Sau gần 3 năm triển khai, Nghệ An được đánh giá là địa phương đi đầu trong phong trào thi đua…
Hệ thống đê đa dạng
Toàn tỉnh có hệ thống đê dài gần 500km, trong đó tuyến đê xung yếu cấp III Tả Lam dài 68,2km. Nghệ An là một trong những địa phương xây dựng quy hoạch đê điều đầu tiên trên cả nước, hàng năm các công trình đều được kiểm tra, đánh giá chi tiết để từ đó triển khai phương án duy tu, nâng cấp phù hợp với điều kiện thực tại.
Tuyến đê kiểu mẫu từ K84+500 đến K86+000 đảm bảo yêu cầu đặt ra |
Tỉnh xác định công tác phòng chống thiên tai là nhiệm vụ trọng tâm, muốn thực hiện tốt cần tập trung vào 3 khâu: chuẩn bị, ứng phó và khắc phục hậu quả. Xuyên suốt quá trình thực hiện, công tác quản lý, bảo vệ và hộ đê có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến huyện, xã, thôn, xóm và mọi tầng lớp nhân.
Qua rà soát, đánh giá hiện trạng, lúc này dự án Củng cố, nâng cấp đê Tả Lam đoạn từ Nam Đàn qua Hưng Nguyên, Nghi Lộc và TP Vinh (tương ứng từ K55+000 đến K104+200) cơ bản đã hoàn thành. Đến cuối tháng 3/2018, tổng khối lượng ước đạt gần 98%, chỉ còn một số đoạn cục bộ với tổng chiều dài khoảng 350m đê và 52,7m tường chắn vướng GPMB chưa thể thi công xong.
Trong khi đó, dự án sửa chữa, nâng cấp tuyến Tả Lam, thuộc địa bàn huyện Thanh Chương (K18+000 đến K25+546) đang triển khai thi công, hiện đã tiến hành đắp mở rộng mặt cắt đạt cao trình từ +18.45 (đầu tuyến K18) đến +18.04 (cuối tuyến K24+945) (xong phần nền K=0,95 và K=0,98).
Trên cơ sở kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình trước lũ, Sở NN-PTNT kết luận: Tuyến đê cấp III Tả Lam đủ khả năng chống được mức lũ tương ứng với tần suất thiết kế P=1% được quy định tại Quy hoạch hệ thống đê điều sông Cả. Các tuyến đê sông khác chống được mức lũ tương đương mức báo động III, riêng tuyến hữu Lam (huyện Thanh Chương) chỉ đảm bảo an toán trước mức báo động II. Trong khi đó, các tuyến đê cửa sông nhìn chung đáp ứng được gió bão cấp 7, cấp 8.
Điển hình đê kiểu mẫu
Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và Bộ NN-PTNT, ngành nông nghiệp Nghệ An đã phát động rộng khắp phong trào thi đua “Xây dựng đê kiểu mẫu” bằng cách tập trung xây dựng các điển hình tiên tiến, đồng thời đưa ra nhiều sáng kiến thiết thực nhằm tháo gỡ những vướng mắc, tồn đọng.
Ảnh: V.K |
Đối tượng tham gia bao gồm các tổ chức, cá nhân có liên quan, thuộc phạm vi các huyện thành có đê cấp III trở lên. Trong đó nòng cốt là lực lượng cán bộ, công chức, viên chức thuộc Sở NN-PTNT, Chi cục Thủy lợi; các Hạt chuyên trách quản lý đê, các tuyến đê thuộc Chi cục quản lý. Ngoài ra, còn có cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể, người dân và DN.
Ngày 20/6/2016, Sở NN-PTNT ban hành Quyết định số 544/QĐ-SNN-TL triển khai Kế hoạch thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng đê kiểu mẫu” đến tất cả các địa phương, đơn vị liên quan.
Về phía Chi cục Thủy lợi, đơn vị đã chỉ đạo các Hạt quản lý đê tập trung tăng cường công tác quản lý, vận dụng nguồn vốn duy tu bảo dưỡng để tu sửa, chỉnh trang các đoạn đê cũng như hoàn thiện, nâng cấp trụ sở, khuôn viên cuả chính đơn vị mình. Từ 2016 đến nay, Chi cục đã tham mưu các cấp đầu tư nguồn kinh phí gần 2 tỷ đồng, nhờ đó hệ thống công trình nói chung thực sự có nhiều chuyển biến rõ nét.
Trước đó tỉnh Nghệ An đã thống nhất, lựa chọn đoạn đê từ K84+500 đến K86+000 thuộc địa phận huyện Hưng Nguyên làm điển hình “tuyến đê kiểu mẫu” và Hạt Quản lý đê Vinh là “Hạt quản lý đê kiểu mẫu”.
