Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã xuất hiện các ổ dịch trên đàn lợn, đàn gia cầm, gần đây nhất là ổ dịch tả lợn châu Phi xẩy ra tại xã Yên Khê, huyện Con Cuông và một số ổ dịch cúm gia cầm H5N1 như tại xã Hoa Thành (huyện Yên Thành), Thị trấn Thái Lão (huyện Hưng Nguyên), xã Nghi Đức (TP Vinh).
Ông Ngô Đức Quỳnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y tỉnh Nghệ An cho biết, dù công tác tuyên truyền đã dược đẩy mạnh đến tận từng khối xóm, làng, bản. Nhưng nhiều người chăn nuôi vẫn coi thường, chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc tiêm phòng vacxin cho đàn vật nuôi để bảo vệ chính tài sản của mình. Đặc biệt thời gian qua và cả hiện nay thời tiết vừa rét, vừa mưa phùn, ẩm độ không khí cao và là những ngày cuối năm nên tình trạng buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm càng nhiều, nguy cơ bùng phát các ổ dịch gia súc, gia cầm mới rất cao. Trong khi đó, tỉ lệ tiêm phòng vacxin cho đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh hiện rất thấp nên nguy cơ bùng phát, lây lan dịch bệnh rất nguy hiểm.
Theo số liệu thống kê của Chi cục Chăn nuôi – Thú y Nghệ An, trong các đợt tiêm phòng vụ xuân, vụ hè thu của năm 2022, tỉ lệ tiêm vacxin phòng bệnh cho đàn vật nuôi tại nhiều địa phương chỉ đạt dưới 20% tổng đàn, nhất là các huyện Thanh Chương, Nghi Lộc, Kỳ Sơn, Tân Kỳ, Diễn Châu, Thị xã Hoàng Mai, Tương Dương...
Tại huyện Diễn Châu, hiện có đàn lợn gần 29.000 con, lớn nhất tỉnh, trong đó 70% nuôi ở trang trại; gần 1,8 triệu con gà, 14.800 con trâu bò và là địa phương nằm trên tuyến đường Quốc lộ 1, Quốc lộ 7, tỉnh lộ 38..., là nơi giao lưu của nhiều đường giao thông qua lại, vào Nam, ra Bắc, lên miền tây, xuống miền biển. Tuy nhiên, tỉ lệ tiêm phòng cả năm 2022 của huyện Diễn Châu chỉ đạt dưới 20%, quá thấp.
Để đề phòng khả năng bùng phát dịch bệnh trên đàn vật nuôi hiện nay, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã có công điện khẩn đến chủ tịch UBND các huyện, thành, thị, giám đốc sở, trưởng các ban, ngành có liên quan tiến hành đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Đồng thời bố trí đủ kinh phí để triển khai kịp thời, hiệu quả trong thời gian sớm nhất. Mặt khác, cần có kế hoạch tổ chức tiêm vacxin phòng chống các dịch bệnh cho đàn vật nuôi trong năm 2023 sắp tới, trong đó lưu ý đặc biệt các dịch bệnh như cúm gia cầm, viêm da nổi cục, dại, lở mồm long móng, tai xanh..., đảm bảo tỷ lệ đàn vật nuôi được tiêm phải đạt ít nhất 85 – 90% tổng đàn.
Đối với các địa phương đang có dịch cúm gia cầm, dịch tả lợn châu Phi, Chủ tịch UBND tỉnh giao phải tập trung chỉ đạo quyết liệt, huy động nhân lực, vật lực bao vây khống chế, xử lý dứt điểm các ổ dịch, tăng cường kiểm tra công tác giết mổ, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ở tất cả mọi nơi, mọi lúc...