| Hotline: 0983.970.780

Kỹ thuật xử lý ra hoa sầu riêng nghịch vụ

Thứ Tư 08/11/2023 , 12:38 (GMT+7)

ĐBSCL Xử lý ra hoa sầu riêng rải vụ vào những thời điểm thích hợp là kỹ thuật quan trọng giúp nhà vườn né được những thời vụ thu hoạch rộ ở các vùng khác nhau.

Xử lý ra hoa sầu riêng rải vụ vào những thời điểm thích hợp là kỹ thuật quan trọng giúp nhà vườn né được những thời vụ thu hoạch rộ ở các vùng khác nhau. Ảnh: TVH.

Xử lý ra hoa sầu riêng rải vụ vào những thời điểm thích hợp là kỹ thuật quan trọng giúp nhà vườn né được những thời vụ thu hoạch rộ ở các vùng khác nhau. Ảnh: TVH.

Sầu riêng ra hoa do ảnh hưởng của yếu tố khô hạn, kết hợp với nhiệt độ thấp nên thường ra hoa theo mùa, phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên của từng vùng. Nếu để cây ra hoa tự nhiên, thời vụ ra hoa, mức độ ra hoa và năng suất sẽ phụ thuộc rất lớn vào yếu tố thời tiết, dẫn đến tình trạng “trúng mùa, rớt giá”.

Bài liên quan

Xử lý sầu riêng ra hoa rải vụ vào những thời điểm thích hợp để bán được giá cao là kỹ thuật có ý nghĩa quan trọng giúp cho nhà vườn có thể “né” những thời vụ thu hoạch rộ ở các vùng khác nhau trong nước và ở những nước có điều kiện khí hậu tương tự trong khu vực.

Áp dụng thành công kỹ thuật điều khiển sầu riêng ra hoa vụ nghịch hay rải vụ là thế mạnh giúp cho sầu riêng Việt Nam có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực. Đặc biệt, những nước có điều kiện đất đai, khí hậu, trồng cùng giống và kỹ thuật thu hoạch như Việt Nam, Thái Lan và Cambodia. Ngoài ra, điều khiển để sầu riêng ra hoa tập trung là kỹ thuật quan trọng giúp cho việc chăm sóc, quản lý sâu bệnh, hạn chế được hiện tượng rụng trái non và sượng cơm trái.

Kỹ thuật xử lý ra hoa sầu riêng

Kỹ thuật xử lý cho sầu riêng ra hoa là quá trình làm giảm sự sinh trưởng của cây để cây chuyển qua giai đoạn sinh sản và ra hoa. Để cho cây sầu riêng ra hoa tập trung, đạt tỷ lệ cao cần áp dụng đồng bộ các kỹ thuật và quy trình xử lý ra hoa thay vì chỉ chú ý đến một kỹ thuật riêng lẻ.

Một số kỹ thuật xử lý cho sầu riêng ra hoa bao gồm:

Tạo khô hạn: Xiết nước trong mương cho khô kiệt, phủ nylon mặt liếp và xung quanh gốc không cho mưa thấm vào vùng rễ. Tùy theo địa phương có thể phủ trên mặt liếp như ở Tiền Giang hay phủ theo kiểu mái nhà như ở Bến Tre. Phủ theo kiểu mái nhà tốn công và chi phí nhiều hơn phủ mặt liếp nhưng phủ theo kiểu mái nhà không những ngăn cản nước mưa thấm vào vùng rễ mà còn giúp cho ẩm độ trong đất bốc hơi, thoát ra nhanh hơn nên có thể đạt hiệu quả ra hoa cao hơn.

Xử lý hóa chất: Hóa chất được nghiên cứu và sử dụng phổ biến để kích thích cho sầu riêng ra hoa ở Thái Lan và ĐBSCL là paclobutrazol (PBZ). PBZ có tác dụng ức chế quá trình sinh tổng hợp gibberellin ở đỉnh sinh trưởng, làm giảm sinh trưởng và thúc đẩy cây ra hoa. Tuy nhiên ở nước ta, hiện hóa chất này không nằm trong danh mục được sử dụng trên cây ăn trái. PBZ được phun đều trên 2 mặt lá ở nồng độ 0,10-0,15% khi cơi đọt cuối cùng ở giai đoạn lá lụa (khoảng 30 – 40 ngày tuổi). PBZ có thể hấp thu qua thân hay rễ nên cũng có thể phun lên thân hay tưới vào đất. Lưu ý là PBZ có thể lưu tồn trong đất hơn 2 năm nếu tưới vào đất.

