từ nay đến năm 2030, Bộ trưởng đề nghị 8 tỉnh có vùng nuôi tôm ở vùng ĐBSCL có kế hoạch phát triển, nhân rộng các mô hình nuôi tôm hiệu quả và hình thành định hướng phát triển chung cho ngành hàng tôm VN.

Đối với tất cả các sản phẩm phụ trợ, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo các cơ quan thuộc Bộ tăng cường các biện pháp quản lý, kiểm soát các loại sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y thủy sản, các chế phẩm sinh học đảm bảo chất lượng tốt nhất đến người chăn nuôi. Các DN và người nuôi tôm cùng đồng hành tham gia chuỗi liên kết SX, xây dựng phát triển ngành hàng tôm đạt hiệu quả bền vững.

  • Tags:
Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.