Phía cơ quan chuyên ngành và chính quyền địa phương các cấp thống nhất cao quan điểm “phong trào thi đua phải thực chất, hiệu quả, phù hợp với nhiệm vụ quản lý nhà nước của từng cơ quan, đơn vị”. Tiến độ công việc phải được duy trì thường xuyên, liên tục, mỗi thành viên phải tự nêu cao tinh thần trách nhiệm, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Đánh giá về “tuyến đê kiểu mẫu”, hiện nay các thông số về cao trình chống lũ, chiều rộng mặt đê đều đảm bảo theo quy hoạch (cao trình đỉnh đê cao hơn mực nước lũ thiết kế 0,6m; chiều rộng đỉnh đê 6,0m); cơ đê kết hợp Quốc lộ 46C với mặt đường rộng 9,0m, được rải bê tông nhựa Astphan; phía sông có rặng tre chắn sóng được chăm sóc và bảo vệ tốt; giáp đồng có đường gom dân sinh rộng 4,0m gia cố bằng bê tông, mái đê trồng cỏ xanh tốt; bề mặt, phần mái, chân và cơ đê không có cây dại, rác thải. Các ẩn họa phía trong thân đê như mạch đùn, mạch sủi, tổ mối… đều được phát hiện kịp thời và xử lý triệt để.
Hạt quản lý đê Vinh được lựa chọn là “Hạt quản lý đê kiểu mẫu” |
Đặc biệt, tất cả các hộ gia đình, các DN sự dụng đất, có công trình trong phạm vi hành lang bảo vệ, ngoài bãi sông hoặc có liên quan đến công tác thoát lũ đều phải ký cam kết không vi phạm pháp luật, trường hợp phát sinh ngoài ý muốn phải ký bổ sung. Nhờ có sự chung tay của cả cộng đồng nên công tác quản lý và bảo vệ ngày một chỉn chu hơn, qua ghi nhận thực tế tình trạng vi phạm pháp luật cơ bản không diễn ra.
Tại Hạt quản lý đê kiểu mẫu (Hạt Quản lý đê Vinh), đến nay tất cả các hạng mục trong khuôn viên cũng như hệ thống kho vật tư dự trữ, nhà quản lý trên tuyến cơ bản đã được tu sửa khang trang, sạch đẹp và hợp chuẩn. Các dụng cụ thiết yếu (điện thoại, máy FAX, máy vi tính, đèn pin…) được trang bị đầy đủ, hệ thống bản đồ, bảng biểu poster, sổ sách đảm bảo theo các tiêu chí đề ra.
Về công tác chuyên môn, đơn vị đã thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, áp dụng hiệu quả Chỉ thị số 2646/CT-BNN-PCTT ngày 9/4/2018 của Bộ NN-PTNT về việc tăng cường công tác quản lý đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống lũ năm 2018. Ví dụ, trong trường hợp gặp sự cố trượt mái đê phía bờ sông sẽ thực hiện đào rãnh tách nước với kích thước (bxh)=(30x30)cm bao quanh, đảm bảo nước mưa từ đỉnh và mái không chảy vào vị trí vết nứt. Đồng thời dùng vải bạt phủ kín phần mái (phạm vi phủ bạt vượt quá phạm vi cung trượt tối thiểu 5m), kết hợp lấy cọc tre ghim cố định. Kế đó, tiến hành lập hàng rào bảo vệ khu vực xảy ra trượt ngăn không cho người và gia súc đi vào…
Ghi nhận kết quả thực hiện phong trào “Xây dựng đê kiểu mẫu tại Nghệ An” năm 2018, Bộ NN-PTNT đã tặng thưởng Bằng khen cho 1 tập thể (Hạt chuyên trách QLĐ Hưng Nguyên 2) và 2 cá nhân (ông Trần Quốc Toản - Trưởng phòng Quản lý đê điều và bà Trần Thị Việt Hà - Hạt trưởng Hạt Quản lý đê Vinh).
Ông Trần Quốc Toản, Trưởng phòng Quản lý đê điều - Chi cục Thủy lợi Nghệ An khẳng định, chỉ sau 3 năm phát động, phong trào thi đua “Xây dựng đê kiểu mẫu” đang lan tỏa rộng khắp, thu hút đông đảo công chức, viên chức, người lao động trong lĩnh vực quản lý đê điều và các tầng lớp nhân dân cùng chung tay hưởng ứng. Kết quả trên tạo ra hiệu ứng dây chuyền hết sức tích cực, đến nay chất lượng công trình cũng như công tác quản lý đê điều nói chung ngày càng được nâng lên thấy rõ. |