Cắt hộc: Là kỹ thuật được nhà vườn ở Tiền Giang áp dụng trong nhiều năm qua nhưng chưa có nghiên cứu cụ thể trên cây sầu riêng. Kỹ thuật cắt rễ xung quanh tán cây kích thích ra hoa trên cây xoài đã được nghiên cứu ở Úc. Nhà vườn đào hộc có kích thước rộng 20 – 30cm, sâu khoảng 30cm xung quanh gốc cây khoảng 2,5-3,0m, đào khoảng 4 – 4,5m được ghi nhận không có hiệu quả. Tuy nhiên, nhà vườn không lấp hộc lại sau khi cây ra hoa nên có thể ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây và phát triển của trái.

Kỹ thuật xử lý sầu riêng ra hoa ở ĐBSCL là phủ nylon mặt liếp kiểu mái nhà tạo điều kiện khô hạn kích thích sầu riêng ra hoa ở Bến Tre. Ảnh: TVH.

Kỹ thuật xử lý sầu riêng ra hoa ở ĐBSCL là phủ nylon mặt liếp kiểu mái nhà tạo điều kiện khô hạn kích thích sầu riêng ra hoa ở Bến Tre. Ảnh: TVH.

Quy trình xử lý ra hoa sầu riêng

Quy trình xử lý sầu riêng ra hoa bao gồm tất cả các kỹ thuật và biện pháp hỗ trợ theo từng giai đoạn được tóm tắt như sau.

Sau thu hoạch

Phục hồi khả năng ra hoa, đậu trái bằng cách kích thích cho cây ra 1-2 cơi đọt.

Cắt tỉa cành bị sâu bệnh, cành ốm yếu, đan chéo trong thân hoặc cành non mọc trên cuống trái (bơi) hay trên cành chính. Nếu có bệnh đốm rong trên lá, cành nên phun thuốc gốc đồng.

Bón phân hữu cơ hoai mục 10 – 15kg/cây, có thể kết hợp với nấm Trichoderma spp. hay phân hữu cơ vi sinh ngừa nấm hại trong đất. Bón vôi 500 – 1.000kg/ha (3 – 5kg/cây) tùy theo loại đất, hàm lượng chất hữu cơ trong đất và nếu đất có pH<5. Bón 1 – 2kg/cây phân hóa học NPK có tỷ lệ 3:2:1 hay 4:3:2.

Tưới nước 2 – 3 ngày/lần. Nếu kích thích ra thêm cơi đọt thứ hai thì bón phân và tưới nước như khuyến cáo trên. Chú ý, nên phun phân bón lá có hàm lượng lân và kali cao cho lá trưởng thành đồng đều trước khi bón phân kích thích ra đọt.

Phun thuốc ngừa rầy nhy, rầy phấn, bọ trĩ hay nhện sau khi nhú đọt nhú và bung lá.

Phun phân vi lượng hay bón qua lá sau khi đọt non phát triển hoàn toàn (lá lụa hay có màu xanh nhạt).

Giữ mực nước trong mương ổn định ở độ sâu 60 –  80cm.

Tạo mầm hoa

Khi lá lụa (1 tháng trước khi phun Paclobutrazol - PBZ): Bón phân NPK có tỷ lệ 1:3:2 hay 1:3:3 để thúc đẩy hình thành mầm hoa hoặc trộn phân KCl + DAP tỷ lệ 2:1, liều lượng 0,5 kg/cây. Phun phân lân dạng acid phosphorous (H3PO3) qua lá 1 – 2 lần, cách nhau 10 – 15 ngày để thúc đẩy hình thành mầm hoa.

7 ngày trước khi phun PBZ: Cắt ‘bơi’ chồi non mọc trên cuống trái. Phun MKP 0-52-34 nồng độ 0,5% ướt đều hai mặt lá để lá trưởng thành đồng đều, bắt đầu xiết nước (bơm nước ra khỏi mương) cho đến khi mầm hoa nhú rõ.

Xử lý ra hoa

Phun PBZ ở nồng độ 1.000 – 1.500 ppm, phun dung dịch hóa chất điều lên 2 mặt lá vào lúc sáng sớm hay chiều mát. Xử lý ra hoa vụ nghịch nếu không sử dụng hóa chất PBZ tỷ lệ ra hoa thường chỉ đạt 50 – 60% tùy theo điều kiện thời tiết có mưa hay không.

'Cắt hộc' với bề rộng 20 – 30cm, sâu 30cm xung quanh gốc sầu riêng từ 2,5 - 3m kết hợp với phủ gốc bằng nylon để kích thích cây ra hoa ở Tiền Giang. Ảnh: TVH.

