| Hotline: 0983.970.780

Nghệ An khổ sở gỡ 7 nút thắt của đại công trình thủy điện Bản Vẽ

Thứ Tư 15/02/2023 , 09:24 (GMT+7)

Thủy điện Bản Vẽ vận hành trên 10 năm rồi, mỗi năm thu về trên dưới ngàn tỷ đồng. Ngược lại, chính quyền các cấp tỉnh Nghệ An phải khổ sở gánh vác hệ lụy.

Empty

Dù là thời điểm đầu triển khai hay khi đã đi vào vận hành thì những vấn đề xoay quanh thủy điện Bản Vẽ vẫn khiến đồng bào vùng cao Nghệ An phải lo ngay ngáy. Ảnh: ĐT. 

Nỗi đau dai dẳng

Những nút thắt xoay quanh đại công trình thủy điện Bản Vẽ là câu chuyện buồn dai dẳng, bất chấp chính quyền 2 huyện Tương Dương và Thanh Chương, cũng như tỉnh Nghệ An đã lên tiếng kiến nghị. 

Mới nhất, ngày 13/2/2023 UBND tỉnh Nghệ An đã tổ chức cuộc họp với các bên liên quan nhằm sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại các dự án thủy điện đóng trên địa bàn. Một lần nữa, thủy điện Bản Vẽ lại “chiếm sóng”.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Phạm Văn Hóa, Giám đốc Sở Công thương Nghệ An khẳng định: Có 7 vấn đề liên quan đến dự án thủy điện Bản Vẽ.

Dự án thủy điện Bản Vẽ được phê duyệt đầu tư năm 2003, chủ đầu tư là Tập đoàn Điện lực Việt nam (EVN). Dự án “ngốn” của Nghệ An hàng ngàn ha đất các loại. Không chỉ mất nhà, mất đất, mất rừng, mất kế sinh nhai, hơn 2.910 hộ dân với khoảng 13.735 nhân khẩu của huyện Tương Dương, sinh sống tại 31 bản thuộc 8 xã vùng lòng hồ thủy điện còn phải chuyển đến các khu tái định cư dù cái bụng… không ưng.

Empty

Đồng bào vùng cao tại huyện Tương Dương khốn đốn vì thủy điện Bản Vẽ. Ảnh: ĐT.

Nổi cộm phải kể đến công tác trích đo, thành lập bản đồ địa chính nhằm tiến tới cấp GCNQSDĐ đối với phần đất sản xuất cho dân tái định cư tại 2 xã Thanh Sơn và Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương. Nhìn chung mọi thứ đang “bế tắc”  do bản đồ địa chính tỷ lệ 1/2000 và hồ sơ địa chính trích đo lập năm 2012 vẫn chưa được sở TN-MT phê duyệt. Công tác quản lý yếu kém, kết hợp trách nhiệm hời hợt của chủ đầu tư dẫn đến tình trạng sai số về diện tích, quỹ đất biến động quá lớn đòi hỏi phải tiến hành đo vẽ, trích đo thành lập bản đồ địa chính mới.

Nội dung này ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình bồi thường giá trị chênh lệch đất nơi đi và nơi đến cho các hộ tái định cư tập trung. Vô cùng bất an khi 2.910 hộ phải tiến hành di dân, thì chỉ một số ít (236 hộ) thuộc diện di dân tự do theo nguyện vọng được hưởng chính sách bồi thường, hỗ trợ, còn 2.674 hộ diện tái định cư vẫn đang trong cảnh dài cổ ngóng trông.

Theo UBND huyện Thanh Chương, nội dung này vẫn chưa đủ điều kiện thực hiện do chưa hoàn thành công tác rà soát, cân đối lại toàn bộ diện tích đất nông nghiệp mà trước đây đã chia cho các hộ (dân đang sử dụng sai diện tích, thực trạng khác nhiều so với hồ sơ chia đất trước đây). Chậm trễ trong hoàn thiện hồ sơ pháp lý, trách nhiệm chính thuộc về chủ đầu tư thủy điện Bản Vẽ cùng chính quyền 2 huyện Thanh Chương và Tương Dương.

Trên cơ sở thực tế, Sở Công thương kiến nghị, đề xuất UBND tỉnh giao Sở TN-MT chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc. Tại khu vực Tương Dương, đề nghị UBND huyện Tương Dương sau khi kiện toàn hội đồng BT-GPMB phải phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý dự án thủy điện 2 để hoàn thiện hồ sơ bồi thường, chênh lệch đất nơi đi, nơi đến đối với các hộ dân di chuyển nội huyện trong quý III/2023.

Đối với các hộ thuộc diện tái định cư trên địa bàn huyện Thanh Chương, giao UBND huyện Thanh Chương chủ trì, phối hợp với Ban QLDA thủy điện 2 thực hiện công tác chia đất, cấp GCNQSDĐ để lập hồ sơ bồi thường giá trị chênh lệch nơi đi và nơi đến cho các hộ dân tái định cư trong Qúy II/2023.

Nội dung khác “nóng bỏng” không kém là việc xử lý đối với diện tích đất trên cốt ngập của dự án thuỷ điện Bản Vẽ. Chiếu theo quy định tạm thời số 1174/CV-NLĐK ngày 16/3/2005 của Bộ Công nghiệp về bồi thường thiệt hại di dân TĐC và quy hoạch tổng thể di dân TĐC thủy điện Bản Lả (nay là Bản Vẽ) thì 4.298 ha trên cốt ngập không được bồi thường.

