Để chủ động ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm phát sinh và lây lan, đồng thời ngăn ngừa bệnh truyền lây từ động vật cho người, bảo đảm an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh cho phát triển chăn nuôi, Sở NN-PTNT Quảng Trị đã có công văn hướng dẫn triển khai thực hiện “Tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng đợt 2 năm 2022” trên địa bàn toàn tỉnh.
Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Trị, trong 10 tháng đầu năm 2022, tại Quảng Trị, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 225 hộ, 51 thôn, 29 xã, thị trấn của 5 huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng và Hướng Hóa, làm chết và tiêu hủy 822 con lợn các loại; bệnh viêm da nổi cục trâu bò xảy ra tại 3 hộ dân tại thôn Tích Tường, xã Hải Lệ (thị xã Quảng Trị) làm 3 con bò mắc bệnh; bệnh lở mồm long móng xảy ra tại 2 xã (Cam Thành và Cam Tuyền, huyện Cam Lộ) làm 38 con trâu bò mắc bệnh; bệnh cúm gia cầm A/H5N1 xảy ra tại 01 hộ dân tại thôn Phan Hiền, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh, phải tiêu hủy 2.000 con gia cầm các loại.
Kết quả giám sát chủ động cũng cho thấy các loại mầm bệnh còn lưu hành với tỷ lệ tương đối cao ở ngoài môi trường và ở quần thể gia súc, gia cầm. Trong khi đó, tổng đàn vật nuôi lớn; thời tiết thay đổi, diễn biến phức tạp tạo, điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển, ảnh hưởng đến sức đề kháng của vật nuôi. Việc gia tăng vận chuyển động vật, các sản phẩm động vật giữa các địa phương tăng cao để phục vụ nhu cầu thực phẩm cuối năm. Do đó, nguy cơ các loại dịch bệnh gia súc, gia cầm xảy ra vào các tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023 là rất cao.
Thực hiện Công văn số 7320/BNN-TY ngày 02/11/2022 của Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh Quảng Trị đã có Công văn số 5607/UBND-KT ngày 04/11/2022 về việc triển khai "Tháng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đợt 2/2022" trên địa bàn toàn tỉnh từ ngày 10/11/2022 đến ngày 10/12/2022. Theo đó, tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường là biện pháp quan trọng loại bỏ và tiêu diệt mầm bệnh, hạn chế mầm bệnh phát tán và lây lan.
UBND tỉnh Quảng Trị giao Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tăng cường kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh tiêu độc khử trùng, chuẩn bị bình phun hỗ trợ các địa phương nếu có nhu cầu; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác phòng chóng bện bệnh dịch tả lợn châu Phi, bệnh viêm da nổi cục trâu bò, bệnh lở mồm long móng, bệnh cúm gia cầm A/H5N1.
Đồng thời, tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật và kiểm soát giết mổ tại các địa phương; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định. Tổ chức giám sát lưu hành các loại mầm bệnh nguy hiểm để kịp thời đưa ra khuyến cáo cho người dân nhằm chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh, kịp thời phát hiện, ngăn chặn không để lây lan ra diện rộng góp phần bảo vệ đàn vật nuôi và thúc đẩy tăng trưởng chăn nuôi các tháng cuối năm.