| Hotline: 0983.970.780

Nghệ An phát triển nghề nuôi ong

Thứ Ba 10/06/2008 , 10:00 (GMT+7)

Dù ngành ong đang “tụt dốc’’ thì ở Nghệ An nghề nuôi ong lại đang có xu thế phát triển mạnh, và sản phẩm thu hoạch đến đâu đều được bán hết ngay đến đó.

Ông Võ Việt Dũng- GĐ Xí nghiệp ong Khu 4 thuộc Cty CP ong Trung ương sau khi dẫn chúng tôi đi thăm một số hộ đang giàu lên nhờ nuôi ong, đã cho biết: Địa bàn hoạt động của XN ong Khu 4 được trải rộng khắp vùng Bắc Trung bộ. Nhiệm vụ của đơn vị không chỉ phát triển đàn và thu hoạch sản phẩm mật mà còn có trách nhiệm mở các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi ong để nhân rộng mô hình cho dân.

Ông Dũng bảo: Cũng bắt đầu từ nguồn giống ong của XN nhân đàn, tính đến nay nông dân trong tỉnh Nghệ An đã phát triển lên tới hàng chục ngàn đàn. Trong đó XN có 900 đàn (500 đàn ong ngoại, 400 đàn ong nội), nhưng ở huyện Nghĩa Đàn là địa bàn XN xây dựng trụ sở đã có tới 3.000 đàn (1.500 đàn ong ngoại, 1.500 đàn ong nội), huyện Tân Kỳ trên 2.000 đàn, các huyện khác như Yên Thành, Diễn Châu, Quỳ Châu, Quỳ Hợp… mỗi nơi có ít nhất cũng được trên 500 đàn.

Giám đốc XN ong Khu 4 ông Võ Việt Dũng kiểm tra chất lượng đàn ong của anh Long ở huyện Nghĩa Đàn

Đối với nguồn hoa để ong tạo mật, mặc dù ở khu vực miền tây bắc Nghệ An là rất dồi dào nhưng vì tổng đàn khá lớn nên hàng năm XN vẫn phải di chuyển đàn ong của mình vào tận Đắc Lắc, Gia Lai, Đồng Nai, Lâm Đồng để ong lấy mật hoa cà phê, cao su, bạch đàn. Xong vụ này ong lại được chuyển đi ngược Sơn La, Lục Ngạn, Hưng Yên để ong lấy mật từ các loại hoa của giống cây ăn quả. Không những thế mà ong còn được chuyển tới vùng trung du, đồng bằng để lấy mật từ hoa vừng, hoa ngô, hoa cải…

Học tập cách làm này, những nông dân nuôi ong ngoại cũng phải cất công di chuyển đàn ong theo mùa hoa đi khắp ngả. Nuôi ong tuy vất vả và công chăm sóc là khá lớn nhưng hàng năm mỗi đàn cũng cho thu hoạch được 35- 40 kg mật. Ong nội cho năng suất thấp hơn, nhưng mỗi năm cũng đạt được 15- 18 kg mật/đàn. Tính theo giá bán thấp nhất 40.000đ/kg thì những nhà nuôi ong ở Nghệ An đã thu về một nguồn lợi rất đáng kể. Nhiều gia đình đã giàu lên như hộ anh Lưu, anh Long ở xã Nghĩa Quang, Nghĩa Đàn nuôi 150 đàn ong ngoại, mỗi năm bán 6 tấn mật thu được 240 triệu đồng. Các hộ dân tranh thủ công nhàn rỗi để nuôi ong như ông Nhánh, ông Khánh ở huyện Quỳ Châu có 40 đàn ong nội, mỗi năm cũng thu được gần 30 triệu đồng…

Bàn về mức tiêu thụ mật và tổng đàn ong hiện nay ở Nghệ An, ông Võ Việt Dũng cho hay: Đầu năm nay thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài, nhiều nông hộ nuôi ong đã không có biện pháp chăm sóc chu đáo nên tổng đàn có thất thoát do bị chết hoặc bốc bay. Tuy nhiên nói về sản lượng mật ong thì năm nay ở vùng Bắc Trung bộ hoa trái được mùa, do vậy lượng mật ong thu về trên mỗi đàn là không thấp thua so với các năm trước. Về thị trường tiêu thụ, riêng XN không làm công tác xuất khẩu mà chỉ nhập sỉ cho các đơn vị bạn thu mua (bình quân mỗi năm XN xuất bán được 25-30 tấn).

Các địa phương có lượng mật ong lớn như ở huyện Nghĩa Đàn, Tân Kỳ hàng năm đều xuất bán hết. Thế nên tỉnh Nghệ An đang có nhiều chính sách để khuyến khích nông dân phát triển nghề nuôi ong. Và để đáp ứng nhu cầu nuôi ong cho nông dân, hàng năm XN đã cử các bộ đến các huyện để mở các lớp tập huấn kỹ thuật. Năm ngoái XN đã mở 4 lớp kỹ thuật nuôi ong tại huyện Tân Kỳ, tại đây đã có 230 học viên là nông dân đã tham gia rất hứng khởi. Tại huyện Nghĩa Đàn, mới rồi XN cũng đã mở được 2 lớp học để giảng giải cho trên 100 nông dân hiểu rõ cách thức nhân đàn, tạo chúa, cũng như các biện pháp chăm sóc, phòng trừ bệnh hại cho ong và kỹ năng khai thác mật.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.