"Cắt hộc" với bề rộng 20 – 30cm, sâu 30cm xung quanh gốc sầu riêng từ 2,5 - 3m kết hợp với phủ gốc bằng nylon để kích thích cây ra hoa ở Tiền Giang. Ảnh: TVH.

Xiết nước trong mương khô kiệt. Phủ nylon mặt liếp. Đào hộc xung quanh gốc rộng 20 – 30cm, sâu 30cm xung quanh gốc, khoảng cách 2,5 – 3m từ gốc cây sầu riêng.

Giai đoạn ra hoa

Nhú mầm hoa (mắt cua): Phun KNO3 nồng độ 1 – 1,5% để thúc mầm hoa phát triển tập trung, ngừa mầm hoa bị miên trạng (chai), phun đều lên mầm hoa, phun lại lần 2 nếu mầm hoa chưa phát triển đều. Bón phân kéo đọt phát triển khi mầm hoa (có dạng tròn, xác định là mầm hoa, không phải mầm lá) nhú 5 – 7 ngày (NPK 1:1:1 + urê, trộn với tỷ lệ 3:1, liều lượng 0,5-0,7kg/cây). Bón phân NPK 1:1:1 liều lượng 0,2 – 0,3kg/cây nuôi hoa giai đoạn 25 – 30 ngày sau khi nhú mầm.

Ngừa sâu bệnh, đặc biệt là bệnh thán thư hại hoa trong mùa mưa. Cho nước vô mương trở lại và giữ ở độ sâu 60 – 80cm từ mặt liếp. Tưới nước trở lại cho cây. Nên tưới với lượng nước đủ ẩm ở những ngày đầu, sau đó lượng nước tăng dần nhưng tránh tình trạng đọng nước và “lèn” mặt liếp. Nhịp tưới 2 – 3 ngày/lần, chỉ tưới khi đất đã ráo nước. Dở màng phủ khi mầm hoa phát triển rõ.

Sầu riêng trong giai đoạn ra hoa. Ảnh: Kim Anh.

Sầu riêng trong giai đoạn ra hoa. Ảnh: Kim Anh.

Hoa phát triển: Giai đoạn 20 và 40 ngày sau khi hoa phát triển, tiến hành tỉa hoa khi cây ra nhiều hoa. Tỉa bỏ hoa ở ngoài tán, trên thân hoặc gần sát thân chính, tỉa bỏ những chùm hoa gần sát nhau, cuống nhỏ, để lại những hoa có cuống to, khoảng cách đều giữa các chùm hoa trên cành. Phun thuốc ngừa sâu bệnh trước khi hoa nở, đặc biệt là ngừa bệnh thán thư làm khô hoa, ngừa bọ trĩ trong mùa khô. Trước khi hoa nở 3 – 5 ngày phun canxi bo để tăng đậu trái, ngưng phun các loại thuốc trừ sâu bệnh.

Giai đoạn đậu trái:

Tăng tỷ lệ đậu trái cho cây bằng cách sau khi hoa nở 3 – 5 ngày phun canxi bo.

Thụ phấn bổ sung bằng tay, thời gian từ 18 – 21 giờ. Thụ phấn bằng cách dùng cây chổi bằng nylon quơ qua, quơ lại vài lần lên nướm của chùm hoa đang nở. Tốt nhất là lấy phấn từ cây khác giống để đạt tỷ lệ đậu trái cao, ít bị rụng trái non. Thụ phấn những chùm hoa ở giữa cành, không thụ phấn chùm hoa ở ngọn cành sẽ dễ bị gãy hay sát thân chính, trái sẽ phát triển chậm. Mỗi đợt ra hoa kéo dài 10 – 14 ngày, cần thụ phấn 5 – 7 lần.

Giai đoạn rụng trái non và phát triển trái:

7 - 10 ngày sau khi đậu trái, phun phân bón lá NPK tỷ lệ 1:2:1 nồng độ 0,5% + Gibberellin (GA3) nồng độ 5 – 10 ppm (1 g nguyên chất/100 – 200 lít nước) để hạn chế sự rụng trái non, phun lần 2 sau 10 – 15 ngày.

15 - 20 ngày sau khi đậu trái, phun thuốc ngừa sâu đục trái, phun canxi bo để hạn chế rụng trái non.

Rất nhiều nhà vườn sợ cây ra đọt trong giai đoạn này nên tưới nước rất ít, làm cho cây bị thiếu nước, nhất là vùng đất có nhiều cát, thành phần cơ giới nhẹ dẫn đến trái non bị khô, rụng. Tưới quá nhiều nước sẽ kích thích cây ra đọt, cạnh tranh dinh dưỡng làm rụng trái non.

