| Hotline: 0983.970.780

Ngay giữa Thủ đô: Không vào tổ sản xuất, cấm không được gặt lúa cho dân!

Thứ Sáu 28/10/2022 , 08:27 (GMT+7)

Chuyện xảy ra ở thôn Cao Xá, xã Trung Tú, huyện Ứng Hòa, Hà Nội đã bộc lộ góc khuất của kinh tế tập thể ở nông thôn hiện nay.

Tổ sản xuất: Tốt. Sao phải ép dân?

Kinh tế tập thể ở nước ta hiện nay là thành phần kinh tế với hình thức rất đa dạng như hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác,… trong đó nòng cốt là hợp tác xã. Kinh tế tập thể được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc các thành viên cùng góp vốn, tài sản, công sức trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi.

z3830574859368_b35a791265cd1441accf07f74a8c3842

Đơn cầu cứu của ông Nghiêm Đình May, chủ máy gặt, thôn Cao Xá, xã Trung Tú (Ứng Hòa, Hà Nội).

Trong nông nghiệp, kinh tế tập thể, hợp tác xã nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Sự liên kết, hợp tác thông qua các mô hình hợp tác xã, liên minh hợp tác xã đã dẫn đến sự ra đời của các khu sản xuất tập trung, vùng nguyên liệu, cánh đồng mẫu lớn, chuỗi liên kết sản xuất… Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại vào sản xuất, kinh doanh, chế biến sản phẩm, nâng cao số lượng, chất lượng hàng hóa, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước; góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững.

Tuy nhiên, trên thực tế, tại nhiều địa phương, việc nhận thức đúng về vai trò, tầm quan trọng của kinh tế tập thể không rõ ràng, dẫn tới khi triển khai thực hiện lúng túng, hình thức, thậm chí có nơi việc tổ chức hoạt động không khoa học dẫn tới hiệu quả kinh tế thấp, mối liên kết tan rã, phát sinh mâu thuẫn giữa cá nhân với tập thể, cá nhân với cá nhân trong tập thể.

Tổ sản xuất thôn Cao Xá, xã Trung Tú (Ứng Hòa, Hà Nội) được đa số người dân trong thôn ủy quyền thay mặt quán xuyến các hoạt động sản xuất nông nghiệp của thôn (triển khai lịch sản xuất mùa vụ theo lịch chung của xã, điều phối máy cày, máy gặt, thủy nông…). Khi mới thành lập, mọi hoạt động diễn ra thuận lợi, ai nấy đều vui vẻ, tình làng nghĩa xóm thêm khăng khít. Những hộ không có nhu cầu tham gia tổ sản xuất thì hoạt động riêng lẻ như cũ. Hai hình thức này cùng song song tồn tại trong thôn mà không có sự mâu thuẫn nào.

Tuy nhiên, đến vụ mùa 2022, sự ổn định bị xáo trộn khi mâu thuẫn về quyền lợi giữa lãnh đạo thôn, tổ sản xuất thôn Cao Xá với chủ máy gặt liên quan tới việc giao kết hợp đồng, phân chia địa bàn hoạt động xuất hiện. Thậm chí chủ máy gặt đã phải viết đơn cầu cứu để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

Xung đột nảy lửa giữa người dân và tổ sản xuất

Ông Nghiêm Đình May ở thôn Cao Xá, chủ máy gặt hoạt động trên địa bàn đã viết đơn cầu cứu gửi UBND xã Trung Tú và các cơ quan chức năng về việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn đe dọa, ngăn chặn không cho người dân lao động làm việc. Cụ thể, ông bị lãnh đạo thôn Cao Xá, tổ sản xuất của thôn ngăn cản không cho máy gặt của ông ra đồng gặt lúa cho người dân.

z3830485293204_a5ea9ace90b6b0b71cfcaa8c0ab8ed4c

Người dân thôn Cao Xá lực bất tòng tâm nhìn lúa chín rục ngoài đồng, cơn bão Noru sắp đổ bộ vào đất liền Việt Nam, trong khi gọi máy gặt ông của ông May gặt lúa thì bị tổ sản xuất của thôn ngăn chặn. Ảnh: Bình Minh.

Theo nội dung trong đơn, chúng tôi có mặt tại thôn Cao Xá, tìm hiểu thực hư sự việc và được biết: Năm 2015, gia đình ông May mua 1 máy gặt lúa để phục vụ việc thu hái cho người dân trong thôn, xã. Từ đó đến nay, hoạt động của máy gặt diễn ra bình thường theo cách thức: Hộ nào có nhu cầu gặt lúa, tìm đến ông, ông sẽ đưa máy gặt đến thu hoạch cho hộ đó với giá công gặt thỏa thuận.