Ngày 01/6/2010, Thủ Tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 34/2010/QĐ-TTg (được thay thế bằng Quyết định 64/2014/QĐ-TTg ngày 18/11/2014 về việc chính sách đặc thù về di dân tái định cư các dự án thuỷ lợi, thuỷ điện). Căn cứ quy định tại điểm b, khoản 3, Điều 4 của Quyết định 64/2014/QĐ-TTg “Trường hợp hộ tái định cư có đất sản xuất ở vị trí trên cốt ngập lòng hồ, chuyển đến điểm tái định cư xa nơi sản xuất cũ thì đất sản xuất tại nơi ở cũ bị thu hồi và được bồi thường theo khoản 1 Điều này”, dựa vào đây người dân tái định cư đã đưa ra so sánh, qua đó quay về vùng lòng hồ (nơi ở cũ) xưa kia, đồng thời gửi đơn kiến nghị đến các cấp của chính quyền, các Bộ, ngành trung ương.

Empty

Cuộc sống của người dân xã Hữu Khuông (Tương Dương) đảo lộn khi dự án "đổ bộ". Ảnh: VK. 

Xét về tình, mong muốn của số đông đồng bào có thể hiểu được. Nên nhớ trước khi nhường đất cho thủy điện Bản Vẽ, bà con đã sống đời đời kiếp kiếp, thế hệ sau tiếp nối thế hệ trước như một lẽ tất yếu, đối với họ việc di dời khỏi quê cha đất tổ là chuyện đặng đừng, chẳng ai mong muốn viễn cảnh đó. Nếu chỉ áp dụng chính sách bồi thường dưới cốt ngập đồng nghĩa quỹ đất bị xé lẻ, hàng ngàn ha trên cốt ngập bỗng chốc sụt giảm giá trị. Thêm nữa, dẫu rằng về nơi ở mới điều kiện, cơ sở vật chất có thể tốt hơn nhưng phong tục, tập quán, lối sống khác biệt là rào cản quá lớn, đồng nghĩa sống giữa muôn vàn áp lực đè nén, bủa vây. 

Còn về lý, hơn 4.298 ha trên cốt ngập là tài sản chính đáng của người dân, thể hiện qua hơn 900 GCNQSDĐ đã được cấp trước đó. Vì miếng cơm manh áo, hàng năm có khoảng 200 – 400 hộ từ huyện Thanh Chương xa tít mù khơi vẫn lục đục kéo nhau quay về lòng hồ kiếm kế sinh nhai, chung quy cũng vì túng quẫn mà ra. Nay muốn thu hồi để dễ bề quản lý, các bên liên quan, đặc biệt là chủ đầu tư thủy điện Bản Vẽ cần áp dụng chính sách an dân phù hợp để bù đắp những thiệt thòi, mất mát mà người dân đã gánh chịu suốt bấy lâu.

Áp lực 

Qua ý kiến đánh giá, nhận xét của các bên liên quan thể hiện rõ sự đắn đo, xen lẫn âu lo. Ông Trình Văn Nhã, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương nhắc đến 3 vấn đề xoay quanh thủy điện Bản Vẽ tại địa bàn, 1 là bồi thường giá trị chênh lệch giữa nơi đi và nơi đến, 2 là công tác trích đo, thành lập bản đồ để cấp GCNQSDĐ, 3 là những vấn đề phát sinh của dự án sau khi tiến hành khắc phục hậu quả của cơn bão số 4 năm 2018.

“2 nội dung đầu tiên liên quan đến nhau, Sở Công thương yêu cầu quý II phải hoàn thành là rất khó, với tình hình này cố gắng lắm quý II mới cấp được đợt đầu tiên, bằng không cuối năm hoàn thành cũng đã là thành công…”, ông Nhã nhấn mạnh.

Empty

Bất kể thủy điện Bản Vẽ đã đi vào vận hành hơn 10 năm nay nhưng những tồn tại, vướng mắc ở các khu tái định cư vẫn chưa được tháo gỡ. Ảnh: Việt Khánh.

Chủ trì cuộc họp, ông Lê Hồng Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An khẳng định: “Trong năm 2023 các Sở, ban, ngành liên quan cần tập trung quyết liệt, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, cùng phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư để giải quyết dứt điểm 7 vấn đề. Muốn làm được các huyện cần tổ chức tốt, thành lập tổ công tác, hoặc tái phục hồi Hội đồng BT-GPMB để chủ động kiểm tra, rà soát hồ sơ và tham mưu hiệu quả”.

Trong khi đó, tại huyện Tương Dương các vấn đề tồn đọng của dự án thủy điện Bản Vẽ thực chất còn lớn gấp nhiều lần, đặc biệt là khi Ban BT- GPMB giải tán. Gánh vác trên vai khối lượng công việc khổng lồ nhưng thiếu sự phối hợp cần thiết của đối tác thành thử khó khăn càng chất chồng.

Đúc rút từ kinh nghiệm thực tế, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Hiến đề xuất: “Những cuộc họp cần sự hiển diện của lãnh đạo cấp cao phía chủ đầu tư, nếu chỉ cử đại diện nhà máy thủy điện Bản Vẽ tham gia thì tính khả thi không cao, không quyết định được vấn đề”. Đáng nói, tâm tư này nhận được đồng tình của ông Lê Hồng Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Giảng viên đại học và hành trình theo đuổi đam mê khảo kiểm nghiệm phân bón

Khi đang là giảng viên một trường đại học danh tiếng tại TP.HCM, anh Trần Văn Thanh quyết định bỏ nghề để xin việc tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia.

Bình luận mới nhất