20-25 ngày sau khi đậu trái, tiến hành tỉa trái lần 1 nếu tỷ lệ đậu trái cao, tỉa bỏ trái méo, cuống nhỏ.

Ức chế ra đọt non bằng cách phun MKP 0-52-34 nồng độ 2 – 2,5% hay KNO3 1,5% hay mepiquat chloride nồng độ 0,25%, 15 – 20 ngày/lần.

25 – 30 ngày sau khi đậu trái, bón phân thúc phát triển trái lần 1, phân NPK 1:1:1 có thể kết hợp với phân urê với tỷ lệ 3:1 nếu cây phát triển không tốt hay ra nhiều trái, trung bình 1 – 1,5kg/cây tùy theo tuổi cây và số trái/cây. Chú ý nên dùng phân không có gốc chlor như KCl, phun phân vi lượng.

30 – 35 ngày sau khi đậu trái, phun Ca (NO3)2 nồng độ 0,2% để hạn chế hiện tượng sượng cơm hay canxi bo để khắc phục hiện tượng cháy múi trên sầu riêng Ri 6. 10 – 14 ngày sau phun MgSO4 nồng độ 0,2% để hạn chế sượng cơm.

40 – 45 ngày sau khi đậu trái, tỉa thưa trái, chùm quá nhiều trái. Số trái/cây trưởng thành 10 – 15 năm tuổi để từ 70 – 100 trái/cây.

55 – 60 ngày sau khi đậu trái, bón phân lần 2 thúc trái phát triển (phân NPK tỷ lệ 2:1:3, 0,5 – 1kg/cây). Phun KNO3 nồng độ 0,5-1%. Bón phân lần 3, giống như lần 2 nếu giống sầu riêng có thời gian thu hoạch >100 ngày như Monthong. Phun canxi bo qua lá 15 – 20 ngày phun lại lần hai để thúc đẩy quá trình vô cơm.

Chú ý phun thuốc phòng ngừa bệnh thối trái nhất là thời vụ có mưa, nên thu gom trái rụng mang ra khỏi vườn tiêu hủy, không để trái rụng trong mương tưới hay trên mặt liếp trong vườn.

25-30 ngày trước khi thu hoạch, trong mùa mưa có thể phủ nylon mặt liếp, rút nước trong mương ở mức 60-80 cm để hạn chế nhão cơm.

Xác định thời gian thu hoạch:

Dựa vào thời gian phát triển trái của từng giống: Ri6 từ 95 – 100 ngày sau khi đậu trái và Monthong từ 115 – 120 ngày sau khi đậu trái. Vùng cao do ảnh hưởng của nhiệt độ thấp thời gian thu hoạch trễ hơn vùng đồng bằng 20 – 30 ngày.

Theo kinh nghiệm, nhà vườn ở ĐBSCL dùng dao gõ vào trái sầu riêng để xác định thời điểm thu hoạch. Ảnh: Kim Anh.

Theo kinh nghiệm, nhà vườn ở ĐBSCL dùng dao gõ vào trái sầu riêng để xác định thời điểm thu hoạch. Ảnh: Kim Anh.

Dùng thanh gỗ gõ vào trái nghe tiếng “bộp, bộp”. Sự thay đổi màu sắc vỏ trái từ màu nâu sáng sang màu vàng xanh. Ngừng thu hoạch khi có mưa lớn để hạn chế cơm trái bị nhão. Bơm nước trong mương ra, thu hoạch trở lại sau 3 ngày.

Xử lý trái sau thu hoạch:

Trái sầu riêng xuất khẩu cần xử lý cho trái chín tập trung bằng cách quét ethephon nồng độ 0,1 – 0,2% sau đó để cho trái chín tự nhiên, không đậy kín sẽ làm cho vỏ trái có màu vàng sậm, mất màu tự nhiên của vỏ trái và làm cho cơm trái bị nhão.

Cựu giảng viên cao cấp, Trường Đại học Cần Thơ

Xem thêm
Người mở đầu cho nông nghiệp công nghệ cao ở Thụy Lâm

Ông Nguyễn Đình Chung (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) năm nay đã gần 70 tuổi nhưng cử chỉ, phong thái còn nhanh nhẹn và giọng nói vẫn mạnh mẽ.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Cú hích cho nông nghiệp công nghệ cao ở Mộc Châu

SƠN LA Chuyên gia của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đánh giá cao sự cầu tiến của các hộ trong dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’.