Tiềm năng
Dải biển Nghệ An dài 82 km, diện tích vùng biển lên đến 4.230 hải lý vuông. Nhờ điều kiện tự nhiên trời ban, nguồn lợi hải sản địa phương thực sự phong phú với hàng trăm loài khác nhau.
Sản lượng khai thác hải sản của tỉnh Nghệ An trong những năm qua gia tăng không ngừng, mức tăng trưởng bình quân đạt 7% - 8%/năm, trong đó những loài cho giá trị kinh tế cao tăng phi mã, điển hình như cá hố, cá lưỡng, mực…
Năm 2019 sản lượng khai thác toàn tỉnh đạt đến 161.666 tấn, tăng 13,85% so với 2018, tổng giá trị sản xuất ước đạt trên 3.370 tỷ đồng.
Ý thức được tiềm năng và lợi thế sẵn có, dưới sự hỗ trợ, chỉ đạo của Chính phủ và Bộ NN-PTNT, những năm qua tỉnh Nghệ An đã chủ động bám sát tinh thần để áp dụng vào thực tiễn.
Dễ thấy đội ngũ phương tiện khai thác đang phát triển đúng lộ trình, theo hướng giảm dần tàu công suất nhỏ (năm 2018 giảm trên 300 tàu, năm 2019 giảm tiếp 49 tàu), từng bước tăng nhanh tàu công suất lớn, đặc biệt là phương tiện trên 600 CV.
Đến cuối tháng 3/2020 toàn tỉnh có gần 3.500 phương tiện tham gia đánh bắt thủy sản với tổng công suất trên 660.000 CV, riêng tàu đảm bảo diện tích từ 15m trở lên là 1.257 chiếc.
Qua phân loại có 733 tàu làm nghề lưới kéo, 1.576 tàu làm nghề lưới rê, 166 tàu làm nghề vây, 101 tàu nghề câu, 18 tàu dịch vụ hậu cần và 921 tàu làm các nghề khai thác khác. Nhìn chung cơ cấu ngành nghề khá phù hợp, đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
Lực lượng lao động nghề biển ở Nghệ An vẫn tương đối dồi dào với khoảng 16.000 người. Lao động đa phần trong độ tuổi từ 18 đến 45, có sức khỏe tốt, nhiều kinh nghiệm.
Ở chiều ngược lại, chất lượng lao động chưa cao do không được đào tạo bài bản, chưa kể mặt bằng trình độ dân trí của ngư dân thấp. Trong 2 năm trở lại đây, vì nhiều yếu tố nên lực lượng này đang có xu hướng giảm nhanh, lâu dài sẽ kéo theo nhiều hệ lụy.
Chủ động nhập cuộc
Qua 2 năm thực hiện Chỉ thị 45/CT-TTg ngày 13/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, bật lên rõ nét vai trò của Sở NN-PTNT Nghệ An.
Trên thực tế, đơn vị đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo sát sườn, đúng trọng tâm làm cơ sở hướng dẫn thực hiện, như: Quyết định thành lập Tổ liên ngành thanh tra kiểm soát nghề cá tại cảng cá; công văn xác minh tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài; kế hoạch lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; công văn tăng cường hoạt động tại các Tổ liên ngành thanh tra kiểm soát nghề cá, quy chế hoạt động đường dây nóng, công tác đăng ký đăng kiểm, cấp giấy phép, giấy ATTP cho tàu cá...
Có sự chỉ đạo quyết liệt từ trên, các Tổ Công tác liên ngành thanh tra, kiểm soát nghề cá ngay khi thành lập đã bắt tay vào tổ chức kiểm tra, kiểm soát 100% đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24m trở lên và trên 20% đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 24m.
Năm 2018 kiểm tra tổng cộng 1.755 lượt tàu cập cảng (Cảng cá Lạch Quèn: 1.373 lượt tàu; Lạch Vạn: 95 lượt tàu; Cửa Hội: 287 lượt tàu), tổng sản lượng bốc dỡ qua cảng đạt 23.471 tấn. Năm 2019 kiểm tra 4.737 lượt tàu rời cảng và 4.488 lượt tàu cập bến, ghi nhận hơn 9.986 tấn sản lượng bốc dỡ qua cảng.
Trong 3 tháng đầu năm 2020, Tổ Công tác liên ngành đã kiểm tra tổng cộng 765 lượt tàu rời và cập cảng, sản lượng bốc dỡ kiểm tra trên 669 tấn.
Ở một khía cạnh khác, năm 2018 UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành các công văn về việc kiểm tra, xác minh tàu cá địa phương vi phạm vùng biển Trung Quốc. Sở NN-PTNT đã chủ trì, phối hợp với Biên phòng, Công an và chính quyền địa phương thực hiện 3 cuộc kiểm tra, xác minh đối với 17 tàu cá thuộc phường Quỳnh Phương (thị xã Hoàng Mai), xã Tiến Thủy, Quỳnh Long, Sơn Hải (huyện Quỳnh Lưu) vi phạm vùng biển Trung Quốc.