Đến vụ đông xuân 2021 - 2022, khi tổ sản xuất điều hành việc thu hái của người dân trong thôn đã vận động ông May tham gia vào tổ sản xuất. Tuy nhiên, sau khi tham gia, ông May nhận thấy không hiệu quả nên ông đã quyết định không tiếp tục tham gia vào tổ sản xuất ở những vụ sau mà quay về cách thức làm cũ, là ai có nhu cầu thuê gặt lúa thì ông đến gặt theo giá thỏa thuận.

Tuy nhiên, việc ông May không đứng trong tổ sản xuất của thôn nữa, mà làm theo năng lực và nguyện vọng cá nhân được pháp luật cho phép lại nhận được sự phản đối kịch liệt của lãnh đạo thôn và tổ sản xuất, khi cho rằng: Hoạt động sản xuất đã giao cho thôn điều phối thì tất cả các chủ máy (cả trong và ngoài tổ sản xuất) đều phải làm theo sự phân chia, điều hành của thôn. Từ đây, mâu thuẫn giữa ông May và tổ sản xuất của thôn bắt đầu diễn ra căng thẳng.

Đỉnh điểm là ngày 27/9/2022, khi lúa vụ mùa của người dân thôn Cao Xá bước vào giai đoạn thu hoạch, lúa đã chín rục ngoài đồng, cơn bão Noru chuẩn bị di chuyển vào đến đất liền Việt Nam, người dân lo lắng hoàn lưu bão rất có thể xảy ra mưa lớn, gió to làm lúa đổ ngã, ngập nước, ảnh hưởng đến năng suất chất lượng lúa. Trong khi đó, tổ sản xuất của thôn lại giao kết hợp đồng với chủ máy khác, không phải người trong thôn tới đầu tháng 10 mới cho tiến hành thu hoạch.

Nóng ruột với những ruộng lúa ngoài đồng đến kỳ thu hoạch trước nguy cơ gãy, đổ, ngập úng, người dân thôn Cao Xá kiến nghị với thôn và tổ sản xuất thay đổi thời gian thu hoạch cho phù hợp với điều kiện thực tế trên đồng ruộng và dự báo thời tiết mưa, bão thì lãnh đạo thôn lại cương quyết “cứ theo hợp đồng mà làm, nắng mưa thì ai có thể nói trước được”.

Không hài lòng với cách tổ chức của thôn, nhiều hộ dân tìm tới thuê ông May, đề nghị ông May đưa máy ra đồng thu hoạch lúa cho dân. Khi ông May đưa máy ra đồng thì bị cán bộ thôn, tổ sản xuất của thôn bao gồm: Ông Quách Văn Hường, Bí thư Chi bộ thôn Cao Xá; ông Nguyễn Văn Thênh, Phó Trưởng thôn, Công an viên xã Trung Tú, cùng một số cán bộ an ninh của thôn đến ngăn cản, cấm ông không được đưa máy ra đồng gặt lúa cho người dân, với lý do ông May không có hợp đồng với thôn, đã mời ông May đến thương lượng việc tham gia cùng tổ sản xuất thu hoạch lúa cho dân nhưng ông May không đồng ý. Do đó, ông May không được mang máy gặt ra đồng hoạt động-gặt lúa cho người dân nếu không được sự đồng ý của lãnh đạo thôn, vì sẽ phá vỡ hợp đồng của thôn với chủ máy khác.

Những ngày sau đó, việc ngăn cản máy gặt tiếp tục xảy ra. Trong số người ngăn cản máy hoạt động còn có thêm sự tham gia của một số người lạ mặt (ông May không biết họ là ai); ngoài việc ngăn cản máy gặt hoạt động, họ còn dùng lời lẻ đe dọa ông và thợ máy.

z3830531836635_35608b4ed9b121477c80b0452e30a32e

Biên bản làm việc của UBND xã Trung Tú với ông Nghiêm Đình May về đơn cầu cứu khẩn cấp của mình. 

Thôn tự cho mình quyền cấm dân hoạt động kinh doanh?

Không chấp nhận cách làm việc của thôn, cho rằng thôn và tổ sản xuất thôn Cao Xá đã “lạm quyền”, thực hiện hành vi sai trái khi ngăn cấm quyền tự do hoạt động sản xuất kinh doanh chính đáng của người dân, ngày 5/10, ông May tiếp tục gửi đơn cầu cứu khẩn cấp của mình về việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn đe dọa, ngăn chặn không cho người dân lao động, làm việc tới UBND xã Trung Tú và đã được UBND xã tiếp nhận đơn.

Sau đó, ngày 6/10, UBND xã Trung Tú đã có buổi làm việc với cán bộ thôn Cao Xá về đơn thư của ông May.  

