| Hotline: 0983.970.780

Người chăn nuôi mong có chính sách hỗ trợ dịch tả lợn Châu Phi

Thứ Tư 14/12/2022 , 06:35 (GMT+7)

Mòn mỏi chờ có chính sách mới hỗ trợ lợn bị chết do dịch tả lợn Châu Phi 2 năm nay khiến nhiều hộ chăn nuôi tại Bắc Kạn lâm cảnh khó khăn.

Ông Hoàng Thồng Phấu mong mỏi từng ngày sớm có chính sách hỗ trợ để nhanh chóng tái đàn. Ảnh: Ngọc Tú.

Ông Hoàng Thồng Phấu mong mỏi từng ngày sớm có chính sách hỗ trợ dịch tả lợn Châu Phi để nhanh chóng tái đàn. Ảnh: Ngọc Tú.

Nà Vài là thôn khó khăn của xã Nghiên Loan, huyện Pác Nặm (Bắc Kạn), trước đây, người dân chủ yếu độc canh cây lúa, cuộc sống luẩn quẩn trong đói nghèo. Để tìm đường thoát nghèo, nhiều hộ đã liên kết thành tổ hợp tác để nuôi lợn. Từ nguồn vốn tự có và sự hỗ trợ từ các dự án, tổ hợp tác này đã nuôi được gần 100 con lợn.

Những tưởng khi bán lợn nhiều hộ sẽ có thêm vốn để mở rộng sản xuất, nhưng đầu năm 2021, dịch tả lợn châu Phi ập đến, toàn bộ đàn lợn bị chết phải tiêu hủy. Anh Nông Văn Oanh, thôn Nà Vài, xã Nghiên Loan cho biết, sau khi tiêu hủy lợn, các hộ cũng đã làm đầy đủ thủ tục để được hỗ trợ, nhưng đã gần 2 năm trôi qua vẫn chưa nhận được tiền. Hầu hết các hộ tham gia tổ hợp tác là hộ nghèo, đời sống rất khó khăn. Gia đình cũng bị thiệt hại 30 triệu đồng, giờ không có vốn để tái đàn, đầu tư sản xuất.

Cũng trong tình cảnh tương tự, năm 2021, gia đình ông Hoàng Thồng Phấu thôn Nà Vài, xã Nghiên Loan cũng có 20 con lợn chết vì dịch tả lợn châu Phi, thiệt hại 30 triệu đồng. Gia đình cũng đã được chính quyền địa phương đến thống kê và tiêu hủy đàn lợn bị bệnh, nhưng đến nay chưa nhận được tiền hỗ trợ. Ngoài một vài mảnh ruộng vốn chỉ đủ ăn, chăn nuôi lợn là nghề chính đem lại thu nhập cho gia đình. Tuy nhiên, thiệt hại từ dịch tả lợn năm ngoái khiến kinh tế gia đình kiệt quệ.  

“Rất mong nhà nước có chính sách hỗ trợ để gia đình có vốn đầu tư tái đàn, mình là hộ nghèo chỉ luẩn quẩn ruộng vườn với chuồng trại nếu không có vốn để mua lợn giống về nuôi thì cũng không biết làm gì. Ở trong thôn ai cũng ngong ngóng chờ tiền hỗ trợ nhưng mãi vẫn chưa thấy nên bà con rất lo lắng”, anh Phấu tâm sự.

Chuồng trại của nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao bỏ không vì lâm cảnh khó khăn. Ảnh: Ngọc Tú.

Chuồng trại của nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao bỏ không vì lâm cảnh khó khăn. Ảnh: Ngọc Tú.

Năm 2021, dịch tả lợn Châu Phi bùng phát tại 10 xã của huyện Pác Nặm, có khoảng 300 hộ có lợn bị chết, số lợn đã tiêu huỷ có giá trị gần 1 tỷ đồng. Đến năm 2022, dịch tả lợn Châu Phi tiếp tục xảy ra tại 17 hộ thuộc các xã Bằng Thành, Công Bằng, Giáo Hiệu, Nghiên Loan, Cao Tân, An Thắng. Đến nay, huyện Pác Nặm vẫn chưa có kinh phí hỗ trợ các hộ có lợn chết do dịch tả lợn Châu Phi.

Ông Hoàng Văn Ngôn, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Pác Nặm xác nhận, đến nay, huyện chưa có kinh phí chi trả cho người dân. Phòng đã phối hợp với UBND các xã tổng hợp báo cáo huyện nhưng kinh phí hỗ trợ vượt quá khả năng của huyện.

Khó khăn nữa là trước đây có quyết định của Chính phủ về hỗ trợ người dân có lợn bị dịch tả lợn châu Phi, nhưng quyết định này hiện đã hết hiệu lực. Hiện nay, Chính phủ chưa ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ mới nên việc thực hiện chi trả hỗ trợ cho người chăn nuôi chưa thể triển khai. 

Pác Nặm là huyện vùng cao khó khăn nhất tỉnh Bắc Kạn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 50%, đa số người dân chăn nuôi lợn nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình. Khi xảy ra dịch bệnh, thiệt hại tuy số tiền không lớn nhưng tác động sâu sắc đến đời sống người dân.

Cùng với đó, hai năm gần đây, giá vật tư chăn nuôi tăng nhanh, nhưng giá lợn hơi xuống thấp khiến người chăn nuôi lao đao. Do đó, người chăn nuôi rất mong mỏi cần sớm có chính sách hỗ trợ cho người dân có lợn chết do dịch tả lợn Châu Phi để họ giảm bớt khó khăn, có vốn tái đàn phát triển kinh tế.

Xem thêm
Bảo toàn đàn vật nuôi giữa nắng nóng kỷ lục

BÌNH ĐỊNH Đang trong giai đoạn nắng nóng cao độ kỷ lục, người chăn nuôi tại Bình Định áp dụng nhiều biện pháp nhằm bảo toàn sức khỏe đàn vật nuôi.

Lấy doanh nghiệp là đầu tàu để phát triển bền vững ngành mía đường

Cơ quan chức năng cần có giải pháp nhằm củng cố và phát triển chuỗi liên kết sản xuất trong bối cảnh cây mía đang dần mất vị thế.

'Bắt bệnh, bốc thuốc' cho vườn cam thoái hóa

HÀ TĨNH Nhờ áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, những vườn cam có 30 - 50% số cây 'ốm yếu', suy kiệt, có nguy cơ phải phá bỏ đã được giữ lại.