Qua nắm bắt, nguyên nhân vi phạm chủ yếu là do gặp sự cố hỏng máy khiến phương tiện bị trôi qua qua địa phận Trung Quốc. Ngoài ra, phần vì sản lượng thủy sản ở các vùng biển truyền thống của Việt Nam giảm sút, kết hợp thông tin dự báo ở những vùng biển khác có cá nên các phương tiện di chuyển theo nhưng không kiểm soát được tọa độ, hành trình, từ đó vô tình khai thác vào vùng cấm.
Mặc dù Ban Quản lý cảng cá Nghệ An đã xây dựng quy trình tiếp nhận thông tin tàu cá, tuy nhiên công tác giám sát bốc dỡ thủy sản chưa hiệu quả, quá trình giám sát còn bộc lộ nhiều mặt hạn chế, lắm lúc còn nặng tính hình thức.
Hiện tại Nghệ An có 3 cảng cá được chỉ định để xác nhận nguồn gốc thủy sản, gồm Cửa Hội, Lạch Vạn, Lạch Quèn. Điều đáng nói, kể từ khi triển khai nhiệm vụ các đơn vị chưa nhận được hồ sơ của các tổ chức, cá nhân vào yêu cầu biên nhận, cấp giấy xác nhận/chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác trong nước không vi phạm quy định về đánh bắt hợp pháp.
Gian nan gỡ nút thắt
Lâu nay nhiệm vụ kiểm tra an toàn kỹ thuật tàu cá được Chi cục Thủy sản Nghệ An thực hiện theo định kỳ trước khi cấp giấy chứng nhận đăng kiểm. Tuy nhiên do hoạt động trong điều kiện khắc nghiệt, các trang thiết bị dễ hư hỏng, mất mát, ngược lại quá trình bảo quản không có được sự chủ động từ ngư dân.
Nhìn nhận khách quan, thời gian qua công tác tuyên truyền, phổ biến về Luật Thủy sản, các quy định về khai thác bất hợp pháp trên địa bàn chưa thật sự tốt, chưa thường xuyên, hình thức tuyên truyền chưa phong phú.
Trao đổi cùng NNVN, ông Nguyễn Chí Lương, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Nghệ An xác nhận công tác tuần tra, kiểm soát ngăn chặn tình trạng khai thác bất hợp pháp trên địa bàn đang đối diện với nhiều khó khăn: phương tiện không đảm bảo (2 tàu Kiểm ngư đã sử dụng gần 20 năm); lực lượng làm nhiệm vụ chưa chính quy, thiếu nhân lực (hiện chỉ có 7 người/tàu trong khi theo quy định là 11 người/tàu) và thiếu kinh phí.
Ở một khía cạnh khác, được sự hỗ trợ của dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững tỉnh Nghệ An, địa phương đã thành lập được 12 Tổ đồng quản lý nguồn lợi thủy sản ven bờ. Dù vậy do thiếu hụt trầm trọng kinh phí nên quá trình hoạt động chưa ổn định và thiếu bền vững.
Trong khi đó, trên cơ sở thông tin đường dây nóng Chi cục Thủy sản đã khâu nối với các cơ quan liên quan thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên biển. Qua số liệu thực tế, dễ thấy tình trạng vi phạm (chất nổ, xung điện, sai vùng khai thác, quá hạn giấy phép, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật, vi phạm vùng biển nước ngoài…) diễn biến phức tạp.
Năm 2018 lực lượng chuyên ngành kiểm tra 3.147 phương tiện, phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 277 trường hợp, tổng số tiền xử phạt hơn 814 triệu đồng. Riêng phía thị xã Hoàng Mai đã tiến hành khởi tố 1 chủ phương tiện, ngoài ra đã tịch thu 9 kíp nổ, 29 chiếc kích điện, 9 chiếc lưới giã, 422 m dây điện… là tang vật liên quan.
Năm 2019 tổ chức kiểm tra 228 chuyến, xử phạt 90/3.409 phương tiện với số tiền hơn 600 triệu đồng. Trong 3 tháng đầu năm 2020 tiếp tục làm việc với 550 lượt phương tiện, phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 9 trường hợp với tổng tiền phạt 119 triệu đồng.
Đánh bắt sai tuyến vẫn phổ biến
Một trong những vấn đề gian nan nhất hiện nay là tình trạng đánh bắt sai tuyến, nổi cộm là đội tàu giã kéo của ngư dân phường Nghi Thủy (thị xã Cửa Lò), xã Diễn Bích, Diễn Ngọc (huyện Diễn Châu). Mặc dù cơ quan chức năng đã triển khai nhiều phương án, dù vậy mọi thứ vẫn rối như canh hẹ.