Đến ngày 7/10, đại diện UBND xã Trung Tú là ông Nguyễn Đình Trọng, Phó Chủ tịch UBND xã và bà Đàm Thị Thu Thủy, Công chức Tư pháp-Hộ tịch xã (làm thư ký) đã làm việc với ông Nghiêm Đình May để giải quyết đơn cầu cứu của ông.

Biên bản buổi làm việc của đại diện UBND xã Trung Tú với ông May có ghi: Ông Nguyễn Đình Trọng, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Tú đã nêu rõ, trong quá trình tổ sản xuất thôn Cao Xá ký hợp đồng làm dịch vụ gặt lúa cho nhân dân vẫn chưa đúng theo các quy định của pháp luật.

Trong buổi làm việc ngày 6/10 với lãnh đạo thôn Cao Xá, UBND xã Trung Tú đã yêu cầu lãnh đạo thôn Cao Xá làm việc với ông Lương Ngọc Lợi (chủ máy gặt do thôn gọi về gặt lúa cho nhân dân) điều chỉnh nội dung hợp đồng, chỉ giao kết hợp đồng dịch vụ gặt lúa đối với những diện tích mà các hộ dân ủy quyền cho cán bộ thôn đại diện giao kết hợp đồng dịch vụ gặt.

Giao cho Công an xã Cao Xá; ông Nguyễn Văn Thênh (Phó Trưởng thôn, Công an viên thôn Cao Xá) đảm bảo an ninh trật tự, không để xảy ra việc ngăn chặn nhu cầu dịch vụ gặt lúa đối với các chủ máy (các hộ dân thuê chủ máy nào thì chủ máy đó gặt lúa cho nhân dân).

Tuy nhiên, theo ông May, khi sự việc chưa được làm rõ, lãnh đạo thôn Cao Xá ngó lơ chỉ đạo của UBND xã Trung Tú vẫn để máy gặt khác đến thu hoạch. Đến hiện tại, các diện tích lúa trên địa bàn đã thu hoạch gần hết, do sự ngăn cấm của lãnh đạo thôn, tổ sản xuất nên máy gặt của ông May vẫn nằm “đắp chiếu”, thiệt hại về kinh tế là rất lớn. Nhưng lãnh đạo thôn, tổ sản xuất lại không nhắc tới việc khắc phục, đền bù thiệt hại cho gia đình ông May. Thời gian tới nếu không có câu trả lời thỏa đáng, ông May sẽ tiếp tục hành trình đòi lại quyền lợi chính đáng của mình.

Sự việc trên tại thôn Cao Xá chỉ là một trong rất nhiều góc khuất trong hoạt động, vận hành của mô hình kinh tế tập thể tại các vùng nông thôn Việt Nam hiện nay. Từ chỗ, mục đích chính đáng, trong sáng, đúng chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước là tất cả cùng hưởng lợi theo phương châm “muốn bay xa thì bay theo đàn”, tạo ra những chuỗi sản xuất, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ bền vững, mang lại giá trị cao trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, do nhận thức, hiểu biết không đúng, cách làm không đúng, lạm dụng chức năng, quyền hạn, nhất là người đứng đầu, những người được nhân dân bầu lên đã gây ra những hệ lụy khó lường.

IMG_20220927_143957

Việc nhận thức, vận hành kinh tế tập thể không bài bản, chính xác sẽ gây ra nhiều hệ lụy khó lường. Ảnh: Bình Minh.

Và, thực tế hậu quả đã xảy ra ở thôn Cao Xá là tình làng nghĩa xóm bị rạn nứt, kinh tế của người dân trồng lúa và người làm dịch vụ máy gặt bị thiệt hại, gây mất ổn định tình hình an ninh trật tự tại địa phương…

Thiết nghĩ, cần phải có cơ chế, chính sách, sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành sát sao hơn để kinh tế tập thể nói chung, hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ sản xuất-kinh doanh ở thôn, xóm thực sự là đại biểu ưu tú đại diện cho ý chí, nguyện vọng của người dân; là cánh tay nối dài của nhà nước, bà đỡ, điểm tựa để người dân thực sự trở thành trung tâm trong phát triển kinh tế nông thôn, mang lại giá trị cả về vật chất lẫn tinh thần bền vững cho người dân nông thôn.

                                                         

Xem thêm
Giá thanh long Bình Thuận tăng mạnh

Do nguồn cung khan hiếm vì cuối vụ chong đèn, cộng với thị trường Trung Quốc tiêu thụ ổn định nên giá thanh long Bình Thuận tăng mạnh.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tập đoàn PAN đặt doanh thu 14.700 tỷ năm 2024 với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên

Trước lo ngại về biến đổi khí hậu, khó khăn chung của bối cảnh kinh tế, Tập đoàn PAN đặt mục tiêu doanh thu thận trọng tăng 12% với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm