| Hotline: 0983.970.780

Miệt mài nuôi tôm sạch bán sang Nhật Bản

Thứ Tư 29/04/2020 , 13:35 (GMT+7)

Tại Quảng Nam, nói đến nuôi tôm thì cái tên Trần Công Thành (xã Tam Hòa, huyện Núi Thành) được nhiều người biết. Ông đi đầu nuôi tôm hướng công nghệ cao của tỉnh.

Ông Thành sử dụng hệ thống xử lý nước nhanh bằng thuốc tím và Chlorin trước khi đưa vào ao nuôi. Ảnh: Lê Khánh.

Ông Thành sử dụng hệ thống xử lý nước nhanh bằng thuốc tím và Chlorin trước khi đưa vào ao nuôi. Ảnh: Lê Khánh.

Hiện tại, ông Thành sở hữu một trang trại rộng lớn được đầu tư hàng chục tỉ đồng để nuôi tôm thương thẩm.

Ông Thành cho biết, khoảng từ năm 2009, phong trào nuôi tôm ở Quảng Nam phát triển mạnh, nhiều người dân trong vùng cũng từ con tôm mà kinh tế gia đình trở nên khá giả. Thấy thế, ông đã quyết định sử dụng số tiền sau nhiều năm tích cóp để đầu tư thuê đất nuôi tôm. Vụ nuôi đầu tiên thành công mang lại cho ông một khoản lãi lớn.

Ông tiếp tục sử dụng số tiền kiếm được để mở rộng diện tích nuôi. Tuy nhiên, đến năm 2012, dịch bệnh đã khiến cho nhiều ao nuôi tôm của ông Thành chết hàng loạt. Trước tình cảnh này, ông luôn suy nghĩ phải làm sao để ngăn ngừa được dịch bệnh, hạn chế rủi ro để làm giàu từ con tôm.

Hệ thống ao nuôi được đầu tư bài bản với công nghệ hiện đại, cho ăn bằng máy. Ảnh: Lê Khánh.

Hệ thống ao nuôi được đầu tư bài bản với công nghệ hiện đại, cho ăn bằng máy. Ảnh: Lê Khánh.

Ông lặn lội khắp nơi, đến các mô hình nuôi tôm trong cả nước thậm chí ra cả nước ngoài để học hỏi. Ông nhận thấy, hiện nay, đa số người dân nuôi tôm theo kiểu nhỏ lẻ, phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên dịch bệnh thường xuyên xảy ra.

“Mỗi lần tôm bị bệnh thì người nuôi lại lạm dụng vào thuốc kháng sinh. Việc này ảnh hưởng đến chất lượng của tôm thương phẩm. Bên cạnh đó, thuốc kháng sinh cũng trôi nổi trên thị trường rất nhiều, chất lượng không đảm bảo dẫn đến việc điều trị không hiệu quả rồi gây ra thiệt hại cho người nuôi”, ông Thành nói.

Nghiệm ra rằng, môi trường chính là yếu tố lớn nhất dẫn đến dịch bệnh nên ông Thành nảy ý định xây dựng một trang trại khép kín, hiện đại để bắt đầu thực hiện từng bước một. Đến đầu năm 2019, ông bắt đầu thực hiện trên diện tích khoảng 2ha của gia đình mình.

Tôm trong ao nuôi của ông Thành nhiều vụ vừa qua phát triển tốt, không nhiễm dịch bệnh nên không sử dụng thuốc kháng sinh. Ảnh: Lê Khánh.

Tôm trong ao nuôi của ông Thành nhiều vụ vừa qua phát triển tốt, không nhiễm dịch bệnh nên không sử dụng thuốc kháng sinh. Ảnh: Lê Khánh.

Trên diện tích này, ông đầu tư hệ thống xử lý nước đầu vào, quạt khí, mái che, ao ươm tôm giống… “Tôm giống sau khi mua về tôi đưa vào bể ươm đến khi tôm đạt 20 - 25 ngày tuổi mới thả xuống ao nuôi. Làm như thế thì đảm bảo được sức khỏe cho con tôm, tránh hao hụt. Bên cạnh đó, nước trước khi đưa vào ao phải xử lý bằng công nghệ xử lý nước nhanh để đáp ứng chất lượng môi trường sống tốt nhất cho con tôm”, ông Thành chia sẻ.

Công nghệ xử lý nước nhanh của ông Thành được thực hiện qua 2 bước. Nước đầu tiên được đưa vào một bể dài có chia thành các vách ngăn rồi cho thuốc tím vào để lắng tụ hữu cơ, phèn, kim loại. Khi nước đã xử lý bằng thuốc tím xong thì tiếp tục đưa qua một bể ngăn thứ 2 để khử khẩn bằng Chlorin mới đưa vào ao nuôi.

Ông Thành ươm giống trong bể từ 20 - 25 ngày, khi tôm phát triển tốt mới thả vào ao nuôi. Ảnh: Lê Khánh.

Ông Thành ươm giống trong bể từ 20 - 25 ngày, khi tôm phát triển tốt mới thả vào ao nuôi. Ảnh: Lê Khánh.

Trong quá trình nuôi, ông Thành cũng thường xuyên phải kiểm tra môi trường nước trong ao thông qua các chỉ số, thường thì từ 1 – 2 ngày là phải kiểm tra một lần. Nếu thấy chỉ số nào không cân bằng thì bổ sung. Bên cạnh đó cứ 2 – 3 ngày lại đánh men vi sinh một lần cho sạch nước.

“Một vấn đề nữa là thường xuyên trộn thêm vitamin, khoáng và men tiêu hóa vào thức ăn để đảm bảo sức khỏe cho con tôm. Quan điểm của tôi quan trọng nhất là môi trường và giống, quản lý tốt 2 yếu tố này thì sẽ thành công. Kể từ khi thực hiện theo mô hình này, nhiều vụ nuôi vừa qua các ao nuôi của tôi không hề xảy ra dịch bệnh gì nên không hề sử dụng thuốc kháng sinh”, ông Thành cho biết.

Được biết, đến thời điểm hiện tại thì toàn bộ diện tích 8ha ao nuôi của ông Thành đều đã được đầu tư theo mô hình này. Tôm thương phẩm của trang trại ông Thành sản xuất đảm bảo sạch, không sử dụng thuốc kháng sinh nên đều được xuất ra thị trường nước ngoài, chủ yếu là Nhật Bản.

“Tôi đang nuôi theo kiểu gối đầu cứ hết ao này rồi đến ao khác. Tính trung bình thì mỗi hecta nhà tôi cho ra từ 40 – 50 tấn tôm thương phẩm. Với giá thị trường khoảng 130.000 đồng/kg thì cứ 1ha sẽ cho lãi khoảng từ 1,6 – 2 tỷ đồng trên một vụ.

Nuôi theo hình thức này khó khăn nhất là khâu đầu tư. Để thực hiện được 1ha diện tích phải bỏ ra trên dưới 4 tỷ đồng nhưng lại đảm bảo sự ổn định và bền vững”, ông Thành nói.

Ông Nguyễn Hữu Trường, Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản – Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết đây là mô hình thuộc diện hiệu quả nhất tỉnh Quảng Nam. Tôm nuôi trong mô hình không sử dụng thuốc kháng sinh, chất lượng con tôm cao, bán được giá.  

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.