| Hotline: 0983.970.780

Nghề ấp gà giống

Thứ Tư 23/07/2014 , 10:15 (GMT+7)

Anh Trần Văn Phúc ở xóm Tân Thắng, xã Tú Thịnh (Sơn Dương, Tuyên Quang) có gần 20 năm làm nghề ấp nở gà giống.

Trang trại của anh luôn duy trì trên 2.000 con gà mái đẻ, ấp trứng để bán cho các hộ chăn nuôi ở các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hà Giang, Tuyên Quang...

Từ năm 1984, gia đình anh nhận khoán 7 ha đất vườn, bãi của Cty chè Tân Trào. Suốt 10 năm trồng cây nông, lâm nghiệp ngắn ngày nhưng số tiền thu được chẳng là bao, càng làm càng thua lỗ. Năm 1995, anh chuyển sang làm trang trại chăn nuôi gà, vừa làm vừa đúc kết kinh nghiệm.

Lứa gà đầu tiên anh mua 480 con về nuôi, khi gà đạt khoảng 0,8 kg/con thì lăn đùng ra chết, chỉ mấy ngày sau cả chuồng gà chết sạch. Gà bị bệnh nên không dám ăn và cũng không thể bán, vợ chồng anh gạt nước mắt gom đi chôn. Người thân đã khuyên anh từ bỏ nghề nuôi gà vì rủi ro quá lớn.

Dù bị thua lỗ nặng lứa gà đầu tiên, nhưng anh vẫn quyết tâm đi học hỏi cách nuôi gà ở Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hà Tây (cũ) để làm theo. Khi có chút kiến thức, anh vay vốn làm chuồng trại theo đúng kỹ thuật và thực hiện phòng bệnh cho gà theo mùa.

Để tiết kiệm chi phí, anh Phúc chăn thả gà theo lối bán tự nhiên hoang dã, tức là chuồng xây trong vườn có nhiều cây bóng mát, khi nắng nóng gà ra vườn bới đất làm ổ ngủ, khi mưa thì chúng chạy vào chuồng. Cách làm này giảm được chi phí tiền điện quạt mát chuồng mùa hè. Vào mùa đông anh rải nhiều trấu lót chuồng và vây bạt kín gió, che ấm cho gà.

Khi hỏi về những thành công và tích lũy được sau gần 20 năm theo nghề ấp nở gà giống, anh Phúc chia sẻ: "Khoảng chục năm trở lại đây, mỗi năm gia đình tích lũy được khoảng 200 triệu đồng. Số tiền đó lại đầu tư vào chăn nuôi và sinh hoạt nên cũng chẳng có gì hơn ngoài căn nhà 2 tầng. Nhưng có lẽ cái được lớn nhất của tôi là kinh nghiệm nuôi gà ấp nở an toàn để truyền lại cho con cháu".

Theo anh Phúc thì lối chăn thả bán tự nhiên sẽ giúp con giống có sức đề kháng tốt, đẻ nhiều và gà con cũng được thừa hưởng đề kháng tốt từ gà bố mẹ. Do đó, gà giống luôn khỏe, dễ bán. Trang trại từng  bước có uy tín với các hộ chăn nuôi ở huyện Sơn Dương.

Khi dẫn tôi vào thăm trại gà, Phúc bật mí: "Nuôi gà đẻ rất khó. Nếu cho nó ăn tốt sẽ nhanh béo nhưng lại đẻ ít trứng, còn cho ăn ít thì nó không chịu đẻ. Vì vậy, muốn nó đẻ nhiều, tôi phải chăm sóc theo từng thời kỳ. Khi gà bắt đầu đẻ thì cho ăn theo chế độ nhiều tinh và đạm.

Gà đẻ vài chục trứng thì cho ăn ít hơn. Đẻ trên 100 quả trứng lại chăn theo kiểu khác. Cứ thế gà được cho ăn theo sơ đồ thời gian sinh trưởng, đảm bảo mỗi con đẻ được từ 170 - 180 quả trứng/lứa mới có lãi, nếu đẻ khoảng 140 trứng/lứa sẽ hòa, còn ít hơn nữa sẽ bị lỗ tiền thức ăn, công nuôi...".

Cũng theo anh Phúc, giá đầu vào từ thức ăn, thuốc thú y... đều cao, nếu không tính toán kỹ lưỡng rất dễ bị thua lỗ. Do đó, thức ăn cho gà cũng được anh tính toán chi tiết ở chỗ, khi nào cho chúng ăn chất tinh bột tự nhiên như ngô, khoai, sắn, thóc và khi nào mới cho ăn cám.

Vì cho ăn cám liên tục, gà sẽ rất béo và đẻ ít, còn cho ăn kèm với thóc thì gà không béo nên đẻ nhiều, trong khi giá thức ăn tự nhiên rẻ, góp phần giảm chi phí cho gia chủ.

"Giá trứng, gà giống rất bấp bênh, khi lên cao, lúc lại xuống theo thời vụ. Thông thường, gà giống bán được giá từ tháng 6 đến tháng 10 dương lịch, thời điểm đó là lúc trang trại có tích lũy, để bù vào lúc giống rẻ. Có như vậy mới đủ vốn duy trì và thay thế đàn gà mẹ từ năm này qua năm khác", anh Phúc chia sẻ.

Xem thêm
Chăn nuôi Bắc Kạn vượt khó: [Bài 1] Cứu cánh từ đàn đại gia súc

Trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi hoành hành gây thiệt hại lớn, chăn nuôi đại gia súc trở thành cứu cánh của nhiều người dân, hợp tác xã ở tỉnh Bắc Kạn.

Biên Hòa phát hiện, xử lý các lò mổ lậu

Đồng Nai Lực lượng liên ngành thành phố Biên Hòa đang tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm giết mổ không phép trên địa bàn, nhất là trong giai đoạn cuối năm.

Cay đắng vì mua nhầm giống cúc mâm xôi lạ, chậm trổ bông

Bến Tre Hiện tượng cúc mâm xôi chậm phân cành, chậm phân hóa mầm hoa xảy ra với 70 hộ, số lượng khoảng 149.000 chậu, chiếm khoảng 10% tổng lượng cúc mâm xôi của huyện Chợ Lách.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.